Anh Minh/ VnExpress
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá chứng khoán có nhiều phiên giao dịch bất thường “sáng nắng chiều mưa” trong khi thị trường trái phiếu phát triển quá “nóng”.
Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách, ngày 11/5, các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan ngại về những bất ổn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vừa qua.
Đánh giá về việc này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thị trường chứng khoán hiện “quá bất thường”.
“Ngày nào tôi cũng xem chứng khoán. Thị trường gần đây quá bất thường, có phiên giảm đến hơn 4,4%, rồi hôm qua (ngày 10/5) có phiên giao dịch ‘sáng mưa, chiều nắng’. Thị trường không ngày nào ổn định như thế, có yên tâm được không?”, ông Huệ nêu vấn đề.
Ngày 9/5, thị trường “đỏ lửa” khi giảm gần 60 điểm. Tới phiên sáng 10/5 toàn thị trường giảm 36 điểm, nhưng tới chiều lại đảo chiều tăng 24 điểm nhờ dòng tiền giải ngân vào các mã vốn hoá lớn.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ), nêu thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi.
Bên cạnh đó, việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. Ông cho rằng thao túng cổ phiếu đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
“Số lượng lớn nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định”, ông Thanh nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban công tác đại biểu, cũng lo lắng khi cổ phiếu bị làm giá, thao túng trên thị trường chứng khoán. Theo bà, việc này sẽ khiến thị trường chứng khoán, một trong số kênh huy động vốn, bất ổn và rủi ro. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp rốt ráo và lâu dài chấn chỉnh, giúp thị trường ổn định trở lại.
Thị trường trái phiếu tăng trưởng nóng cũng khiến các thành viên Thường vụ Quốc hội băn khoăn.
Báo cáo Chính phủ cho thấy, năm 2021 là năm tăng trưởng nóng của thị trường này, với 720.000 tỷ đồng tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng trên 52% so với 2020. Quý I năm nay, giá trị phát hành đạt 56.400 tỷ đồng, trong đó trái phiếu riêng lẻ là 49.400 tỷ; phát hành ra công chúng đạt 7.000 tỷ đồng.
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ngành bất động sản và tài chính – ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 41,6% và 20,4% giá trị phát hành.
Uỷ ban Kinh tế trong quá trình thẩm tra báo cáo này, lưu ý cơ cấu thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tồn tại sự mất cân đối khi khoảng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thuộc về các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản, các công ty chứng khoán.
Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm.
Nhận xét thị trường trái phiếu vừa qua phát triển quá nóng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nêu rõ số nợ đến hạn trong phát hành trái phiếu, nợ đến hạn mà không có khả năng thanh toán…
“Nguyên nhân ở đâu? Nếu quy định pháp luật không chặt chẽ thì ai chịu trách nhiệm?”, ông nói và cho rằng, cần làm rõ đâu là lỗi do khách quan, lỗi do chủ quan khi để thị trường này phát triển quá nóng vừa qua.
Cũng theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, có ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn, dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ giải trình sau đó. Ông cho hay thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu), thị trường tiền tệ và bất động sản liên thông với nhau. Trong đó, thị trường bất động sản chưa tiếp cận cung – cầu thực. Việc đầu cơ, mua bán găm giữ, vốn chảy vào bất động sản… còn nhiều vấn đề. Các bất cập tương tự cũng xảy ra trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ và vừa qua Chính phủ đã phát hiện, xử lý.
“Chúng ta phải kiểm soát được những bất cập này, nếu không sẽ ảnh hưởng tới vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát”, Phó thủ tướng nhìn nhận.
Ông thông tin, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Việc sửa đổi nhằm siết chặt việc chào bán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong lúc chờ sửa cơ chế, Chính phủ giao Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình, báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cho vay bất động sản… Từ đó, nhà chức trách sẽ đánh giá rủi ro để kiểm soát tốt nhất thị trường này.
Liên quan đến thị trường bất động sản, Uỷ ban kinh tế cho rằng nguyên nhân tăng giá thị trường bất động sản đến từ nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng từ những vướng mắc thủ tục và các lệnh rà soát. Việc siết tín dụng với bất động sản liệu có triệt tiêu được sốt đất hay không cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế, việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp.
Cơ quan này đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng cò đất, thổi giá đất tạo nên những cơn sốt ảo, làm bất ổn thị trường đất đai; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho ngân sách nhà nước, gây lãng phí, không phát huy được nguồn lực quan trọng này.
Nguồn: https://vnexpress.net/thi-truong-chung-khoan-qua-bat-thuong-4461964.html