Trần Quí Thanh
—–
Chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế khu vực tư nhân là đúng đắn, thể hiện rất rõ qua lĩnh vực hàng không. Gần đây, liên tục các hãng hàng không được ra đời như Bamboo Arways, Vinpearl Air, Vietstar Airlines, sắp tới còn các hãng khác như Viettravel Airlines…
Thêm nhiều hãng hàng không người dân có thêm nhiều lựa chọn, đương nhiên sẽ chọn hãng nào giá cả tốt nhất, phục vụ tốt nhất.
Nhưng thêm nhiều hãng hàng không ra đời, hạ tầng hàng không của Việt Nam không thể đáp ứng được tăng trưởng hàng không, đó là điều chắc chắn. Thực tế cho thấy, cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất bị quá tải.
Nhiều chuyến bay cùng cất cánh, phải xếp hàng chờ đợi, có khi mất cả tiếng mới đến lượt. Hạ cánh cũng tương tự, cho nên các hãng hàng không bị động, dẫn đến hoãn chuyến. Một chuyến bị hoãn, kéo theo các chuyến khác.
Xin nhắc lại, Công văn 815/Ttg ngày 28 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về “Lộ trình cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không” gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo: “Việc thành lập và phát triển các hãng hàng không mới phải đảm bảo được yêu cầu về duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, khả năng cung ứng nguồn nhân lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy bảo dưỡng và sửa chữa tàu bay) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không, góp phần đáp ứng hiệu quả vận chuyển công cộng bằng đường hàng không và phát triển bền vững của các hãng hàng không”.
Các hãng hàng không có thể đi mua máy bay rất nhanh, có tiền càng tốt, không có đi vay, nhưng tìm lao động ngành hàng không là rất khó, vay đâu bây giờ.
Số lượng phi công có hạn, đâu phải muốn là tuyển như tuyển công nhân.
Thợ máy, kỹ sư hàng không là lao động đặc biệt, liên quan đến an toàn bay, đâu phải cứ vào trường bách khoa tuyển dụng là có ngay được.
Đối với cơ quan không lưu, một cán bộ đảm trách được nhiệm vụ phải được đào tạo chuyên ngành, tiếng Anh tốt, đâu phải ngày một ngày hai là có.
Có con người chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn thì mới đảm bảo an toàn cho ngành hàng không.
Hơn 20 năm qua Việt Nam bảo đảm an toàn tuyệt đối trong hàng không dân sự, đó là một nét son, là điều làm cho thế giới thán phục. Tuy nhiên, không thể chủ quan, mà càng phát triển thì càng tập trung cho an toàn bay.
Chỉ cần một tai nạn hàng không, thì không chỉ hãng bay sập tiệm, mà ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia. Du lịch sẽ giảm sút ngay lập tức, vận chuyển hàng không cũng sẽ giảm, nhà nước mất nguồn thu rất lớn.
Trong công văn 815, có một ý rất rõ về tầm nhìn phát triển doanh nghiệp hàng không, đó là “khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không, góp phần đáp ứng hiệu quả vận chuyển công cộng bằng đường hàng không và phát triển bền vững của các hãng hàng không”.
Thiếu hạ tầng hàng không thì hãng hàng không sẽ không thể phát triển bền vững. Cho nên phải giải quyết được các hạn chế và sự lạc hậu của hạ tầng hàng không. Hạ tầng hàng không phải tương ứng với phát triển của các hãng hàng không.
Xin hỏi, mua báy bay về thì đậu ở đâu?
Tui nghĩ, đã cho tư nhân lập hãng bay thì việc gì không cho tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng hàng không. Nếu kêu gọi tư nhân đầu tư, các dự án hạ tầng hàng không sẽ được thực hiện nhanh chóng.
Sài Gòn ngày 12/08/2019
TQT
Bài đọc thêm, Link: Cạnh tranh hàng không nội địa: Không đánh đổi an toàn lấy tăng trưởng
(https://www.thesaigontimes.vn/td/292393/canh-tranh-hang-khong-noi-dia-khong-danh-doi-an-toan-lay-tang-truong.html)