Thoát khỏi ao làng để lên bục vinh quang Asiad

Trần Quí Thanh

Đoàn thể thao Việt Nam tại Seagames 29 (Nguồn: Internet)

Kết thúc SEA Games 29, nhiều ý kiến bàn luận về thể thao Việt Nam, cho rằng vẫn chưa nổi lên được trong cái ao làng Đông Nam Á.

Tui thích thể thao, cho nên dù không xem được nhiều, nhưng theo dõi không bỏ sót thông tin từ các sàn thi đấu quốc tế có Việt Nam tham gia. Nói thiệt bụng, tui không mấy hào hứng với đấu trường SEA Games, bởi vì càng ngày càng bộc lộ cái chất làng xã trong sân chơi này.

Nhưng dù là sân làng xã, ngoài những chuyện giành giật, chơi xấu thường thấy ở các nước  giữ vai trò chủ nhà, thì nó cũng phản ánh thực chất tiềm lực thể thao của từng quốc gia. Bằng chứng là Việt Nam luôn ở vị trí thứ ba, có khi còn rất mong manh, ví dụ như ở kỳ SEA Games vừa rồi.

Vậy thì trong các đấu trường tới, liệu có sự thay đổi thứ hạng của Việt Nam hay không?

Điều rõ nhất ở thể thao Việt Nam là lực lượng vận động viên tài năng kế thừa quá mờ nhạt, vẫn dựa vào những tên tuổi như Ánh Viên, Nguyễn Thị Huyền, Hoàng Xuân Vinh, chỉ cần phong độ của những vận động viên này có chút lung lay, coi như chiếc huy chương vàng được phó thác trong tay họ không còn.

Nhược điểm khác là ngôi sao thể thao không đồng đều ở các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic. Gãy một vài môn chủ lực, coi như tay trắng. Cho nên việc tìm kiếm, phát hiện nhân tài và đầu tư hiệu quả là vấn đề cần phải đặt ra, có vận động viên năng khiếu, nhưng không đầu tư để đào tạo thật nghiêm túc thì sẽ không phát huy hết tài năng.

Ví dụ điển hình nhất, như Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, ông Nguyễn Trọng Hồ nhận định: Một trong những nguyên nhân giúp điền kinh Việt Nam soán ngôi Thái Lan (9 HCV) để dẫn dầu toàn đoàn tại SEA Games 2017 với 17 HCV là nhờ chọn Mỹ tập huấn thay vì Trung Quốc như trước đây.

Vận động viên bơi lội Ánh Viên cũng tập huấn tại Mỹ.

Huy Hoàng (phải) là một trong 3 kình ngư Việt Nam giành được HCV tại SEA Games 29, bên cạnh Kim Sơn và Ánh Viên. Ảnh: VSI. (Theo Tiền Phong)

Như vậy, chọn lựa quốc gia có thế mạnh nhất của từng bộ môn để đầu tư cho vận động viên đào tạo, tập huấn là rất quan trọng, nó có tính quyết định cho chất lượng của vận động viên. Trên thực tế, một vận động viên tập huấn ở Mỹ chi phí bằng 4-5 lần Trung Quốc, nhưng tốn kém nhiều mà có thành quả còn hơn tiết kiệm để rồi mãi mãi đứng thứ ba trong ao làng.

Thể thao quốc tế thể hiện sức mạnh thể chất và tinh thần của một dân tộc, Việt Nam dù còn nghèo nhưng không vì thế mà không đầu tư tốt nhất cho thể thao. Thắt lưng buộc bụng ở nhiều chỗ khác, để dành tiền phục vụ cho những con người có thể mang lại vinh quang và niềm kiêu hãnh cho đất nước.

Chỉ có như thế mới thoát khỏi ao làng SEA Games, tiến tới một chỗ đứng rất đáng ngưỡng mộ ở đấu trường Asiad.

Không gì là không thể.

Sài Gòn 5/9/2017

TQT

Link bài: Thể thao Việt nam tiến hay lùi?

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *