[THP trong tôi] – Ownership tại Tân Hiệp Phát

Hứa Trần Nguyên Khôi/ Khối TTTT

Tại Tân Hiệp Phát, nhân viên luôn được đào tạo và phát triển

—–

“Ownership” là một từ  mà tôi được nghe đi nghe lại rất thường xuyên ở Tân Hiệp Phát (THP). Đây là một từ không lạ, một tinh thần cũng không lạ, nhưng ở những công ty tôi đã từng đi qua, nó được nhắc đến như một giá trị được mong đợi. Riêng ở Tân Hiệp Phát, nó là một tiêu chuẩn, một yêu cầu, một giá trị được xem trọng đến mức đưa vào giá trị cốt lõi của công ty, và là tiêu chí đánh giá cho năng lực của cán bộ nhân viên, được nhắc đến liên tục trong mỗi cuộc họp với sếp hay ban lãnh đạo công ty.  

Với tần suất “nhắc nhớ” thường xuyên về “Ownership” ở THP, cái từ được xem là “đơn giản” ở thưở ban đầu, trải qua hơn 3 năm, đã ăn sâu vào tiềm thức, đã hòa vào máu huyết tôi, để trở thành một “điều hiển nhiên” mà tôi xem đó là yêu cầu căn bản cần ở mọi nhân sự cho mọi hoạt động.

Nhớ lại những ngày đầu, thật sự quan điểm “làm công ăn lương” là điều khá phổ biến, khi bước vào công ty, việc yêu cầu nhân viên phải có tính làm chủ, suy nghĩ, hành động như một ông chủ có vẻ khá buồn cười. Nhân viên đi làm thì cứ theo đúng thỏa thuận về công việc mà làm, thực hiện đúng những cam kết thì là ổn, tôi tự hỏi công ty có quá tham lam không khi đòi hỏi nhân viên mình phải có tinh thần và tư duy làm chủ như một ông chủ thực thụ cho dù là vị trí của họ như thế nào, trong vai trò gì?…

Với vai trò là một người quản lý, cộng thêm việc bản thân mình đi làm luôn có trách nhiệm và suy nghĩ thấu đáo, luôn được đánh giá cao ở các công ty cũ, nên không có gì là khó khăn đối với tôi khi áp dụng tinh thần làm chủ này vào trong công việc. Nói đơn giản là thế chứ, thật ra, ownership cũng có nhiều cấp bậc đấy bạn nhé. Có lần khi gặp sự cố trong công việc, tôi nghĩ ra giải pháp và đề xuất với cấp trên. Tôi cũng suy xét tìm hiểu sự việc để có giải pháp tránh tái diễn, tôi nghĩ tôi đã hoàn thành tốt vai trò của mình…mà không phải thế. Tôi đến trình bày với sếp với thái độ rất tự tin, tin rằng mình đã thực hiện tốt vai trò của mình và sẵn sàng trả lời mọi tình huống với một loạt những lý do và giải pháp; Tin rằng sếp sẽ hoàn toàn đồng tình với đề xuất của tôi; Tin rằng sự chuẩn bị của tôi rất tốt không có một kẽ hở nào; thế mà…

Tôi mở đầu buổi trình bày, dõng dạc với những nội dung đã chuẩn bị trước. Sếp im lặng lắng nghe tầm 5 phút thì sếp hỏi tôi một câu hỏi khiến tôi đơ người và lặng im. Tất cả những gì tôi chuẩn bị để trình bày, đó là những thông tin thực tế xảy ra. Tôi tìm hiểu, phân tích, thống kê và lên kế hoạch để xử lý sự cố đó và tránh nó lặp lại. Thế nhưng điều mà sếp tôi mong đợi lại không chỉ đơn giản là như thế.

Sếp mong muốn tôi nhìn thấu các khả năng khác nhau mà sự việc có thể xảy ra ngay từ khi lên kế hoạch thay vì kể lại sự việc đã xảy ra như thế nào; mong muốn tôi đào sâu hơn những giải pháp có thể mang lại lợi ích cho công việc, cho công ty nhiều hơn nữa thay vì chỉ chăm chú xoay quanh giải pháp đang có; mong muốn tôi lục tung và đào sâu đến tận ngọn nguồn của sự việc thay vì nhìn và phân tích trên bề nổi; mong muốn tôi đặt những giả thuyết và lên dự trù hành xử cho những giả thuyết đó, cũng như thử nghiệm giả thuyết của mình để tìm lợi ích mới cho kết quả công việc;…Đây là trải nghiệm đầu tiên, giúp tôi vỡ ra, thế nào là “ownership tại THP”

Càng dấn thân vào sâu theo những hướng dẫn của sếp, tôi càng khám phá được nhiều điều mình có thể làm, vượt hơn xa những gì mình nghĩ mình có thể trước đây, nhờ vào tinh thần làm chủ trong công việc. Những mong đợi của tôi dành cho nhân viên bắt đầu cao hơn, tôi bắt đầu nhìn được nhiều vấn đề hơn, nhìn thấy nhiều cơ hội hơn, thử được nhiều  giải pháp hơn và mang đến được nhiều kết quả hiệu quả hơn. Tôi bắt đầu khám phá được những giới hạn mới của mình và không ngừng thách thức và mở rộng nó.

Tại Tân Hiệp Phát, con thuyền được lãnh đạo bởi những con người không chỉ kinh doanh để giàu có, họ mang một tầm nhìn, một sứ mệnh cao hơn nhu cầu của bản thân. Tôi đã hiểu được vì sao ở Tân Hiệp Phát, tinh thần làm chủ lại quan trọng đến dường vậy. Một tổ chức quá lớn, với hàng ngàn con người cùng nhau vận hành mỗi ngày để nó hoạt động và dịch chuyển hướng tới một mục tiêu vĩ đại.

Khi đã cùng nhau trên một mặt trận, tham gia vào một trận đánh lịch sử, những cá thể cần phải đồng nhất, phải điêu luyện, phải là bản sao của người thuyền trưởng; và chỉ khi từng cá thể sở hữu được tinh thần ownership, hoàn toàn làm chủ công việc của họ như một người chủ thực thụ, công ty mới có thể nhân bản được người thuyền trưởng thành một lực lượng hùng hậu cùng nhau chinh phục mục tiêu. Cảm ơn Tân Hiêp Phát rất nhiều, đã giúp tôi trưởng thành hơn, sống và làm việc một cách ý nghĩa hơn. Tôi yêu Tân Hiệp Phát!

Hứa Trần Nguyên Khôi

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *