Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi chú Dr Thanh
Thưa chú, cháu là CEO nhỏ ở Qui Nhơn, hai năm nay nhờ chăm chỉ đọc blog của chú mà cháu rút ra được nhiều bài học về quản trị. Cảm ơn chú lắm lắm.
Nay cháu gửi tới chú vấn đề này: làm gì để giữ chân nhân viên? Đây là vấn đề muôn thuở nhưng là vấn đề đang nóng bỏng ở công ty cháu. Mong chú giúp đỡ chỉ bảo.
Kính chúc chú mạnh giỏi
Lê Thị Hiền Hoà (Qui Nhơn): hienhoadethuong_1987@gmail.com
—–
Lê Thị Hiền Hòa mến!
Quản trị nhân sự là thử thách đối với tất cả CEO, quản trị nhân sự kém thì doanh nghiệp không thành công. Bởi vì con người làm nên tất cả, không phải là những cổ máy, dây chuyền, cho dù là hiện đại bậc nhất.
Đề tài giữ chân nhân viên mà cháu đặt ra là một trong những nội dung thuộc về khoa học quản lý nhân sự.
Hiện nay, có tình trạng nhân viên nhảy việc, làm đảo lộn hoạt động của các doanh nghiệp.
Những người không giỏi giang thì chẳng ai mời, nên không có cơ hội để thay đổi. Thường thì những người có chuyên môn cao, có năng lực mới nhảy việc, vì họ có nhiều nơi mời gọi, cho nên mất đi nhân sự loại này là một tổn thất của doanh nghiệp.
Muốn giữ chân nhân viên, trước hết phải tìm ra nguyên nhân nhân viên thường hay nhảy từ chỗ này sang chỗ khác. Bác chẳng sách vở gì, chỉ chia sẻ với cháu kinh nghiệm trong đời làm doanh nghiệp của bác.
Trước hết là vì thu nhập. Nơi nào có thu nhập cao hơn thì thu hút được người giỏi. Khi tuyển dụng nhân sự mà người đó là chuyên gia của doanh nghiệp khác, thì nhà tuyển dụng bao giờ cũng đưa ra mức lương cao để thuyết phục. Người ta đi làm là vì kiếm tiền, cho nên lương cao đương nhiên là một động lực.
Thứ hai là môi trường làm việc. Một môi trường làm việc không thoải mái, không lành mạnh, không thân thiện, thì cho dù lương cao người ta cũng muốn bỏ đi.
Thứ ba là không thúc đẩy tư duy sáng tạo, không khuyến khích người có sáng kiến, không đề cao giá trị của cá nhân có đóng góp. Nếu như vậy thì thu nhập tốt cũng không thể giữ người tài.
Thứ tư là hành xử của sếp. Lãnh đạo một doanh nghiệp mà không có cốt cách, phong độ, bản lĩnh của một thủ lĩnh. Nhỏ nhen, ích kỷ, đố kị, hành xử không công bằng, không trọng nhân tài thì mọi người sẽ xa lánh, tìm cách ra đi khi có cơ hội.
Khi đã phân tích được các nguyên nhân trên, thì cháu sẽ tự biết cách điều chỉnh.
Phải trả lương cho nhân viên phù hợp, xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Ở đây không phải là từ thiện, nhân đạo, mà là lẽ công bằng. Chưa kể, thị trường lao động có cạnh tranh, và tất nhiên thu nhập là một tiêu chí để dành ưu thế.
Xây dựng môi trường làm việc thật tốt, trong đó bao gồm cả điều kiện làm việc và không khí làm việc. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải vì chính nội bộ doanh nghiệp trước khi nói đến cộng đồng.
Người ta đi làm ngoài thu nhập, còn có nhu cầu đóng góp, cống hiến. Vì vậy, cháu phải tạo điều kiện tối đa cho những đóng góp cá nhân, sáng kiến của từng người và phải có sự khen thưởng tương xứng. Cha ông nói “một miếng giữa làng”, hãy tuyên dương người có thành tích công khai, đem đến sự vinh dự cho họ. Đó là phần thưởng tinh thần, đôi khi còn hơn cả vật chất.
Bản thân cháu là một CEO thì phải rèn luyện mình, tích lũy kiến thức, ứng xử và giao tiếp khéo léo, chân thành. Khi mình là một thủ lĩnh xuất sắc thì không sợ thiếu nhân viên trung thành.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)