Thủ tục đất đai là vẫn là một trong những rào cản lớn mà các doanh nhân tại TP HCM vừa nêu với Lãnh đạo TP tại lễ Kỷ niệm 2 năm Chương trình Cà phê Doanh nhân HUBA.
Hầu hết các doanh nhân của các doanh nghiệp lớn tại TP HCM đã có cơ hội trình bày những khó khăn riêng của doanh nghiệp và tình hình chung của các doanh nghiệp cùng ngành, đều có nhận định chung: Cải cách hành chính tiếp tục có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, chưa tạo ra sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh. Các nguồn lực từ Nhà nước hỗ trợ hầu như chưa phát huy tác dụng trên thực tế.
Đau đầu với thủ tục hành chính, nhất là đất đai
Theo các doanh nghiệp, các thủ tục đầu tư về đất đai, xây dựng vẫn còn rất phức tạp. Cụ thể, doanh nhân Lê Thành, Giám đốc Công ty Lê Thanh đánh giá khung pháp lý đất đai đã được ban hành chuẩn nhưng trên thực tế doanh nghiệp của ông vẫn vướng mắc các khó khăn với thủ tục pháp lý.
Công ty Lê Thành đang xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, công trình đã xây tới nóc rồi mà vẫn không vay được ngân hàng. Lý do là chưa được TP ban hành văn bản miễn quyền sử dụng đất. Ngân hàng và công ty đã làm thủ tục công chứng rồi nhưng vẫn chưa đăng bộ được vì trong văn bản phát hành giao đất của TP có ghi Cục thuế, Sở tài chính và Sở Tài nguyên phối hợp thực hiện để công ty có thể thực hiện thủ tục tài chính như quy định. Chạy theo thủ tục của 3 cơ quan này từ tháng 5 năm 2016 đến nay công ty ông vẫn chưa thể đáp ứng được. Ông Thành nói, nếu trong văn bản giao đất ghi rõ miễn quyền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội thì sẽ rút ngắn được rất nhiều thủ tục.
Thủ tục hành chính về đất đai là rào cản mà nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Theo kinh nghiệm trong quá trình cho vay, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc NH TM CP Sacombank cũng thấy được khó khăn của các liên quan đến các thủ tục đất đai. Tiền thuê đất ở khu công nghiệp của một số doanh nghiệp nhỏ phải trả một lần, nhưng một số chủ đầu tư khu công nghiệp phải trả nhiều lần. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không vay ngân hàng được vì không có quyền sở hữu đất.
Không chỉ riêng lĩnh vực đất đai, nhiều ngành cũng chưa thật sự hài lòng với các chương trình kích cầu khác. Các sở ngành đòi hỏi thẩm định dự án nhiều lần nhưng khi được tham gia rồi thì việc bố trí vốn giải ngân bù lãi suất còn chậm và không đủ theo nhu cầu. Các doanh nghiệp nhấn mạnh, chỉ khi thủ tục hành chính được cải thiện thì môi trường kinh doanh mới cải thiện được. Nhưng kể từ khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ (giảm từ 1/3 đến 1/2 các điều kiện kinh doanh), thủ tục cấp giấy phép con, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vẫn làm khó doanh nghiệp.
Ngoài thủ tục hành chính của các cấp nhà nước, các doanh nghiệp còn thấy lo ngại với sự cạnh tranh từ nước ngoài. Họ cho rằng doanh nghiệp FDI đang cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp này đang có các lợi thế hơn hẳn doanh nghiệp trong nước về vốn và những ưu đãi nhà nước dành cho doanh nghiệp FDI… Đặc biệt, các vấn đề như chuyển giá, và các ưu đãi cho các dự án ODA đang làm doanh nghiệp trong nước mất thị trường ngay trong nước mình. Các doanh nghiệp TP cho rằng, nếu TP có chủ trương và giải pháp giúp các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực được tham gia như một nhà thầu chính sẽ giúp xây dựng được các doanh nghiệp lớn mạnh hơn.
Tạo thêm nội lực để cạnh tranh
Theo các doanh nhân, sự cạnh tranh đến từ các tập đoàn bán lẻ quốc tế xâm nhập vào thị trường trong nước ngày càng lớn. Các hệ thống phân phối lớn dưới sự quản lý và điều hành của nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ hàng hóa ngoại chiếm lĩnh trên kệ và hệ thống phân phối tạo nên sức ép cạnh tranh khốc liệt đối với sản phẩm doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, gian lận thương mại, hàng giả, hàng buôn lậu vẫn chưa được xử lý triệt để gây sức ép cạnh tranh nặng nề đến các ngành sản xuất.
Một số doanh nhân cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo thêm nội lực để có thể cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài và giữ thương hiệu của mình tránh khỏi các vụ mua bán sáp nhập mà thực chất là thâu tóm. Trước hết là sự liên kết của các hiệp hội doanh nghiệp với cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp với nhau để tạo thương hiệu, tạo chuỗi sản xuất. Các hiệp hội này cần có một cơ cấu “cứng”, cho phép Hiệp hội được tham gia phản biện, đóng góp xây dựng những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội TP.
Bên cạnh đó, dành một phần kinh phí xúc tiến thương mại cho Hiệp hội doanh nghiệp TP tổ chức như Diễn đàn kinh tế TP.HCM, hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối kinh doanh trong và ngoài nước.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ của Hiệp hội doanh nhân TP và Sở Ngoại vụ theo các doanh nghiệp, đã đánh dấu một chương mới trong hội nhập quốc tế của môi trường kinh doanh TPHCM và nỗ lực của hiệp hội.
Riêng TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP cùng một số doanh nhân cũng đồng ý tưởng là cần tìm ra sản phẩm chủ lực để có thể xây dựng thương hiệu mạnh, cạnh tranh quốc tế. Hiện trong top 40 thương hiệu mạnh trong nước, chỉ có chưa quá 10 thương hiệu của TPHCM. Hơn 300.000 doanh nghiệp đăng ký của TP, số doanh nghiệp mạnh chỉ chiếm 10%. Chủ tịch UBND TP cho rằng nguyên nhân vì các doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ và khoa học vào kinh doanh. Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn như ngân hàng vẫn còn ngại ngần với việc số hóa vì khách hàng của mình cũng chưa sử dụng thương mại điện tử.
Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng, thực hiện xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh, đô thị sáng tạo thì nên nghiên cứu tái cấu trúc lại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hình thành chuỗi liên kết sản xuất. Quy hoạch theo hướng cụm ngành công nghiệp: cụm công nghiệp cơ khí và công nghiệp ô tô, cụm công nghiệp hóa nhựa cao su … theo hướng liên kết với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để ổn định vùng nguyên liệu. Và đặc biệt là cần có giải pháp để giá và điều kiện thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp cạnh tranh so với các khu công nghiệp của địa phương lân cận.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có những khó khăn riêng, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp TP mong mỏi chính quyền cải tiến thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản thủ tục hơn nữa. Đồng thời, cần cải tiến phương thức quản lý, phê duyệt các chương trình kích cầu, tạo sự thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Họ cũng mong được tham gia vào khâu dự thảo các dự luật để có thể đề xuất, tham mưu góp ý trước khi chính sách ban hành.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 2 lần trong 1 năm để không gây khó khăn cho doanh nghiệp.