Thủ tướng nói rất đúng. Chi phí logistics cao thì doanh nghiệp bị tăng chi phí, giá thành hàng hóa cao, dẫn đến nền kinh tế mất sức cạnh tranh. Đến giờ này mới bàn cách để giảm chi phí logistics là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không.
Nguyên nhân chính dẫn đến chi phí logistics cao là kết nối hạ tầng giao thông kém, đường bộ, đường thủy không được mạch lạc mà rời rạc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra một dẫn chứng thuyết phục về sự rời rạc này: “45% xe chạy chiều về không chở hàng, làm sao chi phí không cao”.
Các nhà quy hoạch của Việt Nam đâu, tại sao mấy chục năm qua không vẽ được một bản đồ kết nối các loại hình vận tải hiệu quả. Nếu không đủ sức thì thuê chuyên gia nước ngoài làm, cứ để chi phí logistics gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển thì không thể ngóc đầu lên được.
Trần Quí Thanh
“Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ, một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời nhà lập quốc Hoa Kỳ Benjamin Franklin khi nói về chi phí logistics ở Việt Nam.
Phát biểu của Thủ tướng được đưa ra tại hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông do Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Giao thông – Vận tải và Bộ Công Thương tổ chức ngày 16-4 tại Hà Nội.
“Chỉ mới tổ chức vận tải đơn tuyến, chỉ có mỗi đường bộ là chủ yếu, thiếu biện pháp kết nối tổng hợp để phát huy hiệu quả. 45% xe chạy chiều về không chở hàng, làm sao chi phí không cao”, Thủ tướng dẫn chứng về việc thiếu kết nối vận tải.
Thủ tướng nhấn mạnh, chức năng của logistics không chỉ giao nhận vận tải, kết nối kho bãi mà xử lý, đóng gói, phân phối hàng hóa… và đây là ngành có vai trò hết sức to lớn với nền kinh tế.
Vì thế, Thủ tướng cho rằng cần phải làm tốt logistics để hạn chế chi phí kho bãi, nâng cao khả năng cạnh tranh, “chi phí phải giảm từng tí, từng li một”.
Vì vậy phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó chi phí logistics cao đang là gánh nặng ảnh hưởng đến cạnh tranh của nền kinh tế đất nước”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ dẫn chuyện vận chuyển 90% bằng đường bộ và chỉ 10% còn lại bằng hình thức khác khiến cho bức tranh vận tải rời rạc làm tăng chi phí, mà theo Ngân hàng Thế giới thì chi phí logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển.
Để cắt giảm chi phí logistics, Thủ tướng cho rằng phải có sự xắn tay của Nhà nước, và các ban ngành phải tập trung vào các giải pháp, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng và kết nối hạ tầng.
“Ai đứng ra chỉ huy làm việc này? Địa hình Việt Nam cũng trải dài như Nhật Bản thì phải xử lý như thế nào? Các trung tâm logistics, cảng trung chuyển hàng hóa làm sao phát huy tiềm năng lợi thế, để nâng cao hiệu quả kết nối trong cùng một khu vực?” – Thủ tướng đặt câu hỏi cho các đại biểu tham dự hội nghị.
Thủ tướng cho rằng cần phải tăng tính kết nối của các loại hình vận tải thay vì chỉ tập trung vào đường bộ và vấn đề quan trọng là phải giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Nếu không giảm được thì nền kinh tế không cạnh tranh được,” Thủ tướng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước, tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 14-16%.
Ông Đông thừa nhận vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao lên tới 20,9% GDP thì vận tải chiếm đến 59%, vì thế việc cắt giảm chi phí này là “nhiệm vụ cấp thiết”.
Trong vận tải đường bộ, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, phí cầu đường (BOT) chiếm 10-15% cơ cấu giá thành.
Tỉ lệ khối lượng hàng hóa vận tải năm 2016:
Đường bộ (giá thành cao): 77,20% Vận tải đường thủy: 17,14% Đường biển: 5,22% Đường sắt: 0,42% Hàng không: 0.02% |