Thực phẩm minh bạch: Rất cần, nhưng đừng “hý lộng quỷ thần”

Vũ Thế Thành/ Báo Người Đô Thị
 
TP.HCM đang siết chặt việc truy xuất thịt heo khi áp dụng các biện pháp xử lý kiên quyết, kể cả thực hiện khởi tố các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Thanh Niên.
Cuối tháng 11.2017, AFT vừa chính thức ra mắt. Nhiều doanh nghiệp (DN), sau thời gian lưỡng lự thăm dò, đã bắt đầu đăng ký gia nhập để có cơ hội minh bạch sản phẩm của mình. Và rồi sẽ có không ít mập mờ minh bạch. Con sâu làm rầu nồi canh.

Quy định, cần nhưng chưa đủ

Minh bạch là điều hấp dẫn. Nhưng minh bạch cái gì, và làm sao để chứng tỏ cái minh bạch của mình là thiệt, cho người ta tin mới là điều khó. 

Nhiều DN có xu hướng “minh bạch” rằng, mình đã tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm. Quy định là vấn đề pháp luật, DN không tuân thủ thì cơ quan hữu trách sẽ “hỏi thăm” ngay. Tuân thủ quy định chỉ là điều cần, nhưng không đủ để được gọi là minh bạch.

Lại có DN muốn “show” công nghệ chế biến hiện đại của mình. Nhưng liệu công nghệ hiện đại có đảm bảo rằng, chẳng hạn, DN đã không sử dụng hóa chất quá liều lượng cho phép không? Công nghệ hiện đại chỉ là điều cần, nhưng vẫn không đủ để được gọi là minh bạch.

Vậy cái không đủ đó là cái gì để được gọi là minh bạch?

Cốt lõi minh bạch là truy xuất nguồn gốc

Minh bạch là cái người tiêu dùng muốn nhà sản xuất công khai thông tin thêm về sản phẩm. Cái người tiêu dùng muốn biết lại thường là những gì pháp luật không yêu cầu.

Thí dụ sau đây cho thấy sự khác biệt giữa quy định và minh bạch trong thực phẩm.

Quy định của Mỹ về yogurt là, sữa cần được lên men ít nhất với hai loại vi khuẩn: L. bulgaricus và S. thermophilus, nghĩa là nhà sản xuất có thể dùng thêm nhiều loại lợi khuẩn khác. Còn lên men như thế nào là tùy nhà sản xuất. Điều quan trọng là, luật không quy định trong yogurt thành phẩm phải còn men sống. 

Tuy nhiên, quảng cáo yogurt thì cứ ầm ĩ cả lên, nào men sống trong yogurt tốt cho tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, ngừa ung thư… Nhưng trong yogurt có còn men sống hay không thì có Trời biết (vì pháp luật không yêu cầu). Hiệp hội Yogurt Hoa Kỳ, một tổ chức dân sự gồm những thành viên sản xuất yogurt, tự thỏa thuận với nhau để minh bạch về men sống trong yogurt, phải có ít nhất 100 triệu vi khuẩn/gr đối với yogurt làm lạnh, và 10 triệu/gr với yogurt đông lạnh. Chỉ sản phẩm nào đáp ứng yêu cầu trên mới được phép dán nhãn “live and active cultures” (men sống). Nhãn đây là nhãn riêng của hiệp hội, và có cầu chứng tại tòa.

Còn những nhà sản xuất yogurt ở ngoài hiệp hội muốn dán nhãn sao cũng được, miễn là tuân thủ quy định của nhà nước, nhưng không được dùng nhãn hiệu cầu chứng của hiệp hội. Vấn đề còn lại là chọn lựa của người tiêu dùng.

Như vậy lên men bằng hai loại vi khuẩn L. bulgaricus và S. thermophilus, kèm theo một vài yêu cầu khác như pH yogurt, kim loại nặng, vi khuẩn, nấm mốc có hại… là quy định pháp luật. Còn số lượng lợi khuẩn còn sống trong yogurt là điều nhà sản xuất tự nguyện minh bạch với công chúng.

Một thí dụ khác ở Việt Nam, người tiêu dùng hiện nay e ngại thịt heo dùng hormone. Họ vào siêu thị mua xúc xích, jambon, chả lụa, nem chua…, chỉ thấy ghi thành phần trên nhãn theo quy định là: thịt heo, muối, tiêu… Nhưng thịt heo thế nào thì họ không thể biết. Họ cần nhà sản xuất minh bạch chỗ này.

Thực ra cái cốt lõi trong minh bạch thực phẩm chính là truy xuất nguồn gốc (nguyên liệu). Nhà sản xuất chả lụa, xúc xích có thể khai rằng, nguyên liệu thịt heo mà họ dùng là thịt heo sạch. Bằng chứng đâu? Người tiêu dùng biết dựa vào ai để đặt niềm tin?

Vấn đề là kiểm soát luật chơi

AFT là sân chơi để các nhà sản xuất minh bạch cái người tiêu dùng muốn biết (ngoài quy định của pháp luật). Các thành viên từng nhóm thực phẩm phải đặt ra luật chơi với nhau, và kiểm soát việc tuân thủ luật chơi lẫn nhau. Lòng tin của người tiêu dùng có hay không, tùy thuộc vào việc kiểm soát của Hiệp hội có nghiêm túc hay không. 

Đòi hỏi minh bạch thực phẩm đang là xu hướng chung nhằm chinh phục lòng tin người tiêu dùng. Hiệp hội Thực phẩm minh bạch sắp ra mắt trong tháng 11 này là một nỗ lực đáng khích lệ. Hiệp hội còn non trẻ, thì ít nhiều cũng có một số DN cơ hội nhảy vào “hí lộng quỷ thần” mập mờ sự minh bạch. 

Để kết thúc, tôi muốn lập lại và nhấn mạnh, có chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng hay không là tùy thuộc vào kiểm soát việc tuân thủ luật chơi có nghiêm túc hay không. Minh bạch thắng thua là chỗ này. 

Nguồn: Theo báo Người Đô Thị
 
 
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *