Tiết kiệm đi vào sản xuất thì không còn được gọi là tiết kiệm

Phan Minh Ngọc/ Báo TBKTSG

Khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng bị thu hẹp. Ảnh minh hoạ: TTXVN

—–

Một đề tài tranh luận rất thú vị trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn là Tiết kiệm và Đầu tư.

Quan điểm thứ nhất cho rằng nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam khá mạnh với lượng tiết kiệm nhiều: Tỉ lệ tiết kiệm của nền kinh tế trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) chiếm tỉ trọng cao hơn đầu tư thực hiện trong GDP. Tuy nhiên, khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng bị thu hẹp. Đây là điều bất thường.

Quan điểm thứ hai cho rằng, nguồn vốn để đầu tư thực chất là lấy từ khoản tiết kiệm từ các kênh trong và ngoài nước, trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như huy động từ khoản tiết kiệm của người khác. Cho nên, nếu như đầu tư tăng và tiết kiệm giảm là cái lý đương nhiên, không có gì bất thường.

Tui ủng hộ quan điểm thứ hai, tiết kiệm là để có nguồn vốn dồi dào đưa vào đầu tư chứ không phải cất trong kho, tất nhiên là đầu tư có hiệu quả. Đầu tư có hiệu quả thì có nhiều tiền tiết kiệm, sau khi để lại khoản “tích cốc phòng cơ” thì sử dụng số còn lại để đầu tư.

Giảm chi tiêu công để tiết kiệm, giảm đầu tư công tràn lan không hiệu quả để tiết kiệm, sử dụng nguồn vốn đó đưa vào đầu tư các dự án trọng điểm có tác dụng làm đòn bẩy cho nèn kinh tế.

Người dân giảm chi tiêu để tiết kiệm, nếu gửi ngân hàng thì đồng tiền đó chủ yếu được ngân hàng sử dụng cho doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh, thì đó cũng là tiết kiệm nhưng thực chất là phục vụ đầu tư.

Càng đầu tư hiệu quả thì càng có nguồn tiết kiệm lớn, càng có nguồn tiết kiệm lớn thì có dư tiền để đầu tư. Tui nói vậy không biết các bạn thấy có đúng không? Mời đọc bài báo tui giới thiệu nhé.

Trần Quí Thanh

—–

TBKTSG số 2-2020 có bài viết Tiết kiệm nhiều, nhưng tiền không ra được khỏi “tủ”!, theo đó tác giả chỉ ra rằng nguồn lực của nền kinh tế Việt Nam khá mạnh với lượng tiết kiệm nhiều: Tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) chiếm tỷ trọng cao hơn đầu tư thực hiện trong GDP. Tuy nhiên, khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng bị thu hẹp.

Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ tiết kiệm so với GDP là 41% trong khi đầu tư so với GDP là 31%, khoảng cách giữa hai tỷ lệ này chênh nhau 10 điểm phần trăm; đến năm 2018 tỷ lệ tiết kiệm so với GDP giảm xuống 36%, trong khi tỷ lệ đầu tư so với GDP tăng lên 33%.

Một nghịch lý là nền kinh tế vẫn vay quá nhiều, với tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của cả nền kinh tế tăng từ mức 2,1 lần bình quân giai đoạn 2011-2016 lên 2,5 lần năm 2017…

Do vậy, tác giả kết luận rằng tuy tiết kiệm nhiều nhưng nguồn tiết kiệm này không được chuyển hóa hết vào đầu tư mà còn nằm ở dạng “tiền tệ”. Tác giả lý giải nút thắt của tình trạng này là do “trên nóng dưới lạnh” – trên muốn kiến tạo nhưng ở phía dưới nạn tham nhũng vặt vẫn hoành hành ngày càng công khai.

Trong bài này, trước hết xin bàn về điều “bất thường”, nếu có (hiểu theo ý của tác giả) rằng chênh lệch giữa tiết kiệm/GDP và đầu tư/GDP ngày càng thu hẹp.

Theo lý thuyết, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư tăng lên (thể hiện qua tỷ lệ đầu tư/GDP tăng lên) chỉ có thể đến từ khoản tiết kiệm trong nước và ngoài nước, dưới dạng vốn chủ sở hữu có được từ tích lũy thặng dư (tức tiết kiệm) trong quá trình sản xuất, kinh doanh và/hoặc vốn vay trong nước và ngoài nước – huy động từ khoản tiết kiệm của người khác trong nước và ngoài nước.

Hiện tượng mà tác giả quan sát thấy rằng chênh lệch tiết kiệm và đầu tư đang giảm đi ở Việt Nam là một diễn biến theo đúng lý thuyết này, theo đó nền kinh tế đang ngày càng huy động một lượng vốn tiết kiệm (trong nước) nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu đầu tư đang ngày càng tăng lên, dẫn đến làm giảm lượng tiết kiệm. Như vậy, không có gì là bất thường ở đây cả.

Tiết kiệm luôn cần được duy trì ở một mức độ nào đó với ý nghĩa “tích cốc phòng cơ”, coi như đệm đỡ những cú sốc trong tương lai.

Điều góp ý thứ hai với tác giả là về “nghịch lý” nền kinh tế vay nợ quá nhiều, với tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đang tăng lên (trong bối cảnh nền kinh tế đang “dư thừa” vốn, như được thể hiện bằng tỷ lệ tiết kiệm/GDP cao hơn đầu tư/GDP?).

Cần lưu ý là, song hành với sự gia tăng của tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu là sự sụt giảm tỷ lệ tiết kiệm/GDP, như tác giả đã chỉ ra. Điều này có nghĩa là mọi việc vẫn đang diễn ra theo đúng quỹ đạo tự nhiên, cần có: Gia tăng nhu cầu đầu tư, gia tăng nhu cầu vốn đầu tư, gia tăng vay mượn + gia tăng sử dụng vốn tự có/chủ sở hữu (có nguồn gốc từ thặng dư, tiết kiệm). Như vậy, ở đây chẳng có “nghịch lý” nào cả. Nếu có chăng, chỉ là tại sao dù tiết kiệm nhiều hơn đầu tư mà nền kinh tế không sử dụng hết lượng tiết kiệm này để đầu tư mà lại phải đi vay?

Để lý giải “nghịch lý” này, hãy nhìn nhận vấn đề ở cấp độ doanh nghiệp. Chúng ta đã biết đến một hiện tượng là nhiều doanh nghiệp “thích” đi vay hơn là dùng/huy động vốn tự có, vốn chủ sở hữu để đầu tư. Cũng có rất nhiều doanh nghiệp có khoản tiền gửi ngân hàng rất lớn nhưng vẫn đi vay để đầu tư. Nguyên nhân có thể là do vay nợ dễ hơn, rẻ hơn là vốn chủ sở hữu phải bỏ ra (hãy liên hệ với trường hợp nhiều ngân hàng thương mại hiện muốn tăng vốn chủ sở hữu nhưng các cổ đông hiện hữu không thông qua, buộc ngân hàng phải đi huy động qua những kênh khác), hay liên quan đến cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp (được khấu trừ chi phí vay vốn)… Ngoài ra, tiết kiệm luôn cần được duy trì ở một mức độ nào đó với ý nghĩa “tích cốc phòng cơ”, coi như đệm đỡ những cú sốc trong tương lai. Như vậy, có thể nói khoản tiết kiệm không nhất thiết cần được đem ra sử dụng hết vào đầu tư, và vay nợ tăng lên không nhất thiết là một điều tiêu cực.

Điểm góp ý thứ ba là kết luận của tác giả rằng tiết kiệm tuy nhiều nhưng không được chuyển hóa hết vào đầu tư, “đi vào sản xuất”, mà còn nằm ở dưới dạng “tiền tệ”.

Nếu đã gọi là tiết kiệm, thì nó có thể hoàn toàn nằm ở dưới dạng “tiền tệ”, chẳng hạn tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng của người dân từ nguồn tiền nhàn rỗi. Hơn thế, tuy có nguồn gốc từ tiền nhàn rỗi, là “tiền tệ”, nhưng khoản tiết kiệm này vẫn “đi vào sản xuất”, vẫn chuyển hóa thành đầu tư thông qua hoạt động cho vay lại của ngân hàng từ khoản tiền gửi này cho các doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh. Như vậy, tác giả không thể dựa vào con số tỷ lệ tiết kiệm/GDP lớn hơn đầu tư/GDP để kết luận rằng tiền (tiết kiệm) đang dư thừa, không được biến thành đầu tư, đi vào sản xuất.

Và cũng như đã nói ở trên, vốn đầu tư không nhất thiết phải đến hoàn toàn từ vốn tự có/chủ sở hữu mà có một phần là đi vay. Đồng thời, trong nền kinh tế luôn cần phải có/duy trì một mức độ tiết kiệm nào đó để phòng ngừa rủi ro. Bởi vậy, dù tỷ lệ tiết kiệm/GDP lớn hơn đầu tư/GDP thì cũng chưa nói lên được điều gì tiêu cực cả. Và chắc chắn rằng nếu khảo sát các nước khác tác giả cũng sẽ thấy nhiều nước có tỷ lệ tiết kiệm/GDP lớn hơn đầu tư/GDP.

Cuối cùng, tác giả nêu nguyên nhân làm tỷ lệ tiết kiệm/GDP nhỏ đi là do việc chi trả sở hữu ngày càng lớn khiến kiều hối không thể bù đắp nổi. Lưu ý rằng, như tác giả chỉ ra, tiết kiệm là phần còn lại của thu nhập quốc gia khả dụng sau khi trừ đi tiêu dùng cuối cùng của dân cư và chi tiêu thường xuyên của Chính phủ. Như vậy, tiết kiệm/GDP nhỏ đi có thể còn do chi tiêu dân cư và/hoặc tiêu dùng thường xuyên của Chính phủ tăng lên, chứ không nhất thiết là do chi trả sở hữu hay kiều hối như tác giả kết luận một cách khá khiên cưỡng.

Ý kiến của ông Bùi Trinh

Tác giả Phan Minh Ngọc có một số phản biện bài viết trên TBKTSG số 2-2020 “Tiết kiệm nhiều, nhưng tiền không ra được khỏi “tủ”! Trước hết xin có lời cảm ơn Phan Minh Ngọc đã đọc bài của tôi tương đối kỹ và đưa ra những phản biện khi cho rằng những điều tôi cho là bất thường không có gì là bất thường. Đoạn cuối Phan Minh Ngọc viết “Như vậy, tiết kiệm/GDP nhỏ đi có thể còn do chi tiêu dân cư và/hoặc tiêu dùng thường xuyên của Chính phủ tăng lên, chứ không nhất thiết là do chi trả sở hữu hay kiều hối như tác giả kết luận một cách khá khiên cưỡng” là đúng, tôi công nhận khá khiên cưỡng.

Nhưng vấn đề là chi thường xuyên của Chính phủ trong mấy năm gần đây không hề giảm đi mà có xu hướng tăng lên. Lẽ ra giả định rằng chi tiêu dùng cuối cùng của dân cư và chi thường xuyên của Chính phủ không thay đổi thì kiều hối là lượng tiền quan trọng để bù đắp khoản thiếu hụt. Tiêu dùng cuối cùng (của dân cư và chi thường xuyên của Chính phủ) là nhân tố làm tăng GDP, cái mà người ta đang mê cuồng, như vậy GDP càng tăng thì tiết kiệm của nền kinh tế càng nhỏ lại. Phan Minh Ngọc nói chỗ này đúng, tôi đã để “tình cảm” xen vào dẫn đến kết luận như vậy

Năm 2010 theo số liệu điều tra doanh nghiệp, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước là 3/1, một số chuyên gia và đại biểu Quốc hội cảnh báo tỷ lệ này là quá cao, cần phấn đấu cố gắng hạ thấp tỷ lệ này trong những năm tới, nhưng đến năm 2017 đã tăng lên 4,2/1, trong đó tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước không có 100% vốn nhà nước khoảng 5/1 là rất cao, điều này liên quan đến vấn đề doanh nghiệp nhà nước không được bảo lãnh nợ, không được tính vào nợ công nhưng mất khả năng trả nợ.

Trong những năm gần đây, ngân hàng cho vay tiêu dùng rất nhiều và hơn nữa không như các nước, không phải khoản tiết kiệm nào cũng được người dân gửi vào hệ thống ngân hàng, ở các địa phương người dân giữ tiền tiết kiệm dưới nhiều hình thức khác nhau, như vàng. Vấn đề tôi đề cập là ở chỗ này.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Tiết kiệm đi vào sản xuất thì…

(https://www.thesaigontimes.vn/td/299409/tiet-kiem-di-vao-san-xuat-thi-khong-con-duoc-goi-la-tiet-kiem.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *