Thanh Thương/ ZingNews
Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết tiết kiệm được cả trăm triệu đồng nhờ giá xăng, dầu giảm hơn 7.000 đồng/lít trong tháng qua, nhưng vẫn lo giá vừa hạ lại quay đầu tăng.
Từ 15h ngày 1/8, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 450 đồng/lít còn 24.620 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 470 đồng/lít còn 25.600 đồng/lít. Lũy kế một tháng qua, xăng RON 95 đã giảm hơn 7.160 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 6.270 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.510 đồng/lít…
Nhẩm tính một chuyến hàng container vận chuyển từ TP.HCM đến Hà Nội và ngược lại, ông Trần Văn Thành – Tổng giám đốc Công ty vận chuyển Á Châu – cho biết xe tiêu thụ trung bình khoảng 40 lít dầu/100 km, tức khoảng 1.500 lít dầu/chuyến với quãng đường 3.800 km.
“Do đó, khi giá nhiên liệu này giảm liên tiếp 4 lần trong một tháng qua với mức giảm trung bình khoảng 5.000 đồng/lít, mỗi chuyến chở hàng container của công ty cũng tiết kiệm được 7,5 triệu đồng”, lãnh đạo doanh nghiệp này tính toán.
Ông Thành cho biết, trong một tháng qua, doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 500-600 triệu đồng. Nếu giá xăng dầu tiếp tục giảm, chi phí vận chuyển mỗi chuyến hàng cũng sẽ giảm thêm.
Thực tế, giá xăng dầu chiếm tới 35-40% trên giá cước vận chuyển, do đó khi mặt hàng này giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách… cũng bớt áp lực vì gánh nặng chi phí được giảm bớt.
Giá cước vận tải hàng hóa đã giảm
Theo ông Thành, khi giá xăng giảm mạnh, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa có thể giảm giá ngay đối với những hợp đồng đã tăng giá cước thời gian trước.
“Từ đầu tháng 7 đến nay, công ty đã họp điều chỉnh giá cho những khách hàng vừa tăng giá cước, còn những hợp đồng giảm từ trước thì doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục giảm tương ứng”, ông nói với Zing.
Lãnh đạo doanh nghiệp vận tải nhận định chỉ cần giá xăng dầu duy trì mức ổn định như hiện nay, không tăng giá đột biến thì giá cước vận tải chắc chắn sẽ giảm phù hợp. Tuy nhiên, ông cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn lo giá mặt hàng này vừa giảm lại quay đầu tăng thì sẽ rất khó đàm phán với khách hàng.
Ông Thành cho biết trong các hợp đồng ký kết với đối tác của doanh nghiệp đều quy định rõ giá xăng dầu chiếm 35% tỷ trọng giá cước vận tải. Do đó, khi giá mặt hàng này biến động trong phạm vi 10% thì giá vận chuyển sẽ thay đổi tương ứng.
Không chỉ doanh nghiệp của ông Thành mà nhiều đơn vị vận tải khác hay các doanh nghiệp sản xuất cũng cho biết họ tiết kiệm được tới vài trăm triệu đồng nhờ giá xăng, dầu giảm 4 lần liên tiếp trong một tháng qua.
“Giá dầu giảm mạnh hơn 6.000 đồng đã giúp giảm được 20% chi phí vận tải của doanh nghiệp. Việc nguyên liệu này giảm mạnh giúp tiết kiệm phần nào chi phí vận hành, khâu thu mua và vận chuyển hàng hóa”, chị Nguyễn Trinh, chủ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại TP.HCM cho biết.
Theo chị, mặc dù giảm nhưng giá xăng dầu vẫn neo cao và chưa giữ mức ổn định. “Điều các doanh nghiệp quan tâm là sự ổn định của giá xăng dầu, họ lo ngại giá mặt hàng này sẽ quay đầu tăng sau khi điều chỉnh giảm giá hàng hóa. Như vậy sẽ rất khó vì mỗi lần thay đổi giá không phải dễ”, chị nói.
Bớt được khoảng 1,5 triệu đồng
Không chỉ doanh nghiệp vận tải hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng giảm mà nhiều tài xế taxi, xe ôm cũng tiết kiệm được chi phí trong mỗi lần đổ xăng.
Anh Nguyễn Trung Kiên, tài xế taxi xe công nghệ Be cho biết trong khoảng một tháng qua, anh bớt được khoảng 50.000 đồng mỗi ngày nhờ giá xăng giảm. “Trung bình, tôi đổ khoảng 400.000 đồng/ngày cho chiếc xe Toyota Yaris. Nhưng khi giá xăng giảm mức đổ cũng giảm xuống còn 350.000 đồng”, anh nói.
“Tuy nhiên, mức giảm vẫn chưa quá lớn so với những ảnh hưởng dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua với những người làm nghề này. Rất nhiều tài xế phải quyết định bán xe, đổi nghề vì giá xăng tăng cao”, anh nói và cho rằng chỉ khi mặt hàng này về mức 18.000-20.000 đồng/lít mới giúp người dân ổn định cuộc sống.
Tương tự, anh Trần Đức Mai, tài xế taxi Grab cũng cho biết giá xăng giảm giúp anh tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. “Một ngày tôi chạy hơn 1 triệu đồng tiền xăng, do đó khi xăng giảm, chi phí đổ cũng ít hơn nhưng vẫn chưa đáng kể. Bởi hiện nay rất nhiều mặt hàng đã tăng giá như bánh mỳ tăng từ 10.000 đồng lên 20.000 đồng/chiếc”, anh dẫn chứng.
Thực tế, giá xăng, dầu giảm mạnh không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp vận tải được hưởng lợi trực tiếp mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ.
Do đó, người dân, doanh nghiệp, chuyên gia đều mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét đề xuất việc giảm thêm thuế xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng có thể điều chỉnh giảm tiếp.
Ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội – cho rằng các chính sách phải có lộ trình, tầm nhìn dài hạn. Bởi các doanh nghiệp vận tải đã đình trệ hoạt động 2 năm qua vì dịch Covid-19 nay giá xăng lại tăng cao. Trong bối cảnh này, Chính phủ và các bộ ngành cần mạnh dạn miễn, ngừng thay vì giảm, hoãn.
“Đặc biệt, cơ quan chức năng cần xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay, chúng ta đang định danh các loại mặt hàng không khuyến khích sử dụng và mặt hàng thiết yếu. Song, xăng là mặt hàng rất thiết yếu tại sao lại đưa vào danh sách không khuyến khích sử dụng?”, ông Hùng nói.
Nguồn: https://zingnews.vn/tiet-kiem-hon-nua-ty-dongthang-nho-gia-xang-giam-post1341658.html