Trần Quí Thanh
—–
Tân Hiệp Phát là một tập đoàn gia đình đã trải qua bao sóng gió trong suốt hơn 24 năm qua và ngày càng vững mạnh, đúng theo kim chỉ nam : “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai.”
Nhiều người hay hỏi tôi là một công ty gia đình thì có ưu điểm và nhược điểm gì?
Ưu điểm nhưng đôi khi cũng là nhược điểm, là công ty gia đình thì thường dễ quyết định bằng tình cảm và cảm xúc, thường ra quyết định nhanh và sửa sai nhanh, không phải qua nhiều công đoạn và chờ trình duyệt các cấp như các tập đoàn đa quốc gia. Để phát huy tối đa ưu điểm và hạn chế nhược điểm, theo tôi, công ty gia đình nên quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế và phối hợp hài hòa nhưng đồng thời cũng tinh giản bộ máy. Nói chung là làm sao để phát huy tối ưu và triệt tiêu được những khuyết điểm của hai hệ thống quản trị đó.
Một chuyện khác mà người ta hay hỏi là trong cách quản lý công ty gia đình, tôi có bị rơi vào “gót chân Achilles” không? Có bỏ qua lỗi lầm của con cái khi chúng mắc lỗi không? Và làm thế nào để tạo sự công bằng giữa con của mình và nhân viên của mình?
Về chuyện này thì tôi đã nói nhiều lần. Tại sao lại phải bỏ qua cho lỗi của con cái? Để cho con giỏi phải xử phạt công bằng, còn nếu muốn con hư thì bỏ qua. Tôi thấy không có lý do gì để bỏ qua cả. Tất cả những quy trình của công ty được thiết lập ra thì bất cứ ai, kể cả con cái cũng đều phải tuân theo, thậm chí theo đúng thiết quân luật. Mọi người đều thấy được sự công bằng, con không ỷ lại. Không lý gì con làm sai lại không trừng phạt cả. Vì nếu không thì sự thỏa hiệp đó làm cho nhân viên không phục. Thậm chí con cái làm sai bị phạt nặng hơn, vì phải làm gương chứ.
Cứ sai chỗ nào thì xử chỗ đó, nhưng quan trọng là để con thấy được cái sai của mình để sửa và làm cho tất cả nhân viên đều có suy nghĩ làm thế nào để bảo vệ cho mục tiêu chung của công ty.
Tôi cũng không quan trọng con trai hay con gái nối nghiệp mình. Con cái mình nuôi đều muốn nên người và thành công. Quan trọng là dạy con có năng lực và có phẩm chất. Khi mình xử lý nghiêm con mình thì nhân viên cũng rất nể sợ. Mình làm thủ trưởng mà không tạo cho nhân viên niềm tin thì làm sao họ theo mình?
Trong tập đoàn THP có những người theo tôi từ 15 đến 20 năm rất nhiều, thậm chí 25 năm và hơn thế nữa cũng có. Với họ, THP là ngôi nhà thứ 2, thậm chí còn “lớn hơn” cả ngôi nhà thứ nhất. Vì ngôi nhà thứ nhất, mỗi ngày họ chỉ ở khoảng 8 tiếng, trong khi ngôi nhà thứ 2 họ sống và làm việc đến 8,10 tiếng, thậm chí 12 tiếng. Nên không có gì hạnh phúc cho họ khi thấy ngôi nhà thứ 2 làm họ thấy hạnh phúc và phát huy được thế mạnh của mình để thành công, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Tôi tự hào là hiếm có công ty nào mà nhân viên viết mấy ngàn bài thơ, mấy trăm bản nhạc, rồi sáng tác kịch, đóng kịch… như nhân viên của THP. Nếu không xuất phát từ sự yêu mến tự đáy lòng, họ sẽ không làm được đâu.
Sài Gòn ngày 17/01/2019
TQT