Trần Quí Thanh
Hồi tui học trung học ở Sài Gòn, không có chuyện mua sách giáo khoa do Bộ Giáo dục quy định. Thầy dạy các môn toán, lý, hóa, vạn vật (sinh vật), lịch sử, địa lý…đều có nhiều loại sách để chọn. Học sinh đi học cũng tự mua sách giáo khoa ở các hiệu sách để học và tham khảo. Riêng về môn toán, hóa, hồi đó lứa tụi tui thích nhất là sách của thầy Võ Đại Mau biên soạn. Đến nay, sách do thầy Võ Đại Mau biên soạn vẫn được học sinh mua học luyện thi.
Tui muốn bắt đầu như vậy để bàn đến chuyện biện soạn và phát hành sách giáo khoa hiện nay. Đây là một lĩnh vực đang được kinh doanh độc quyền, rất bất công.
Tại vì sao lại chỉ có Bộ Giáo dục Đào tạo có quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa mà không phải là xã hội hóa?
Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ đưa ra chương trình khung, còn lại để cho xã hội tự làm, cái gì người dân làm được thì nhà nước buông ra, đừng dùng quyền của nhà nước để độc quyền kinh doanh. Độc quyền kinh doanh trong lĩnh vực biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, ngoài việc móc túi của người dân, nguy hiểm hơn là hạn chế trí tuệ của xã hội trong việc tham gia biên soạn và xuất bản sách.
Dựa vào chương trình khung, các cá nhân, tổ chức tự do biên soạn bộ sách, các nhà xuất bản tự do lựa chọn, thẩm định sách để in, thầy giáo tự do lựa chọn sách để dạy, học sinh tự do lựa chọn sách để học. Sự tự do đó chính là yếu tố căn bản của một nền giáo dục khai phóng.
Khi xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, nhà nước không tốn kém một đồng xu, cạnh tranh xuất bản sẽ làm cho chất lượng sách tăng về nội dung và hình thức cũng như giá thành, người dân được lợi.
Hiện nay, chỉ một nhóm biên soạn, cho gì học đó, chỉ Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền in sách, bán giá nào cũng phải mua. Không ai đi mua sách giáo khoa mà trả giá, cho nên dân bị ép mua một thứ sản phẩm chưa chắc đã tốt nhất cho việc học của con cái họ, nhưng họ không còn cách nào khác. Đó là bất công, là phi thị trường.
Bàn như vậy để đi đến kết luận, nếu TPHCM biên soạn bộ sách giáo khoa “đặc thù” rồi bắt buộc các trường học trên địa bàn chỉ dạy và học duy nhất bộ sách do ngành giáo dục thành phố biên soạn thì cũng là độc quyền. Người dân thoát khỏi tròng này để rơi vào tròng khác mà thôi.
TPHCM có quyền biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhiều địa phương khác cũng vậy, đặc biệt là cho phép cá nhân, tổ chức khác biên soạn sách giáo khoa và phát hành bình đẳng, bộ sách nào hay do thị trường quyết định. Chỉ có cách đó mới dẹp bỏ được tư duy giáo dục áp đặt thay vào đó là tư duy khai phóng.
TQT