TPHCM làm cách nào để cung cấp thực phẩm cho 10 triệu dân trong giãn cách?

Minh Duy/ Báo TBKTSG


Người dân đi mua thực phẩm trước ngày TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Minh Duy

—–

TPHCM dự trữ thêm hàng hóa, lập điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời cho các chợ đầu mối, lập điểm tập kết ở khu vực giáp ranh các tỉnh để nhận hàng từ các địa phương cùng nhiều biện pháp khác để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân trong thời gian giãn cách.

Dự kiến, các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ đáp ứng từ 50-60% nhu cầu tiêu dùng của khoảng 10 triệu dân thành phố, thương nhân các chợ đầu mối cung ứng 20-30% và các doanh nghiệp khác đảm nhận 20-30%.

Tăng lượng hàng ở tất cả các kênh phân phối

Trong văn bản được đưa ra hôm nay (8-7) về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM yêu cầu Sở Công thương thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn tăng lượng hàng hóa cung ứng cho các hệ thống phân phối hiện đại.

Doanh nghiệp cần gia tăng dự trữ và bán hàng lên 120-150.000 tấn/tháng, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Thêm vào đó là yêu cầu tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối tiếp nhận hàng hóa thông qua các chằn vựa, trung bình một ngày đêm tiếp nhận khoảng 4.000 – 5.000 tấn rau củ, quả, thực phẩm tươi sống.

Sở Công thương kích hoạt chương trình Bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng hàng hóa và đúng giá cho người dân, phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại gồm 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, hơn 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28.000 điểm bán tại các địa phương.

Đẩy mạnh các giải pháp mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn và tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, không thể sử dụng điện thoại để mua hàng.

Sở Công thương phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tạo điều kiện ưu tiên cho lưu thông hàng hóa và phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức cùng các quận, huyện kiểm tra, hướng dẫn cho các chợ truyền thống hoạt động cũng như tổ chức các giải pháp cung cấp bổ trợ hàng hóa cho người dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho TPHCM và các tỉnh, thành đang có dịch ở phía Nam, Bộ Công Thương cũng vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh việc bảo đảm hàng hóa thiết yếu cung ứng cho khu vực này.

Trong đó, Bộ đề nghị tạo luồng ưu tiên đặc biệt cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ chương trình Bình ổn thị trường cung ứng cho TPHCM và các tỉnh phía Nam đang có dịch.

Các tỉnh, thành phối hợp với TPHCM thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thiết yếu có kiểm soát an toàn dịch bệnh để thay thế các chợ đầu mối và các điểm trung chuyển đã bị đóng cửa.

Rà soát và khẩn trương triển khai các biện pháp phun khử khuẩn, các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 để sớm mở cửa trở lại các chợ, các cơ sở bán lẻ và hướng dẫn để những nơi này hoạt động an toàn.

Doanh nghiệp bình ổn có thể đảm nhận một nửa thị trường

Theo phương án về điều tiết hàng hóa để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, UBND thành phố cho biết, các kênh cung ứng hàng hóa cho khoảng 10 triệu người dân thành phố gồm, doanh nghiệp bình ổn thị trường, thương nhân chợ đầu mối và các doanh nghiệp khác.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 30-40% thị phần, thương nhận các chợ đầu mối, nơi cung cấp các mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc chiếm 60-70% còn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác chiếm 10-20% thị phần.

Để thực hiện công tác phòng chống dịch, trong trường hợp cần điều tiết hàng hóa bằng các kênh giao dịch phù hợp nhằm đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt, các chợ đầu mối sẽ cung ứng 25-30% thị phần. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác sẽ chiếm 20-30% thị phần.

Nhóm doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ đẩy mạnh sản xuất và tăng cường dự trữ để tăng lượng cung ứng lên 50% so với kế hoạch đã đăng ký nhằm đáp ứng 50-60% nhu cầu. Trong một tháng sẽ có hơn 2.941 tấn lương thực, 1.235 tấn đường, 836 tấn dầu ăn, hơn 5.407 tấn thịt gia súc, hơn 8.139 tấn thịt gia cầm.

Thêm vào đó là 62,9 triệu quả trứng gia cầm, hơn 7.653 tấn rau củ quả, hơn 282 tấn thủy sản, hơn 537 tấn thực phẩm chế biến và 54,9 tấn gia vị.

Hiện tại, 3 chợ đầu mối tại TPHCM đã thay đổi hình thức kinh doanh, thay vì tập trung hàng hóa tại chợ và phân phối đến nơi tiêu thụ như trước kia, các thương nhân đã giao hàng tận nơi cho khách hàng và giao tại các kho, điểm tập kết.

Về các giải pháp tập kết hàng hóa tạm thời, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát tìm kiếm các vị trí đất trống gần chợ đầu mối để làm điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời.

Việc các địa phương lân cận cách ly người từ TPHCM đã làm ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa nên thành phố cần lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, tổ chức khử khuẩn xe cộ, thay đổi tài xế…

Trước mắt, thí điểm bố trí 1 vùng đệm khoảng 1 ha tại huyện Củ Chi, nơi giáp ranh với huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để làm điểm tập kết hàng hóa, sẽ nhân rộng ra với thành phố Thủ Đức và huyện Bình Chánh để nhận hàng từ các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ.

Các đơn vị quản lý chợ đầu mối tổ chức và cho thương nhân đăng ký để chủ động giao dịch, mua bán.

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: TPHCM…

https://www.thesaigontimes.vn/td/318138/tphcm-lam-cach-nao-de-cung-cap-thuc-pham-cho-10-trieu-dan-trong-gian-cach.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *