Việt Vũ/ Báo NBCL
—–
Theo bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát: Quá trình đổi mới, sáng tạo đều phải biến đổi dựa trên yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm họ sử dụng.
Thất bại là một phần của đổi mới sáng tạo
Kể từ năm 2015, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam không ngừng cải thiện. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 giống như một chất xúc tác, tạo ra động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời, Việt Nam đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Sang năm 2021, Việt Nam tiếp tục có thứ hạng cao, khi được WIPO xếp hạng thứ 44 thế giới.
Tại buổi Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức sáng nay (15/12), bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định: Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nhiều ngành nghề kinh tế.
Thế nhưng, khoảng thời gian Việt Nam đối mặt với dịch bệnh, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó, bản thân doanh nghiệp sẽ có những giải pháp sản xuất kinh doanh thích ứng được với nghịch cảnh.
“Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”, bà Phương nói.
Theo bà Trần Uyên Phương, vấn đề đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tương đối “nhạy cảm”. Bởi vì, ngay từ giai đoạn có ý tưởng, hoặc bắt đầu triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo đều phải có sự đồng thuận, nhất quán từ các cấp lãnh đạo, cho tới người lao động.
Đặc biệt, trên thực tế, trong giai đoạn triển khai quá trình đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí có trường hợp thất bại trong quá trình đổi mới, từ đó gây ra tâm lý “sợ” phải thay đổi. Thế nhưng, theo quan điểm của lãnh đạo Tân Hiệp Phát, thất bại là một phần của đổi mới sáng tạo.
“Thất bại là một phần trong đổi mới sáng tạo, nhưng làm sao sự thất bại đó có thể “ngã về phía trước”, để tiến tới kết quả thành công chung là một vấn đề rất khó để thực hiện. Nói thì dễ, nhưng ở Tập đoàn Tân Hiệp Phát luôn nỗ lực để đổi mới sáng tạo trở thành văn hóa của doanh nghiệp…”, bà Phương nhấn mạnh.
Đổi mới sáng tạo phải gắn liền với người tiêu dùng
Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo, lãnh đạo Tân Hiệp Phát khẳng định: Sự tồn tại của bất kỳ doanh nghiệp nào đều phụ thuộc vào khách hàng và người tiêu dùng. Do đó, các quá trình đổi mới, sáng tạo đều phải biến đổi dựa trên yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm họ sử dụng.
Bà Trần Uyên Phương giải thích: Hiện nay, riêng với ngành hàng đồ uống, người tiêu dùng Việt Nam rất quan tâm tới các sản phẩm thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng giá bán phải phù hợp với túi tiền của họ.
“Để đồng hành với người tiêu dùng, ngay sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, Tân Hiệp Phát đã liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại, không tăng giá sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi liên tục nghiên cứu thị trường, để đưa ra những sản phẩm có chất lượng dinh dưỡng tốt nhất”, bà Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, vừa qua, Tân Hiệp Phát đã thay đổi rất nhiều hình thức quảng bá thương hiệu, chiến lược sản phẩm nhằm chinh phục niềm tin của người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong giai đoạn phải giãn cách, Tân Hiệp Phát không thể sản xuất các chương trình giới thiệu và quảng bá sản phẩm theo cách truyền thống.
“Nhờ quá trình đổi mới sáng tạo, chúng tôi có nhiều giải pháp giới thiệu sản phẩm mới trong giai đoạn giãn cách, đó là sản xuất các chương trình quảng bá, giải trí trên nền tảng mạng xã hội để tiếp cận với đông đảo khách hàng trẻ tuổi. Đơn cử như chương trình âm nhạc thực tế Không Độ Chill & Cool được phát sóng liên tục từ tháng 8 đến tháng 11 vừa qua đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng trẻ tuổi”, bà Phương cho biết.
Ngoài câu chuyện đổi mới sáng tạo nhằm tiếp cận với người tiêu dùng, ngay bên trong Tân Hiệp Phát cũng không ngừng đổi mới công nghệ.
Tân Hiệp Phát có pha bứt tốc từ cú huých Covid-19, khi việc quản lý các quy trình hoàn toàn thông qua công nghệ, nên giảm thiểu giấy tờ, mọi người hình thành một phương thức phối hợp và làm việc mới với phương châm “văn phòng không giấy tờ”. Việc ký kết hợp đồng với đối tác sắp tới sẽ thông qua nền tảng điện tử, để tăng tốc độ dịch vụ giúp cho việc phục vụ khách hàng được thuận tiện.
Theo lãnh đạo Tân Hiệp Phát, chuyển đổi số ở Tập đoàn được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung chuẩn hoá hệ thống thông qua giải pháp quản trị doanh nghiệp, tạo khung nền tảng cơ bản cho văn hoá làm việc thông qua hệ thống công nghệ thông tin.
Giai đoạn 2: Bứt phá vượt mọi rào cản thông qua văn hoá dịch vụ và phối hợp giữa các phòng ban, số hoá toàn bộ các quy trình và tương tác qua hệ thống Cloud.
“Sáng tạo thông qua vận dụng các công nghệ hiện có của các nhà cung cấp dịch vụ để giúp chuyển đổi và phát huy tầm nhìn dịch vụ của Tân Hiệp Phát hướng đến khách hàng. Sáng tạo để liên kết các tính năng của công nghệ và mức độ đáp ứng của người dùng để giúp tối ưu và phát huy sức mạnh của tổ chức và công nghệ…”, bà Phương nói.
NGUỒN: Theo Báo Nhà Báo & Công Luận
Link bài: Trần Uyên Phương…
https://congluan.vn/ba-tran-uyen-phuong-qua-trinh-doi-moi-sang-tao-phai-gan-lien-voi-nguoi-tieu-dung-post172369.html