Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai lộ trình tiêm vaccine hiệu quả, ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất với Bộ Y tế về việc ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động.
Cá nhân tui ủng hộ đề xuất này, và có lẽ cộng đồng doanh nghiệp cũng rất đồng tình. Bởi vì, nếu trong nhà máy có người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, thì nguy cơ lây lan cho nhiều người là điều khó tránh khỏi.
Ai cũng có thể hình dung, ở trong khu phố, khu dân cư, người dân có thể giữ khoảng cách, không tập trung đông người. Nhưng trong nhà máy, công nhân làm việc trên dây chuyền, định vị theo thiết kế của máy móc thiết bị, nên khó giữ khoảng cách 2 mét. Ngoài ra, nhà ăn của nhiều nhà máy rất đông công nhân, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để tổ chức bữa ăn công nghiệp theo tiêu chuẩn khoảng cách phòng dịch đúng quy định.
Công nhân bị nhiễm dịch COVID-19, nhà máy, khu công nghiệp bị đóng cửa, thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp, mà cho toàn xã hội. Tình hình của Bắc Giang cho thấy chúng ta chịu nhiều tổn thất như thế nào, cả nước cùng chung tay hỗ trợ Bắc Giang chính là phòng thủ từ xa, không để lây lan ra các địa phương khác.
Nếu dịch kéo dài và bùng ra trên diện rộng, nhiều khu công nghiệp phải đóng cửa, thì ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Do đó, phải quyết tâm bảo vệ an toàn cho công nhân lao động trong nhà máy, khu công nghiệp, trước hết là vì bảo vệ sức khỏe cho người dân, hai là bảo vệ sức khỏe cho nền kinh tế.
Để bảo vệ an toàn cho công nhân, trước hết các doanh nghiệp phải nỗ lực tối đa trong tổ chức phòng chống dịch trong nhà máy, đơn vị của mình, tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng dịch của chính quyền và ngành y tế. Nhưng đó vẫn là thụ động, cách chủ động chính là tiêm vaccine cho công nhân lao động.
Tin vui là Việt Nam cố gắng mua khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70 triệu người trong năm nay. Vaccine không thể về cùng một lần, cho nên cần tiêm theo thứ tự ưu tiên.
Ngoài những đối tượng ưu tiên được quy định trước, cần phải dành lượng lớn vaccine để tiêm cho công nhân.
Nhưng để giảm gánh nặng ngân sách, các doanh nghiệp có điều kiện nên trả tiền tiêm vaccine cho người lao động của mình.
Trần Quí Thanh
—–
Bắc Giang đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho khoảng 300 công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component, khu công nghiệp Đình Trám vào chiều 27.5. Cùng ngày, 96 công nhân đầu tiên ở Bắc Ninh cũng được tiêm vaccine COVID-19.
Như vậy, tiêm vaccine cho công nhân không còn là đề xuất mà đã hành động, thực tế cho thấy chúng ta cần phải chọn lựa đối tượng nào là ưu tiên.
Thực tế còn cho chúng ta thấy, con số gần 400 công nhân của hai địa phương được tiêm vaccine quá nhỏ so với hàng vạn lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp hiện nay. Cho nên, phải “thần tốc” trong việc triển khai tiêm vaccine cho công nhân.
Thực tế cũng cho chúng ta thấy, mua đủ vaccine để tiêm cho toàn dân là một gánh nặng quá lớn cho ngân sách, cần có sự chia sẻ, hỗ trợ từ cộng đồng. Vì vậy, Báo Lao Động phát động chương trình “Triệu liều vaccine cho người lao động nghèo”. Rất nhiều công nhân không có điều kiện tiếp cận được vaccine, họ cần sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm, những con người hào hiệp.
Xét cho cùng, giúp đỡ cho công nhân tiêm vaccine cũng chính là bảo vệ cho cả cộng đồng xã hội.Chúng ta thử hình dung, nếu dịch bùng phát trong các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp thì nguy hiểm đến mức nào. Có nhiều nhà máy có chục vạn công nhân, nếu như bị lây nhiễm thì không thể nào kiểm soát nổi.
Nếu vì dịch mà phải đóng cửa các khu công nghiệp, thì đứt gãy sản xuất trên diện rộng, không chỉ là tổn thất cho doanh nghiệp, mà ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp tập trung là đúng đắn, phù hợp với thực tế. Không thể để lây lan dịch bệnh trong nhà máy, phải bảo vệ sức khỏe cho người lao động, bảo vệ sản xuất. Giữ vững được sản xuất, xuất khẩu mới giữ vững tăng trưởng. Ngay sau khi phát động chương trình, Báo Lao Động đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó có Công đoàn Ngân hàng Việt Nam ủng hộ 10 tỉ đồng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ủng hộ 700 triệu đồng. Rất cảm ơn sự hỗ trợ nhanh chóng và nhiệt tình của quý cơ quan.
Triệu liều vaccine đến với công nhân nghèo, cùng với nhiều nguồn kinh phí khác ưu tiên vaccine cho người lao động trong các khu công nghiệp, thì chắc chắn sẽ đảm bảo an toàn cho một phần dân số và giữ vững được sản xuất.
Việt Nam dứt khoát đảm bảo mục tiêu kép, muốn đạt được thì phải bảo đảm an toàn cho công nhân.
Với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt là những người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Báo Lao Động phát động Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”.Toàn bộ kinh phí ủng hộ chương trình sẽ được chuyển tới Bộ Y tế để mua vaccine, tiêm cho công nhân, người lao động nghèo trên toàn quốc.Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” xin gửi về Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:
Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 – 024.39232748 Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.
Chuyển tiền qua tài khoản:• STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. • STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội. • STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. • STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội. • Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ vaccine
Hỗ trợ qua Ví Momo:– Mở Ví Momo . – Chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn” . – Thực hiện theo hướng dẫn. – Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ vaccine.