Khánh Hà/ Diễn đàn doanh nghiệp
—–
Tỷ phú Inamori Kazuo được coi là huyền thoại trong giới kinh doanh Nhật Bản. Ông từng hồi sinh Japan Airlines từ vực phá sản thành hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới chỉ trong vòng 2 năm. Ông cũng nổi tiếng với triết lý quản trị khác người – “hãy làm cho nhân viên hạnh phúc thay vì cố tập trung tất cả cho cổ đông”. Xin giới thiệu với mọi người bài viết hé lộ phần nào bí mật để nhân viên sẵn sàng lao động chăm chỉ hơn vì thành công của doanh nghiệp.
TQT.
—–
Inamori Kazuo là nhà sáng lập hãng điện tử khổng lồ Kyocera, tập đoàn viễn thông KDDI, cựu CEO của hãng hàng không Japan Airlines. Ông được xem là vị thần doanh nhân của Nhật Bản.
Inamori Kazuo sinh ngày 30/1/1932 tại tỉnh Kagoshima, là tỷ phú nổi tiếng người Nhật Bản. Ông chính là người sáng lập nên hãng công nghệ cao đa quốc gia Kyocera và hãng viễn thông KDDI. Cả hai doanh nghiệp này đều lọt top Fortune 500.
Ở tuổi 78, ông được chính phủ Nhật Bản mời làm chủ tịch của Japan Airlines. Từ một hãng hàng không đang trên bờ vực phá sản, dưới sự lèo lái tài tính của Inamori Kazuo, Japan Airlines đã hồi sinh, trở thảnh hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới chỉ trong vòng 2 năm. Chính những thành tích này đã khiến Inamori Kazuo trở thành huyền thoại của giới thương nghiệp, được xưng tụng là một trong “4 vị thánh quản lý” xứ sở mặt trời mọc.
“Vị thánh” trong giới kinh doanh của Nhật Bản
Năm 1959, ở tuổi 27, ông thành lập công ty Kyocera (chủ yếu sản xuất các sản phẩm kỹ thuật, thiết bị in và thiết bị ngành ảnh). Khi mới thành lập, Kyocera chỉ là một nhà máy vô cùng nhỏ. Đối với họ mà nói, khi đó, nhận đơn đặt hàng từ Tập đoàn nổi tiếng Panasonic là một cơ hội vô cùng quý giá.
Là bên A, Tập đoàn Panasonic có các yêu cầu nghiêm ngặt về phân phối sản phẩm và chất lượng, đồng thời, họ cũng cần được giảm giá mỗi năm. Các nhà máy khác khi hợp tác với Panasonic đều cảm thấy phẫn nộ và phàn nàn rằng Panasonic bắt nạt các nhà cung cấp.
Nhưng ông Inamori lại cho rằng chính những điều kiện khắc nghiệt này đã rèn luyện cho Kyocera và ông luôn nói với mình rằng không được quên lòng biết ơn đối với ông Matsushita.
Dù đơn hàng có khó tính tới đâu, miễn là nó có lợi cho Tập đoàn Panasonic, Kyocera đều chấp nhận. Để đáp ứng những điều kiện khắt khe này và tạo ra được lợi nhuận, họ đã bỏ ra rất nhiều chất xám và làm việc vô cùng chăm chỉ.
Không lâu sau đó, Kyocera đã bước được chân vào thị trường Mỹ và nhận được đơn đặt hàng từ công ty bán dẫn đang rất nổi tại Mỹ vào thời điểm đó. Thời điểm đó, các sản phẩm của Kyocera không chỉ vượt xa chất lượng của các đối tác địa phương mà còn có mức giá thấp hơn rất nhiều.
Chính vì không ngừng phát triển dưới áp lực của các yêu cầu khắt khe mà Kyocera đã tạo ra được các sản phẩm ưu việt vượt qua cả tiêu chuẩn ngành, đồng thời đảm bảo được mức lợi nhuận tốt. Vào thời điểm đó, hầu hết các công ty từng phàn nàn và phẫn nộ rằng mình bị bắt nạt, kết cục đều đã biến mất.
Đối mặt với những hoàn cảnh và tình huống khó khăn trong cuộc sống, chúng ta phải biết ơn nhiều hơn, bởi vì môi trường và hoàn cảnh khắc nghiệt đó có thể giúp hiện thực tham vọng của mình, làm dịu tâm hồn và cho phép cuộc sống của chúng ta chuyển sang một cấp độ mới, phải luôn nhớ rằng “tâm phải luôn biết cảm kích thì những khó khăn mới có thể trở thành tài phú.”
Mười năm sau, Kyocera lọt top 500 công ty hàng đầu thế giới. Năm 1989, ở tuổi 52, ông thành lập công ty thứ hai chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại di động KDDI qua thương hiệu “au by KDDI”. Năm 2007, công ty này lọt vào top 500 công ty lớn nhất thế giới.
Inamori Kazuo là người duy nhất trên thế giới là chủ sở hữu của hai trong số 500 công ty hàng đầu thế giới cho đến nay.
Sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Hãng Kyocera, ông quyết định trở thành nhà sư đạo Phật với pháp danh Đại Hòa. Ông luôn hướng đến việc cống hiến giá trị vật chất và tinh thần cho cuộc sống hạnh phúc của con người, của toàn xã hội. Cũng chính bởi vậy, ông được mệnh danh là “vị thánh” trong giới kinh doanh của Nhật Bản.
Hồi sinh Japan Airlines từ vực phá sản
Huyền thoại hơn nữa là vào năm 2010, khi ở tuổi 78, ông đã chấp nhận lời mời của chính phủ Nhật Bản về điều hành hãng hàng không Japan Airlines (JAL) đang trong bờ vực phá sản và cần phải tái thiết.
Sau khi nhận chèo lái JAL, Inamori đã mạnh tay cắt giảm 15.700 việc làm, chiếm gần 1/3 nhân lực, cắt tới 30% tiền lương. Hãng cũng nhận khoản cứu trợ 900 tỷ yen và được xóa một số khoản nợ.
Tuy nhiên, tiền sẽ không bao giờ là đủ nếu không có ai đó thay đổi văn hóa để công ty phát triển trở lại. Ông Hideo Seto, cựu Chủ tịch ETIC, cơ quan được ủy thác tổ chức lại JAL, cho biết ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất của CEO Inamori là phúc lợi cho nhân viên, và đây cũng là triết lý quản lý của ông, dựa trên ý tưởng nhân viên làm hết sức thì kết quả là họ đóng góp hiệu quả hơn cho công ty và xã hội.
Để khắc phục các vấn đề của JAL, ông Inamori sử dụng hệ thống quản lý Amoeba mà ông đã áp dụng ở công ty Kyocera của mình. Lực lượng lao động của hãng hàng không được chia thành các đơn vị nhỏ, mỗi đơn vị có một nhà lãnh đạo được cấp một mức độ tự do nhất định trong việc ra quyết định, khác với truyền thống Nhật Bản là các quyết định luôn được đưa từ trên xuống.
Hệ thống phân cấp cứng nhắc, gây hiệu suất kém trong công việc đã được giải quyết. Trong khi đó, dịch vụ khách hàng, an toàn bay và cắt giảm chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu của JAL dưới bàn tay Inamori.
Trong năm tài chính 2011/12, JAL được công nhận là hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới. Khoản lợi nhuận 186,6 tỷ yen dường như là một phép lạ, ông Seto cho biết, vì “chúng tôi chỉ mong đợi khoản lãi 60 tỷ yen”.
Bằng chứng cuối cùng cho thấy CEO Inamori đã thay đổi mọi thứ là khi đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của JAL vào tháng 9/2012 thu được 663 tỷ yen tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Đây là đợt IPO lớn thứ hai trên toàn thế giới vào năm đó chỉ sau Facebook Inc.
Triết lý “ngược đời”
“Tập trung tất cả cho cổ đông? Quên nó đi! Thay vào đó, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc”. Câu nói thể hiện triết lý quản trị có vẻ “ngược đời” này đã giúp Kazuo Inamori – một doanh nhân, nhà quản trị, tu sĩ Phật giáo, xây dựng nên hãng điện tử khổng lồ Kyocera Corp. hơn 5 thập niên trước, hỗ trợ đắc lực cho hãng điện thoại trị giá 64 tỷ USD KDDI Corp., và cứu Japan Airlines khỏi tình trạng phá sản vào năm 2010.
Quan điểm của Kazuo Inamori là: “Nếu bạn muốn có trứng, hãy chăm sóc những con gà mái. Nếu bạn đối xử tệ với con gà mái, nó sẽ không làm việc cho bạn nữa”.
Quan điểm này góp phần lớn vào những thành công của Kazuo Inamori như giúp tổng giá trị thị trường của Kyocera và KDDI đạt 82 tỷ USD. Khi Inamori nhậm chức Giám đốc điều hành Japan Airlines vào năm 2010, ông đã 77 tuổi và không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không, nhưng 1 năm sau đó, hãng không chỉ thoát khỏi bờ vực phá sản mà còn có lợi nhuận. Năm 2012, Kazuo Inamori còn đưa Japan Airlines quay trở lại sàn chứng khoán Tokyo.
Inamori cho biết, bí mật cốt lõi của ông nằm ở chỗ làm thay đổi trạng thái tâm lý của nhân viên.
Sau khi đảm nhiệm vai trò CEO không lương tại Japan Airlines, ông cho in những quyển sách nhỏ thể hiện triết lý “vì nhân viên” và phát cho mỗi người một quyển. Trong quyển sách này, ông cũng giải thích về ý nghĩa xã hội của công việc của họ và vạch ra những nguyên tắc sống lấy cảm hứng từ Phật giáo, chẳng hạn như đề cao đức tính khiêm nhường và làm điều thiện.
“Việc này giúp nhân viên cảm thấy tự hào về Japan Airlines – nơi họ đang làm việc và sẵn sàng lao động chăm chỉ hơn vì thành công của hãng. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên đặt ra mục tiêu làm cho nhân viên của mình hạnh phúc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chứ đừng nên chỉ luôn chú trọng vào các cổ đông”, Kazuo Inamori chia sẻ.
Triết lý quản trị này có thể làm “phật lòng” các cổ đông, nhưng bản thân Inamori không thấy có bất cứ điều gì mâu thuẫn ở đây. Ông giải thích: “Nếu nhân viên vui, họ sẽ làm việc tốt hơn và doanh thu sẽ được cải thiện. Vả lại, doanh nghiệp chẳng có gì phải đắn đo khi lợi nhuận của công ty góp phần mang lại lợi ích cho xã hội”.
“Doanh nghiệp thuộc về các cổ đông, nhưng hàng trăm ngàn nhân viên cũng đóng góp công sức rất lớn. Do đó, ‘con gà mái’ phải được khỏe mạnh”, vị tu sĩ tỷ phú khẳng định.
“Các nhà đầu tư luôn muốn lợi nhuận cao nhất có thể, tôi rất hiểu điều này, nhưng có những thời điểm các nhà quản lý phải nói ‘Không’ với những đòi hỏi ích kỷ từ các cổ đông”, Inamori cho hay.
Tuy nhiên, triết lý muốn làm cho nhân viên hạnh phúc của Inamori không có nghĩa là nhân viên của ông có thể làm việc một cách chểnh mảng. Quan điểm của ông là, hạnh phúc phải bắt nguồn từ lao động chăm chỉ. Và, khi đã lao động chăm chỉ, họ xứng đáng được đền đáp.
Mặc dù không tuân theo các nguyên tắc lãnh đạo thông thường, triết lý quản trị của Kazuo Inamori vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều “đầu tàu” doanh nghiệp. Có hơn 4.500 chủ doanh nghiệp đã tham gia hội nghị thường niên của ông tại trường Seiwajyuku (Yokohama, Nhật Bản) vào quý IV/2015.
Theo Inamori, việc dành thời gian để chia sẻ với những người tham gia hội nghị là một phần của các hoạt động thiện nguyện cũng như giúp gây quỹ cho giải Kyoto (vốn được xem là phiên bản Nhật của Giải thưởng Nobel).
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/triet-ly-quan-tri-nguoc-doi-cua-ty-phu-inamori-kazuo-216725.html