Bạn Lê Thị Minh (Hà Nội):
Bác Thanh kính mến. Sáng nay cháu đọc bài “Chiến dịch Dr. Thanh” trên báo "Doanh nhân đương thời". Các chuyên gia marketing phân tích có 3 điều không nên làm khi ra đời sản phẩm mới:
1. Không nên ra sản phẩm vào gần Tết vì quá nhiều người quảng cáo, sẽ bị cluster nghĩa là bị loãng, người ta không xem được quảng cáo của mình.
2. Không nên bán sản phẩm mắc hơn thị trường đang có ít nhất 10%. Giá chỉ nên bằng hay thấp hơn các sản phẩm đứng đầu trên thị trường.

3. Không nên để hình người lên logo. Nếu sản phẩm thất bại thì xem như tên tuổi người có hình ảnh đó cũng thất bại theo, tất cả mọi thứ đều vứt đi.
Cháu mới khởi nghiệp kinh doanh, rất mong bác chỉ bảo cho vì sao bác phạm vào cả 3 điều khuyến cáo không nên làm trong kinh doanh nhưng lại thành công?
Cháu cám ơn bác.
Cháu Lê Thị Minh thân mến!
Những khuyến cáo trong kinh doanh là cần thiết, bởi vì các chuyên gia kinh tế nghiên cứu quy luật của thị trường để đưa ra lý thuyết ứng dụng rất bổ ích. Nhưng lý thuyết chỉ là lý thuyết, thực tế còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố khác nằm ngoài quy luật thông thường, những yếu tố ngoài quy luật đó để dành cho những người nhạy bén, giàu kinh nghiệm và trực giác tốt. Nếu chỉ làm ăn bằng cách mua sách về đọc thì ai cũng trở thành doanh nhân thành công hay sao?
Xin lưu ý với cháu, có những lý thuyết gia kinh tế nổi tiếng, họ đào tạo ra nhiều cử nhân, tiến sĩ kinh tế, viết sách kinh tế học để giúp cho người khác làm ăn, nhưng nếu những người đó đi kinh doanh thì chưa chắc đã thành công. Chú có một người bạn, ông có 5 cuốn sách dịch và viết về nghệ thuật làm giàu. Sách của ông rất hay và đúng, bán rất chạy. Nhưng thu nhập hàng tháng của ông không quá chục triệu đồng.
Chú nhớ có ai đó nói thiên tài và thằng khùng chỉ cách nhau một sợi tóc. Họ giống nhau ở chỗ đều có những quyết đoán đi ngược lại tư duy thông thường, chống lại cả những lí thuyết kinh điển, và vì thế đều bị coi là khùng. Chỉ có điều thiên tài thì thành công rực rỡ, còn thằng khùng thì thất bại thảm hại.
Nói vậy để cháu nhớ là thương trường không dành cho lý thuyết suông, mà cần phải có óc phán đoán, đôi lúc làm ngược lại quy luật thông thường, lấy độc trị độc thì lại thành công. Nhưng để không phán đoán sai lầm, doanh nhân phải có nền tảng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, quyết đoán, táo bạo và có khả năng dự báo thị trường. Tất nhiên, không thể không có yếu tố may mắn. Vậy đó cháu.
Chúc cháu khởi nghiệp thành công.
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)