Từ câu chuyện gia đình tôi là F0

Tú Di ghi/ Báo Tuổi Trẻ

‘Nếu không may trở thành F0 và phải ở nhà chờ được đưa đi điều trị thì hãy hết sức bình tĩnh và cố gắng tự giữ sức khỏe, nâng sức đề kháng để mau vượt qua bệnh’, một F0 chia sẻ.

Nhà tôi ở huyện Bình Chánh (TP.HCM). Cách đây gần một tuần, chồng tôi bắt đầu sốt, đau mỏi người. Tôi vẫn bình thường, nhưng để yên tâm, hai vợ chồng vào một bệnh viện tư test nhanh COVID-19 thì cả hai đều dương tính. Sau đó, bệnh viện làm xét nghiệm PCR xác nhận cả hai vợ chồng đều dương tính.

Bệnh viện nơi xét nghiệm báo với xã nơi chúng tôi ở ngay trưa ngày hôm đó. Đồng thời, người nhà tôi cũng gọi báo với cơ quan chức năng của huyện Bình Chánh. Nơi tiếp nhận thông tin bảo “cứ ở nhà, chờ xã liên hệ”. 

Tôi ở nhà chờ đợi trong lo lắng vì chồng tôi đang sốt và hơi mệt. Chờ đến chiều thì nhận được cuộc gọi từ xã yêu cầu chúng tôi ra xã tập trung lúc 18h để được đưa đi điều trị. Chúng tôi bớt lo và nhanh chóng chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân để đúng giờ thì đi bộ ra xã. 

Bệnh nhân mắc COVID-19 (hay còn gọi là F0) được tập trung tại một trường học và chờ xe đến chở đi bệnh viện – Ảnh: LONG MỸ

Thế nhưng sau đó chúng tôi lại nhận được cuộc gọi nói tối đó tiếp tục ở nhà và 9h sáng hôm sau có mặt ở xã vì xe không quay đầu kịp để chở bệnh nhân.

9h sáng hôm sau, vợ chồng tôi có mặt ở xã nhưng chờ đến trưa mới có xe chở đến một trường học trên địa bàn huyện Bình Chánh – nơi trung chuyển F0 trước khi đưa đi bệnh viện dã chiến.

Nơi đây muỗi rất nhiều, mà chúng tôi cùng nhiều F0 khác phải ngủ lại một đêm nên người nhà tôi cứ lo chúng tôi bị muỗi cắn. May mà tôi có mang theo dầu tràm nên bôi lên người để xua bớt muỗi.

Tại đây, các F0 được phát cơm chay – những phần cơm nghĩa tình rất quý, nhưng vì mệt nên chúng tôi ăn không nổi. Tôi hiểu F0 phải ăn đủ, ngủ đủ để tăng sức đề kháng, nhưng trong hoàn cảnh này, chúng tôi có mì gói mang theo cũng quý lắm rồi.

Nhưng ở đời họa vô đơn chí, con gái mới học cấp II của tôi cũng thành F0!

Lần này vì lo sợ con còn nhỏ mà phải ở nhà chờ được đến nơi trung chuyển và từ nơi trung chuyển chờ để được đến bệnh viện dã chiến nên tôi đành tốn tiền cho con nằm lại bệnh viện tư – nơi con đi xét nghiệm. 

…và bệnh viện dã chiến ở Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: LONG MỸ

Một ngày nằm ở đây, con tôi bắt đầu có triệu chứng đáng lo: ói, tiêu chảy. Tôi vốn là một F0 không có triệu chứng, nhưng khi nghe con gọi điện thoại báo tình trạng của cháu, tôi thấy mệt rã rời, chân như không đứng vững.

Sau hơn một ngày ở nơi trung chuyển, vợ chồng tôi được chuyển đến một bệnh viện dã chiến ở Thủ Đức. Buổi chiều muộn đến đây nên tôi nghĩ chắc tối sẽ được phát cơm, nhưng tối đó chúng tôi tiếp tục “chiến đấu” với mì gói vì không được phát cơm. 

Hôm sau cầm phần cơm được phát, vợ chồng tôi rất mừng và thấy biết ơn những nhân viên y tế, những tình nguyện viên làm việc tất bật ở đây.

Con gái tôi sau một ngày nằm ở bệnh viện tư cũng được đưa tới một bệnh viện dã chiến khác ở Thủ Đức. Tại đây, cháu may mắn hơn chúng tôi ở chỗ vừa mới vào đã được nhận cơm.

Đến nay, sức khỏe của 3 F0 nhà tôi tương đối ổn. Chồng tôi đã hết sốt, tôi chỉ bị mất mùi, con gái tôi còn tiêu chảy nhưng đã nhẹ hơn mấy ngày trước.

Từ thực tế của mình, tôi nghĩ nếu không may mà ai đó bị F0 trong tình trạng phải ở nhà chờ được đưa đi điều trị thì hãy hết sức bình tĩnh và cố gắng tự giữ sức khỏe, nâng sức đề kháng để mau vượt qua bệnh.

NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Từ câu chuyện….

https://tuoitre.vn/tu-cau-chuyen-gia-dinh-toi-la-f0-2021072221544033.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *