Trần Quí Thanh
—–
Thầy giáo Bùi Nam, đề xuất sáng kiến rất táo bạo cho việc tinh giản biên chế ngành giáo dục, theo tui rất thuyết phục. Đó là, giải tán các phòng giáo dục ở các quận, huyện, thành thị trong cả nước.
Lâu nay, khi quen với những cái gì cũ đã thành nếp, thì khó ai tiếp nhận cái mới, thậm chí bị sốc. Trời ơi, các phòng giáo dục của quận, huyện, thành thị là cơ cấu cứng, là đương nhiên phải có để quản lý các trường học trên địa bàn, thế nếu bỏ đi thì quản làm sao nhỉ?
Nhưng ít ai nghĩ ngược lại, tại sao lại phải có các phòng giáo dục để quản các trường mà không để các trường tự quản theo quy định của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT của các địa phương?
Nói đến thời đại công nghiệp 4.0, nói đến chính quyền điện tử, mà còn sử dụng những cán bộ đi kiểm tra từng đồng lương, từng bảng điểm của các trường. Đó là 1 chấm không các bạn ạ.
Các trường đã có hiệu trưởng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan cấp trên. Ngành giáo dục có quy định, căn cứ mà thực hiện. Cấp sở có các công cụ để quản lý các trường học, thông qua công nghệ hiện đại, thế là đủ.
Hãy thử miêu tả công việc của cán bộ cấp phòng của ngành giáo dục, sẽ thấy là quá thừa.
Theo số liệu thống kê ngân sách chi lương cho ngành giáo dục có đến 70% tổng quỹ lương khối sự nghiệp công lập. Ngành giáo dục chiếm 52% biên chế sự nghiệp cả nước (1,2 triệu trong tổng số 2,3 triệu người). Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến trung học phổ thông là 103.821/ 822.454 viên chức chiếm 12,6%.
Một con số bất hợp lý đến mức khó tưởng tượng được, vậy mà tồn tại bao nhiêu năm nay không ai tính đến.
Theo tính toán của thầy Bùi Nam, số lượng cán bộ Phòng giáo dục hiện nay trung bình khoảng trên dưới 10 người, chưa tính lực lượng giáo viên biệt phái ở các trường về công tác tại Phòng giáo dục gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng, tổ chức, kiểm tra, chuyên môn, kế toán,…
Cả nước có 659 đơn vị hành chánh cấp huyện, sau khi giải tán phòng giáo dục thì giảm được khoảng 6.590 người. Số ban đầu có thể bố trí về các trường, cho nghỉ chế độ sớm, rồi nghỉ hưu, chỉ cần vài năm sau, coi như không còn cơ cấu lực lượng cán bộ ngành giáo dục cấp phòng nữa. Gánh nặng ngân sách giảm đáng kể, và đây cũng là nguồn để tăng lương cho giáo viên.
Tôi ủng hộ đề xuất của thầy Bùi Nam.
Sài Gòn 13/12/2017
TQT
Link: Thầy giáo Bùi Nam đề xuất giải tán Phòng giáo dục ở các quận, huyện