Phong Vân – Ngọc Diễm/ VnExpress
Cha đẻ “kỳ lân” Acronis chia sẻ về xu hướng công nghệ và hành trình xây dựng đế chế IT toàn cầu với sinh viên, giới khởi nghiệp tại Hà Nội và TP HCM.
Lần đầu tiên đến Việt Nam, Tiến sĩ Serg Bell và Tiến sĩ Stas Protassov – hai nhà sáng lập Acronis, startup hàng đầu thế giới về bảo mật và an ninh mạng, đã có buổi trò chuyện cùng hàng trăm sinh viên, giới khởi nghiệp Việt.
Xu hướng về công nghệ tương lai hay công thức vận hành startup toàn cầu là những chủ đề lớn truyền cảm hứng cho giới trẻ, thông qua hai buổi chia sẻ tại FPT Campus Hanoi chiều 12/4 và tại FPT Campus TP HCM chiều 14/4.
Trước khi là “cha đẻ” đế chế IT 2,5 tỷ USD, Serg Bell là cử nhân Vật lý, sau đó lấy bằng Thạc sĩ vật lý và kỹ thuật điện, bằng Tiến sĩ Khoa học máy tính và Tiến sĩ Vật lý, sở hữu 350 bằng sáng chế.
Những ‘nỗi đau’ của thế giới
Trong bài tham luận về vai trò của công nghệ, Tiến sĩ Serg Bell nêu ra các bài toán mà thế giới cần tìm lời giải, liên quan đến sức khỏe, môi trường, phát triển bền vững…
Theo Serg Bell, khoa học đang thừa nhận già hóa (Ageing) là một vấn đề. Ông dẫn chứng, số người có tuổi thọ trên 65 đang tăng, có thể gấp đôi vào 2050 (2,1 tỷ người trên toàn cầu). Điều này đặt ra nhu cầu về học tập, cải thiện sức lao động. “Trong tương lai, có thể thế hệ trẻ và già ngồi học chung một lớp – điều này đặt ra cách tiếp cận cần phù hợp với lửa tuổi – đó là bài toán giáo dục chúng ta cần đối mặt trong tương lai”, ông nói.
Vấn đề môi trường cũng được Serg Bell nhấn mạnh như một thách thức của nhân loại, đặc biệt là với những quốc gia giàu có nhất trên thế giới. “Sự phát triển và giàu có này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Ô nhiễm đất, nước, không khí… đặt ra yêu cầu nâng cao nhận thức giáo dục và bảo tồn thiên nhiên”, vị tỷ phú cho biết.
Những công nghệ của tương lai
Ông Serg Bell dự đoán AI, vật liệu tự tái cấu trúc, hybrid sẽ là những xu hướng tương lai của công nghệ.
Với AI, công nghệ này sẽ giúp tăng khả năng hoạt động của trí não, ngôn ngữ, có nhiều ứng dụng đột phá trong đời sống, kinh doanh.
Về lượng tử, các công nghệ như cảm biến sẽ giúp quá trình giao tiếp nhanh hơn. Ông Serg Bell đánh giá công nghệ lượng tử có tác động lớn và hỗ trợ hiệu quả cuộc sống con người với ưu điểm về hiệu suất, chi phí, độ chính xác cao.
Một xu hướng khác sẽ dẫn dắt tương lai là vật liệu thông minh – những vật liệu sản xuất từ tự nhiên, tự tái cấu trúc. Ông cũng nhận định hybrid – kết hợp ảo và thực như metaverse sẽ phát triển thời gian tới.
“Khi kết hợp những yếu tố khoa học – công nghệ, máy móc lại, mọi thứ trên thế giới đều có thể giả lập trên máy tính trong tương lai. Máy tính và khoa học máy tính sẽ giúp con người giải quyết nhanh chóng những vấn đề đang gặp phải. Sự phát triển của thiết bị công nghệ sẽ tỷ lệ nghịch với thời gian hoàn thành công việc. Công nghệ máy tính thật sự đã vượt xa giới hạn trước đó với nhiều ứng dụng thực tiễn vào mọi mặt đời sống”, nhà sáng lập Acronis chia sẻ.
Làm chủ tương lai công nghệ
Đồng sáng lập Acronis, ông Stanislav Protassov, cũng có mặt tại sự kiện để chia sẻ về khởi nghiệp công nghệ. Người đứng đầu đế chế IT cho rằng, người lãnh đạo cần có khả năng đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau (multitask), nhiều vai trò khác nhau trong doanh nghiệp.
“Khi có ý tưởng và một ban lãnh đạo tốt, bạn đã gần như đạt được các yếu tố khởi nghiệp thành công, cộng thêm đó là kiến thức chuyên môn về lĩnh vực khởi nghiệp”, đồng sáng lập Acronis nói.
Cũng theo ông Stanislav Protassov, mỗi nhân viên có thể phát triển theo hai hướng: chuyên môn và quản lý. Một người cần bắt đầu ở vị trí thấp sau đó mới lên vai trò lãnh đạo cao hơn. Ông cũng lưu ý các bạn trẻ cần có vị trí nhất định thì mới đạt được nguồn thu nhập cao. Ở Microsoft, người làm công nghệ đã giữ vị trí quản lý ở nhiều năm, thuê hàng nghìn người. “Cách quản lý nhân sự tốt mới có thể tạo ra năng suất lớn của người lao động, tạo động lực và thúc đẩy họ”, ông chia sẻ.
Giáo dục – nền tảng cho công nghệ
“Việt Nam là một đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh và bùng nổ. Mặc dù ngành IT của Việt nam chỉ chiếm 2% GDP, nhưng con số này sẽ thay đổi trong thời gian tới – con số tương lai có thể là 10%”, ông Stanislav nhận định về tiềm năng tại Việt Nam.
Nhà sáng lập Serg Bell khẳng định, để xây dựng được hệ thống máy tính tốt hơn, cần có những nền giáo dục được đầu tư bài bản và nghiêm túc. “Để chạm đến mục tiêu này, giáo dục sẽ chạm đến các vấn đề về văn hóa, tôn giáo, chính trị trước, sau đó mới liên hệ đến khoa học và ở bước tiếp theo là công nghệ”, ông chia sẻ.
“Các trường đại học trên thế giới có thể đầu tư mô hình hybrid, mở rộng kết nối và làm dày thêm vốn kiến thức cho sinh viên. Thế hệ này có thể tiết kiệm thời gian, lĩnh hội những kiến thức to lớn và tiếp cận được những nền văn hóa – kinh tế – công nghệ linh hoạt”, tiến sỹ nói.
“Lời khuyên của tôi dành cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực IT là cần hiểu rõ văn hóa các doanh nghiệp IT toàn cầu, có khả năng sử dụng tốt Tiếng Anh và sẵn sàng học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, từ đó có thể xây dựng, phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông nói thêm.
Đại diện Acronis cũng cho biết đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm R&D tại Việt Nam, dự kiến thu hút 700 sinh viên. Trước đó, Acronis đã xây dựng nhiều trung tâm phát triển trên thế giới như Singaore, Bulgaria, Romania, Mỹ, Thụy Sĩ…
“Thông qua trung tâm này chúng tôi mong muốn có thể tìm thấy nhiều tài năng trẻ tại Việt Nam trong lĩnh vực IT”, sáng lập Acronis chia sẻ.
Nguồn: https://vnexpress.net/ty-phu-singapore-neu-cach-lam-chu-cong-nghe-voi-sinh-vien-viet-4452127.html