Ưu tư Chuột Nhắt và khấp khởi Trâu Vàng

Lê Quang/ Báo Tuổi Trẻ

Ảnh: The Washington Post

Những ngày đầu năm, tui chợt nghĩ về thế giới, nghĩ về một địa cầu  không có biên giới.

Vì sao tui nghĩ vậy, là bởi vì con virus corona quay lại tấn công Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Gia Lai và một số địa phương khác.

Cùng với sự lo toan của Việt Nam là những con số đầy lo âu đến từ các nước. Tui không muốn ghi ra những con số chết chóc đó. Rõ ràng, không có biên giới cho những thảm họa bao trùm lên quả đất.

Và bất chợt, tui nhớ đến bài hát “We are the world” của băng nhạc USA For Africa.

“We are the world. We are the children. We are the ones who make a brighter day. So let’s start giving” (Chúng ta là một thế giới. Chúng ta là những đứa trẻ. Là những người tạo nên một ngày tươi sáng hơn. Vì thế chúng ta hãy cống hiến).

Đại dịch Covid-19 làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên, cho nên hãy cùng nắm tay nhau vun đắp cho mái nhà chung của mình.

Hãy trở nên như những đứa trẻ, hồn nhiên yêu thương và không toan tính được mất. Thế giới cần sự thứ tha và cho đi bởi vì mất mát đau thương và ích kỷ đã quá nhiều.

Đọc bài “Ưu tư Chuột Nhắc và khấp khởi Trâu Vàng” của tác giả Lê Quang đăng trên báo Tuổi Trẻ, tui thấy thấm thía vô cùng.

Xin giới thiệu cùng bạn bè nhé!

Trần Quí Thanh

—–

Vào lúc giao thừa, thay cho các dự định cao cả trong năm mới, tôi chỉ tâm niệm một điều: đừng coi bất cứ thứ gì là đương nhiên cả.

Phải thú thực là chưa bao giờ tôi đạt được phần lớn những dự định cao ngất mà tôi vô tư tự đặt ra cho mình trong năm tới, thường là vào thời điểm xem pháo hoa lúc giao thừa vẫn hay được gọi là giây phút thiêng liêng của đất trời, mà thực ra là thiêng liêng lặp đi lặp lại vì năm nào chả thế: tờ lịch giấy cứ thế rơi, năm mới cứ thế xộc đến.

Nhưng năm nay sẽ khác. Thật. Nhờ con virus corona nhỏ xíu đã dạy con người chớ ngạo mạn rằng có thể mạnh hơn thiên nhiên.

Khi tôi chui ra khỏi chăn ấm để xông ra đường phố lạnh co ro trong gió bấc thì nhà bác An bún ngan đã dậy trước đó bốn tiếng để lụi cụi nhóm lò, cô Sáu cà phê đã mắt nhắm mắt mở quét tước lau chùi từ khi trời tối mịt, hàng ngàn lái xe đường dài chưa kịp ăn sáng sau một ca đêm căng thẳng và một trong ba cô bé lễ tân vô danh của nhà chung cư nơi tôi ở đã son phấn tưng bừng ngồi sẵn ở tầng trệt.

Luôn có những người bày biện thế giới cho ta bước vào, và tôi mong cho tất cả mọi người có một năm khá an lành như tôi.

Và hơn thế nữa: đừng ai xây thêm nhà cao tầng giữa thành phố quê tôi đã ngạt thở khói bụi, thế giới cần nhiều Greta Thunberg nữa để môi trường sống xanh lên, Joe Biden nên có thêm ít máu quậy của Donald Trump trong người để một số kỳ vọng trong diễn văn nhậm chức của ông không chỉ dừng ở mức hứa hẹn, và thuốc chích ngừa của BionNTech/Pfizer hạ giá đáng kể để người dân các nước nghèo cũng được tiêm chủng.

Chúng ta chỉ có một thế giới, nếu nó đắm chìm trong băng tuyết tan chảy từ Bắc Cực hay tàn lụi vì đại dịch thì mọi kế hoạch cưới xin, sinh đẻ, xây nhà, đầu tư chứng khoán, xin việc làm béo bở, đăng ký du lịch sao Hỏa… đều là mây khói.

Những điểm bám dối lừa

Sinh ra là phải đương đầu ngay với một thế giới đầy biến cố khôn lường, vì vậy con người cần những điểm bám tương đối có tính cố định hoặc tính chu kỳ như lịch làm việc đầy lạc quan cho tháng tới (do ta tự đặt hay sếp ép làm), sinh nhật (năm nào cũng đến), kỳ tăng lương (quá hiếm hoi, nhưng không phải hiếm đến vô vọng), và ngày lễ tết…

Ấy nhưng, dù rất có năng khiếu lập kế hoạch và tư duy ở cấp độ trừu tượng, thậm chí còn lập ra cả công thức toán cho tiểu thuyết trinh thám ăn khách hay phim sến bán chạy, con người rất kém khi dự đoán hay hoạch định cho tương lai xa. 

Năm 1962 có một ông bầu dắt mấy chàng trai mặt đầy mụn trứng cá tới gõ cửa Hãng thu đĩa Decca Records. Sau khi kiên nhẫn nghe thử 15 bài, quản lý hãng đĩa hát là Mike Smith và Dick Rowe nói: “Chúng tôi không thích loại nhạc này, guitar đằng nào cũng sắp hết mốt”. Khỏi phải đợi mấy chục triệu đĩa sau đó: ban nhạc non choẹt ấy tên là The Beatles.

Hay lấy ví dụ tạp chí kinh tế Business Week với nhận định hồi năm 1958: “Hiện tại đã có 50 nhà sản xuất xe hơi, do đó công nghiệp ôtô Nhật sẽ rất khó chiếm được thị phần”. Hôm nay chỉ riêng Toyota đã ném ra thị trường nhiều hơn bất cứ công ty ôtô Mỹ nào. Còn Trung Quốc – hồi năm 1958 còn hiếm cả xe đạp – làm ra số xe mỗi năm gấp đôi Toyota.

Sau nhiều thế kỷ tiến hóa, con người có đủ kinh nghiệm về tầm nhìn cận thị của mình, nhưng thay vì thú nhận điểm yếu kém ấy thì người ta nghiêng về một “giải pháp” êm dịu hơn: khi đứng giữa đám người đông nghịt – và không đeo khẩu trang – đón giao thừa năm dương lịch vừa qua, tôi nghe không ít người thở phào: “Còn ít phút nữa là cái năm 2020 khốn khó qua rồi, mọi chuyện sẽ ổn trở lại!” thay vì ngẫm nghĩ những lúc chính mình và đồng loại mắm môi cưa cái cành cây mình đang ngồi trên.

Trong cái rủi cũng có cái may: rốt cuộc năm 2020 giúp chúng ta thoát khỏi niềm tin vô căn cứ là con người có thể “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” để sống sao cho khiêm nhường hơn, kính trọng thiên nhiên hơn và nhất là ý thức được hơn mọi hạn chế của mình. 

Con người phải học cách tư duy trong biên giới, trong khuôn khổ của hiện tại. Người Hà Lan cũng phải chống chọi với mực nước biển cao hơn đất liền cả mấy trăm năm mới rút ra được bài học là phải để trống những diện tích cho nước sông dềnh lên theo mùa, thay vì liên tục lấp sông lấn biển chiếm đất xây nhà rồi thấp thỏm lo lụt lội.

Đời nặng khôn kham

Ngày vui ấy chưa xa: sau mấy tháng chờ đợi và đơn từ qua lại, tôi cầm tấm giấy mời dự hội thảo ở Berlin kèm vé dự Hội chợ Sách quốc tế Leipzig 2020. Nhưng vừa đặt chân lên đất Đức thì ban tổ chức báo hoãn mọi hoạt động đông người vì mấy trường hợp đầu tiên ở bang Bayern nhiễm một thứ bệnh lạ chết người từ một nữ đồng nghiệp người Vũ Hán. 

Khi đó Tổ chức Y tế thế giới còn gọi nó là cúm mùa thể nặng và nhân loại chưa nghĩ ra khái niệm “COVID-19”. Tôi mua ngay vé để về kịp trước giờ sân bay Nội Bài có lệnh “bất xuất bất nhập”, mà vẫn không tránh được chỉ thị tập trung cách ly. 

Hôm đó phòng nhập cảnh của sân bay náo loạn với mấy trăm con người, thiếu cả nước uống, các điểm cách ly cấp tốc thiết lập cũng đã quá tải. Sau nửa ngày vạ vật ở sân bay, tôi về điểm cách ly và có trọn hai tuần vắt tay lên trán nghĩ ngợi về cuộc đời trĩu nặng khôn kham. 

Qua mười bốn hôm, với tờ chứng nhận xét nghiệm âm tính, tôi bước xuống cầu thang ra khỏi đó mà hai chân chệnh choạng như quên cách đi, về đến nhà vẫn ngơ ngác quên cả nút bật bếp lò để nấu bát mì tôm. Con người bị bắn ra khỏi quỹ đạo của cuộc sống bình thường mới nhanh làm sao!

Nhìn lại cả năm 2020, tôi không mất lạc quan nhưng tâm niệm rằng cái duy nhất mà tôi hay chúng ta có thể hoạch định chắc chắn được cho tương lai là tính bất khả hoạch định của tương lai. Nhận thức này không mới, nhưng con virus corona đã mở mắt cho ta thấy rõ điều đó hơn bao giờ hết.

Đại dịch corona lôi tuột mọi người ra khỏi cơn mê sảng say sưa của các dự án tương lai, ép ta nhận thức rõ hơn cái cõi tạm để chung sống với tính thực dụng của thời hiện tại. 

Vào lúc giao thừa, thay cho các dự định cao cả trong năm mới, tôi chỉ tâm niệm một điều: đừng coi bất cứ thứ gì là đương nhiên cả, nếu sáng mai ra phố và thấy hàng bún ngan bác An lẫn quán cà phê cô Sáu đều không treo biển đóng cửa thì phải coi đó là một nỗ lực lớn trong cuộc đời này.

Sự thiếu đồng bộ

William Fielding Ogburn (1886-1959), chủ tịch Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ, hồi năm 1922 từng đưa ra một luận điểm về sự lệch pha văn hóa, đại khái là các giá trị phi vật chất không phát triển nhanh như tiến bộ kỹ thuật, nói cách khác là luôn có sự bất đối xứng thời gian trong nội bộ một xã hội.

Áp dụng định luật Ogburn vào đại dịch Covid-19 sẽ thấy chúng ta đang sống trong một hệ thống năng động mà một tiến bộ – ở đây là trạng thái miễn dịch – đang lan tỏa rất từ từ trong các nhóm xã hội.

Tôi chủ ý không dùng danh từ “giai cấp” hay “tầng lớp” vì nó mang tính kinh tế hay chính trị, nhưng rõ ràng không thể không nhận thấy chiến dịch chích ngừa toàn cầu đang phân hóa xã hội.

Cựu tổng thống Trump ra lệnh: Nhà Trắng được chích ngừa đầu tiên. Cũng không vô lý vì đó là đầu não của quốc gia, dù đôi khi trong nhiệm kỳ bốn năm vừa qua bộ não đó không hoạt động bình thường.

Người Đức thì tuân theo một tiêu chí khác, gọi là y tế nhân bản: ưu tiên tiêm chủng cho những cá nhân bị đe dọa nhất: người già, đến người có bệnh nền, rồi đến nhân viên y tế…

Mỗi nơi có lý do của mình, nhưng tựu trung thì bỗng dưng xã hội bị chia thành nhóm người đã được chích ngừa và số còn lại.

Chừng nào chưa đủ thuốc để toàn dân trong một nước hay nói rộng ra là toàn thế giới được miễn dịch, ta sẽ có những người được ưu tiên đi máy bay, vào nhà hát, đến siêu thị… vì họ đã miễn dịch, trong khi số người còn lại bị tránh như hủi, không được đi làm hay sử dụng tàu xe công cộng hoặc vào sân xem đá bóng.

Không chỉ thế, những người “hủi” còn bị tước quyền đi khỏi địa phương, thăm bố mẹ ở quận khác, hẹn hò với người yêu, ra nước ngoài công tác hay học hành… Thú thực là tôi chưa lường hết được mọi vấn đề liên quan, nhưng tôi sợ hệ quả xã hội ấy hơn chính con virus corona.

Làm gì để cân bằng sự thiếu bình đẳng và lệch pha văn hóa ấy đang chớm nở và sẽ còn gia tăng trong năm nay?

Nói đi cũng phải nói lại: tiến bộ kỹ thuật là không ngừng nghỉ, và tôi hoàn toàn có quyền lạc quan là năm 2021 sẽ có thành công đột phá trong dập dịch. 

Ngày xưa người ta cần 10-15 năm để phát triển một loại thuốc chích ngừa mới, hôm nay BioNTech/Pfizer chỉ cần vài tháng, bên cạnh họ còn có Moderna, Johnson & Johnson, CureVac… với tốc độ tương tự – chẳng phải là lý do để lạc quan sao? 

Từ sau lễ Giáng sinh 2020 đến nay đã có 14,3 triệu người Mỹ được tiêm phòng, 4,6 triệu người Anh, 15 triệu người Trung Quốc… Ít nhất thì tin đó còn vui hơn tuyên bố từ một quốc gia khác không tham dự toàn cầu hóa, Bắc Triều Tiên, về thành công chế tạo tên lửa vượt đại châu mạnh nhất thế giới “Hwasong-16”.

Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao

Virus corona cũng đem lại một số hiệu quả “tích cực”, nếu ta được phép dùng tính từ này. Từ tám tháng nay tôi không bước chân ra khỏi nhà mà vẫn tham dự các hội thảo ở Berlin qua cầu nối Internet. 

Các đồng nghiệp và bạn bè tôi ở nước ngoài đã quen với “văn phòng tại gia”, dĩ nhiên cũng có hạn chế, nhưng bù lại thì không phải chen chúc trên tàu điện hoặc chịu cảnh ùn tắc xe cộ cả tiếng đồng hồ mới đến cơ quan.

Không vì thế mà quên được các tổn thất chưa thể đo đếm hôm nay do dịch bệnh gây ra, lịch sử thế giới đã cho thấy loài người trên con đường trường chinh tiến đến cuộc sống dài hơn, tốt hơn và khỏe mạnh hơn luôn bị ngáng trở bởi những thất bại kịch tính.

Nhưng tin tốt là kết quả về tổng số luôn đi lên theo hướng tích cực. Toàn cầu hóa một mặt là một phần nguyên nhân của lây lan dịch bệnh, mặt khác nó cũng đưa lại cuộc sống tốt hơn đáng kể cho cả thế giới. Chưa bao giờ sức khỏe bình quân của con người tốt hơn hôm nay. 

Bên cạnh đó, hãy còn quá sớm để vội vàng quy các tổn thất bởi virus ra tỉ USD hay phần trăm suy thoái kinh tế.

Đúng là đại dịch là một thảm họa lớn nhất từ sau Thế chiến II, nhưng mất mát ở đây là thu nhập ở nơi khác, dù điều đó nghe có vẻ tàn nhẫn song trong kinh tế chỉ là một phép cộng trừ, và chưa chừng sẽ chỉ là một trò chơi zero-sum game (tổng không đổi, tức là phần thua của người này bằng đúng phần thắng của người kia): cuộc tìm tòi cách chống lại virus corona đang hứa hẹn tìm ra phương thức hữu hiệu hơn để sau này chống các dịch bệnh khác và một số loại ung thư. Kinh nghiệm dập dịch lần này có thể sẽ giúp ta phòng và chống bệnh tật tốt hơn trong tương lai, tìm ra thuốc chích ngừa mới.

Tất cả khuyên ta rằng sợ hãi không phải là bạn đồng hành tốt trong lúc này và rủi ro là giá phải trả cho tiến bộ. Chưa từng và sẽ không có chiến lược nào là 0% đối với loài người cả.

 

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Ưu tư…

https://tuoitre.vn/uu-tu-chuot-nhat-va-khap-khoi-trau-vang-2021020417560084.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *