Uy tín của start-up phụ thuộc vào nhà sáng lập

Thị Hồng/ Báo Đầu Tư

Theo nhà sáng lập Propzy, những gì xảy ra trong thực tế thường chiếm gấp đôi thời gian và tốn kém hơn 4 lần so với kế hoạch trên giấy.

Trước khi công bố thông tin được đầu tư 25 triệu USD trong series A, John Lê, nhà sáng lập/ Chủ tịch Propzy Singapore (công ty mẹ của Propzy Việt Nam) cũng từng trải qua nhiều lần bị từ chối.

John Lê cho rằng, những gì xảy ra trong thực tế thường chiếm gấp đôi thời gian và tốn kém hơn 4 lần so với kế hoạch trên giấy.

Thế nên, khi trao đổi với nhà đầu tư, start-up không nên đưa ra những kỳ vọng quá cao trong khi kết quả lại ở mức thấp.

Kinh nghiệm của nhà khởi nghiệp này là “hãy luôn kỳ vọng thấp một chút và tập trung mang lại kết quả vượt mong đợi. Hãy quản trị thật tốt các kỳ vọng, đặc biệt là kỳ vọng của các cổ đông”.

Baodautu.vn đã có cuộc trao đổi ngắn với John Lê về câu chuyện gọi vốn và kế hoạch phát triển sắp tới của Propzy:

Ông John Lê, nhà sáng lập Propzy (Ảnh: NVCC).

John nhìn nhận như thế nào về nỗ lực duy trì sự sống và kiên trì vực dậy của các start-up sau năm đại dịch đầu tiên?

Trước tác động của đại dịch, doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều thách thức và không ít trong số đó gần như đã phải dừng hoạt động.

Tôi từng có cuộc gặp với nhà đầu tư đã rốt vốn 10 triệu USD cho VNTrip và 6 triệu USD cho Luxstay. Những doanh nghiệp này đều được xây dựng trong bối cảnh nhu cầu di chuyển của thị trường ở mức cao.

Tuy nhiên, hiện tất cả đang gặp phải thử thách không nhỏ khi quy mô thị trường giảm mạnh. Tài chính của các công ty bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn tiền mặt gần như cạn kiệt.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như nhân sự, sức khỏe vẫn hoạt động bất chấp đại dịch. Như với Propzy, chúng tôi luôn cần nguồn lực về kỹ thuật, tiếp thị để duy trì hoạt động cũng như thực hiện mục tiêu của mình.

Hay với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì con người sẽ không tránh khỏi bị ốm nên nếu thị trường cung cấp được dịch vụ tốt với chi phí phù hợp hơn thì sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn.

Cá nhân tôi thấy đã có những doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực này và nó sẽ rất phát triển trong năm 2022.

Năm 2021 sẽ hướng tới định hình lại cũng như cải thiện các quy trình về cơ sở hạ tầng và công nghệ để phát triển mạnh mẽ trong năm 2022.

Từ ví dụ thực tiễn của các start-up đó, John thấy mình cũng như các start-up khác có thể học hỏi được điều gì?

Nhìn chung, thực tế sẽ thường chiếm gấp đôi thời gian và tốn kém hơn 4 lần so với kế hoạch trên giấy. Vì vậy, chúng ta luôn cần lưu tâm điều này.

Về kinh nghiệm, tôi có chia sẻ rằng khi bạn trao đổi với nhà đầu tư, không nên đưa ra những kỳ vọng quá cao trong khi kết quả lại ở mức thấp.

Kinh nghiệm là hãy luôn kỳ vọng thấp một chút và tập trung mang lại kết quả vượt mong đợi.

Hãy quản trị thật tốt các kỳ vọng, đặc biệt là kỳ vọng của các cổ đông.

Với riêng những nhà khởi nghiệp trẻ, hãy cố gắng tìm những người bạn có thể tin tưởng. Họ có thể không phải là người giỏi nhất nhưng biết lắng nghe.

Thực tế, những người khởi nghiệp đôi khi chỉ cần chia sẻ với những người có thể lắng nghe họ. Đôi khi điều này còn giúp bạn tháo gỡ khó khăn hơn là ngồi một mình và suy nghĩ quá nhiều.

Đặc biệt, nếu người lắng nghe bạn có kiến thức và kinh nghiệm lại không thích khoe khoang về bản thân thì bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều. Thậm chí là nhận được lời khuyên hữu ích từ họ.

Với tôi, đây là 2 bài học quan trọng.  

John Lê (đứng thứ hai từ phải sang) trao đổi với ông Nguyễn Trung Tín, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản An Gia (thứ hai từ trái sang) tại một sự kiện về khởi nghiệp.

Còn với Propzy, kết quả kinh doanh năm vừa qua như thế nào?

Năm vừa qua, chúng tôi dành nhiều thời gian để xây dựng đội ngũ, cải thiện sản phẩm.

Propzy đang ấp ủ một dự định từ khá lâu về hệ sinh thái “FIRE tech” (Finance, Insurance, Real Estate) kết hợp bộ ba lĩnh vực: tài chính, bảo hiểm và bất động sản, trong đó bất động sản vẫn là chủ lực.

Hệ sinh thái này xuất phát từ ý tưởng ngày xưa người ta vẫn có thể mua bất động sản và trả bằng tiền mặt.

Giờ đây, để thị trường phát triển thì phải đi vay. Khi đó nhiều người có cơ hội để mua nhà, để đầu tư bất động sản.

Và khi vay để mua bất động sản thì phải có bảo hiểm để bảo vệ hai bên. Tức là với FIRE tech, cùng một giao dịch có thể có được cả ba loại hình gồm vay – bảo hiểm – bất động sản.

Vì hoạt động ở mảng thứ cấp, chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều vì đại dịch. Kết quả kinh doanh năm 2020 tăng gấp 3,4 lần cùng kì năm 2019.

Về nhân sự chúng tôi tăng trưởng từ 300 nhân viên lên đến 700 nhân viên, mở rộng 30 trung tâm giao dịch trên các quận huyện thành phố Hồ Chí Minh.

Dịch Covid chỉ làm cản bước chân chúng tôi trong dự định Bắc tiến.

Chúng tôi đã gọi xong vòng series A trị giá 25 triệu USD trong quý I/2020 với 2 nhà đầu tư chính là LawCapital, Softbank và một số tổ chức khác.

Kế hoạch gọi vòng series B đã có và sẽ thông báo chính thức trong năm 2022.

Trước khi hoàn tất series A, có lẽ các nhà sáng lập Propzy cũng phải trải qua không ít lần nhận được lời từ chối từ các nhà đầu tư. Từ kinh nghiệm của mình, việc quan trọng nhất mà Propzy đã sau khi bị từ chối là gì?

Trước tiên, tôi hy vọng start-up nhận được một lời từ chối nhanh từ nhà đầu tư vì thời gian chính là tiền bạc. Chúng ta không nên kéo dài “nỗi đau” khi bị từ chối mà cần sớm vượt qua nó.

Tiếp theo, bạn cần hiểu rõ lý do vì sao mình bị nhận lời từ chối này. Liệu rằng nhà đầu tư không thích hay không đủ hiểu giá trị mà bạn mang đến?

Đừng vội nhận định là mô hình kinh doanh của bạn không tốt. Lý do có thể nằm ở việc họ chưa hiểu bạn mà thôi.

Thứ 2, bạn cần có sự kiên nhẫn vì thực tế, không phải doanh nghiệp tuyệt vời nào cũng có một mô hình kinh doanh dễ hiểu.

Rất nhiều doanh nghiệp unicorns lớn(start-up được định giá trên 1 tỷ USD) gặp phải khó khăn khi tiến hành gọi vốn. Bản thân tôi cũng đã bị từ chối khi gọi vốn 2 triệu USD nhưng nhà đầu tư 25 triệu USD lại nhìn thấy tiềm năng từ mô hình của tôi.

Với một lĩnh vực phức tạp như bất động sản, trong khi nhà đầu tư luôn muốn một thứ thật dễ hiểu thì bạn sẽ bị từ chối khi không đáp ứng được nhu cầu này.

Vì vậy, đừng tuyệt vọng trước những lời từ chối mà hãy hướng tới hiểu bản chất sự việc và thật kiên nhẫn.

Cuối cùng, khi bạn gặp được đúng nhà đầu tư biết rõ về lĩnh vực có thể phức tạp của bạn và họ vẫn từ chối. Lúc này, bạn thật sự cần nghiêm túc xem lại mô hình kinh doanh của mình.

John tự tin mình đã có mô hình kinh doanh đúng và có nền tảng cơ bản để theo đuổi khát vọng này. Ở cả vị trí nhà sáng lập/ Chủ tịch PROPZY Singapore (công ty mẹ của PROPZY Việt Nam), John đánh giá, đội ngũ lãnh đạo đã đưa Propzy đi được bao nhiêu % quãng đường kỳ vọng từ ban đầu?

70%. Đây là một ngưỡng để vượt qua nhưng chưa phải điểm dừng mong đợi vì chúng tôi vẫn còn rất nhiều mục tiêu cần hoàn thành.

Đại dịch đã khiến đà phát triển chậm lại một chút nhưng cũng giúp công ty có những sự điều chỉnh phù hợp về mặt kinh doanh, nền tảng, con người, chính sách, quy trình để tạo bệ phóng cho năm 2022.

NGUỒN:  Theo Báo Đầu Tư

Link bài: Uy Tín…

https://baodautu.vn/uy-tin-cua-start-up-phu-thuoc-vao-nha-sang-lap-d140666.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *