Vắc xin không chờ đợi

Khanh Trần/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Dịch bệnh sẽ được khống chế tốt hơn khi có vắc xin

Sau khi đã thuyết phục thành công một thành viên rất kiên quyết trong đội “đợi chờ”, là mẹ tôi, tiêm mũi đầu vào ngày 21/6, ở TPHCM, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ và một số thông tin trước những ý kiến chờ tiêm vắc xin.

Trước khi ai nói tôi dám tiêm vắc xin vì tôi tiêm ở Mỹ, tôi muốn chỉ ra rằng ở Mỹ hiện tại cũng chỉ mới tiêm được hơn 50% dân số, trong đó 45% tiêm đủ liều, nên tôi nghĩ chuyện chần chừ tiêm không chỉ là do vắc xin loại nào.

Nhà tôi mỗi người một kiểu, người thì chờ nhà khác tiêm trước; người thì lựa loại mới tiêm; người thì phải tiêm chung với nhau mới chịu và người thì có là loại gì cũng kiên quyết không tiêm. Còn tôi, tiêm xong về nhà gây sức ép, “khủng bố tinh thần” để bắt cả nhà tiêm.

Tôi tiêm vào tháng 4, lúc đó cũng nhiều bạn bè khuyên tôi đừng nên tiêm, đợi xem an toàn không. Lúc đấy cũng thiếu vắc xin, lên lịch hẹn cũng phải đợi vài tuần, chứ không dễ dàng gì. Tôi suy nghĩ nhiều thứ, cuối cùng quyết định chọn “tiêm gấp”, đến thẳng chỗ tiêm một tiếng trước khi họ đóng cửa. Tôi tiêm Pfizer và tất nhiên, do đi ngang, tôi không được chọn vắc xin.

Lúc tiêm còn nhanh hơn, không đến 1 giây. Cảm thấy hơi ảo, hơi siêu thực. Đại loại là một năm cả thế giới nháo nhào, khốn khổ, đầy biến động, thế mà giải pháp chỉ là 1 mũi kim, 1 giây, 1ml? 

Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm gần 2,5 triệu liều, vô cùng đáng mừng. Điều làm tôi lo ngại là nhiều ý kiến về việc chờ đợi, hay thậm chí là thuyết phục nhau không tiêm vắc xin từ người thân, bạn bè và những người chia sẻ trên mạng xã hội.

Hơn 80% tổng số ca dương tính ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 4 – một minh chứng cho sự lây lan của biến thể mới. Tại sao lại không thể để vắc xin giúp chúng ta?

Tình hình có thể tệ đến mức nào?

Chúng ta có thể mất bao nhiêu người Việt do COVID-19? Một cách ước tính là nhìn sang các nước trong khu vực với dân số tương đương. Việt Nam, với dân số 97 triệu, tính đến 24/6, có hơn 14.000 ca dương tính (hơn 11.000 ca được phát hiện từ tháng 4), 72 ca tử vong. Thái Lan: dân số 70 triệu, 230.000 ca nhiễm, 1.800 ca tử vong. Philippines: dân số 108 triệu, 1,4 triệu ca nhiễm, 24.000 tử vong. Chênh lệch này còn chưa kể đến GDP và GDP đầu người của nước ta đi sau 2 nước láng giềng này (đồng nghĩa với việc tài nguyên kinh tế cho việc chống dịch của nước ta ít hơn).

(Nguồn dữ liệu: ĐH John Hopkins CSSE)

Nếu không kiểm soát chặt chẽ, số người Việt tử vong sẽ có thể gia tăng mạnh. Và một khi con số quá lớn thì có khi nó sẽ trở thành… con số – dễ khiến chúng ta quên mất rằng trong số ca đó có thể là bố, mẹ, là giáo viên, công nhân, là tài xế Grab, là người bán rau ngoài chợ…

Nhưng số ca nhiễm và số người tử vong không thể tăng mãi, bởi chúng ta đã có vắc xin. 

Điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là không tiếp tay cho sự hoành hành của virus SARS-CoV-2. Tính đến thời điểm này, so với các nước, nước ta đã làm rất tốt trong việc này. Tại sao đến bây giờ chúng ta lại ngừng nỗ lực?

“Phải đợi để chắc chắn vắc xin an toàn”

Các vắc xin được duyệt rất nhanh không đồng nghĩa với việc chúng không được thử nghiệm và kiểm tra cẩn thận. Ví dụ, vắc xin AstraZeneca được thử nghiệm trên gần 21.583 người trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Vắc xin Janssen (hay còn gọi là vắc xin Johnson & Johnson) thậm chí còn được rút ngắn thời gian thử nghiệm, do COVID-19 lây lan quá nhanh, không cần mất nhiều thời gian như dự tính ban đầu để có đủ dữ liệu kết luận độ hiệu nghiệm của vắc xin.

Nhiều người chỉ tập trung vào những trường hợp bị đông máu do tác dụng phụ sau khi tiêm. Tôi cũng từng lo ngại về vấn đề này trước khi tiêm, nhưng cái lo của tôi không tồn tại được hơn nửa tiếng, khi tôi nhận ra nguy cơ bị đông máu do uống thuốc tránh thai, mang thai và sau khi sinh, đều cao hơn do tiêm vắc xin rất nhiều.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ước tính nguy cơ bị đông máu sau khi tiêm AstraZeneca là 0,001% (1/100.000 người), so với 0,09% khi uống thuốc tránh thai, 0,2% mang thai, 0,65% sau khi sinh con và 31% nếu bị nhiễm COVID-19 phải vào cấp cứu. Thậm chí tỉ lệ chết vì ong đốt còn cao hơn là tỉ lệ bị đông máu do tiêm vắc xin.

Nếu chần chừ vì muốn chọn loại vắc xin được tiêm, vì lo lắng loại này không hiệu quả bằng loại kia, tôi nghĩ đây cũng là một mối lo hợp lý. Tuy nhiên, tôi muốn chỉ ra 3 điều đáng cân nhắc.

Đừng chần chừ đợi vắc xin này vắc xin kia, vì virus SARS-CoV-2 không chờ một ai

Thứ nhất, nói thẳng đến vắc xin của Trung Quốc – ứng cử viên kém yêu thích nhất của mọi người. Giả sử vắc xin Trung Quốc đúng là kém hiệu quả nhất trong tất cả những vắc xin mà thế giới có hiện nay, độ hiệu quả của nó cũng đạt 50-83%, tương đương với độ hiệu quả 40-60% của vắc xin cảm cúm mà Mỹ, châu Âu và nhiều nước phát triển khác tiêm hàng năm. Hơn nữa, nếu nói về việc giảm nguy cơ bệnh nặng hay tử vong do COVID-19 thì Sinovac cũng đạt hiệu quả 100%.

Chưa kể, nhiều vắc xin mà đại đa số chúng ta đều đã tiêm từ bé, ví dụ vắc xin bệnh lao (TB), thực chất hiệu quả cũng không tuyệt đối, kết quả nghiên cứu dao động rất lớn, từ 20-80%. Chúng ta vẫn tiêm vì nếu sau này rủi có bị bệnh thì cũng sẽ đỡ nguy hiểm hơn không tiêm rất nhiều.

Thứ hai, biến thể virus có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin trước đó có hiệu quả rất cao. Pfizer và Moderna bắt đầu quá trình thử nghiệm sớm và báo cáo độ hiệu nghiệm rất cao, nhưng nếu họ bắt đầu muộn hơn, lúc có nhiều biến thể dễ lây lan hơn, thì có thể độ hiệu nghiệm được báo cáo cũng sẽ thấp xuống vài %. Ý của tôi ở đây không phải nghi ngờ sự tuyệt vời của Pfizer, Moderna, hay công nghệ mRNA, mà là muốn chỉ ra sự phức tạp trong việc thử nghiệm thuốc và báo cáo số liệu chính xác tuyệt đối.

Thứ ba, chúng ta có thể đợi vắc xin này vắc xin kia, nhưng virus không đợi chúng ta. Trong thời gian chần chừ, virus cứ tiếp tục lan, bên cạnh việc kinh tế trì trệ, khổ cả nước, cũng không ngoài khả năng là sẽ có một biến thể nào đó đủ khả năng “né” vắc xin, kể cả là Pfizer hay Moderna. Mọi nỗ lực của chúng ta hơn một năm qua quay trở về con số 0, chỉ có điều số ca nhiễm và số người chết thì không quay về 0 được.

“Kể cả khi rủi ro rất thấp, tại sao phải liều?”

Với gần 180 triệu ca nhiễm và 4 triệu người tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới, tôi thấy cái liều thực sự ở đây là không tiêm vắc xin. Kể cả khi bạn là người trẻ, dưới 40 tuổi (như tôi), không có nguy cơ tử vong cao nếu dương tính, nghiên cứu cho thấy virus để lại biến chứng lâu dài cho não bộ và tim mạch với 10% số người sống sót. 

Nhưng, chúng ta không tiêm vắc xin chỉ để bảo vệ bản thân, chúng ta tiêm còn để bảo vệ cộng đồng, để không “tiếp tay” virus này hại thêm người nào nữa. Có nhiều người vì bệnh nền, vì độ tuổi quá cao hoặc quá thấp, mà không thể tiêm vắc xin, phụ thuộc vào những người có thể tiêm như chúng ta. Mẹ tôi đùa rằng, bà ấy chịu tiêm là vì muốn được đi chơi, nhưng tôi biết lý do lớn hơn là mẹ không muốn trở thành một nút lây nhiễm cho ông bà tôi và những người xung quanh.

Tóm lại, đối với sự chần chừ trong việc tiêm vắc xin, tôi có thể cố gắng hiểu nhưng không thể đồng cảm. Tôi quá yêu mạng sống, người thân và đất nước mình để “chiến” với virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ dành cho những bạn chuẩn bị tiêm:

Khi đi tiêm chúng ta có quyền hỏi đang được tiêm loại vắc xin nào.

Nên uống nhiều nước 24 tiếng trước khi tiêm và 24 tiếng sau khi tiêm. Người thiếu nước thì tác dụng phụ sẽ nặng hơn.

Tác dụng phụ thường sẽ bắt đầu khoảng 8-12 tiếng sau khi tiêm, nên tiêm xong cần làm gì thì cần khẩn trương.

Nhớ cảm ơn cán bộ y tế vừa tiêm cho nhé!

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Vắc xin…

https://www.phunuonline.com.vn/vac-xin-khong-cho-doi-a1438081.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *