Xuân Dương/ Báo GDVN
Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc được Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 24.11 vừa qua, các vấn đề về văn hóa đã được nghiên cứu sâu hơn, nhiều ngành nghề, lĩnh vực cũng quan tâm hơn về văn hóa, đó là điều đáng mừng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đây chính là kim chỉ nam cho mọi lý luận cũng như thực hiện xây dựng văn hóa. Trong đó có văn hóa học đường.
Để có được một nền văn hóa “đậm đà bản sắc dân tộc” và hòa nhập với thế giới, thì mỗi công dân phải được giáo dục, rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ, khi còn trên ghế nhà trường. Cho nên, phải có chiến lược về “văn hóa học đường” để tạo môi trường cho học sinh tiếp thu, rèn luyện, trở thành những công dân có văn hóa. Khi thực sự có văn hóa, con người mới có thể tạo ra các giá trị văn hóa khác cho cộng đồng và góp phần phụng sự xã hội.
“Văn hóa học đường”, đến nay vẫn là chủ đề còn nhiều tranh cãi. Chưa có một định nghĩa về văn hóa học đường một cách chính thức mà chỉ là những ý kiến cá nhân, những chia sẻ học thuật của các nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục.
Ví dụ như quan điểm văn hóa học đường là “học thật, thi thật” hay “trung thực”. Liệu chỉ như vậy có đủ hay không?
Bởi vì, học thật, thi thật, nhân tài thật chỉ là yêu cầu đặt ra đối với kết quả học tập. Còn một con người có văn hóa lại đòi hỏi toàn diện hơn. Không phải ai cũng học giỏi để trở thành nhân tài, nhưng ai cũng phải được rèn luyện để trở thành con người có văn hóa. Môi trường giáo dục phải làm cho được việc đó.
Môi trường giáo dục không chỉ là kiến thức sách vở mà còn nhiều lĩnh vực khác bổ sung như giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu con người, bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh…
Chủ đề “văn hóa học đường” sẽ còn tranh cãi, nhưng rất đáng mừng là đã có sự quan tâm sâu sắc hơn về điều này.
Trần Quí Thanh
—–
Không có nhà giáo hoặc không có học trò sẽ không tồn tại nhà trường, không tồn tại nền giáo dục và đương nhiên sẽ không có “Văn hóa học đường”.
Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức đã tiến hành ngày 21/11/2021 tại Hà Nội.
Phát biểu định hướng hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ba nội dung, nội dung thứ nhất bao gồm một số vấn đề trong đó có:
“Xây dựng văn hoá nhà trường theo định hướng “Học thật, thi thật và nhân tài thật”. [1]
Không chỉ trong hội thảo, trả lời phỏng vấn của phóng viên Anh Minh – Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, bà Nguyễn Thị Mai Hoa không quên nhắc lại ý kiến này kèm theo khẳng định:
“Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ có khuyến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này và giám sát việc tổ chức thực hiện”. [2]
Tham luận gửi tới hội thảo, giáo sư Trần Ngọc Thêm nêu ý kiến:
“Để có nhân tài thật thì “học thật, thi thật”, hay “học trung thực” là yêu cầu tối thiểu. “Học thật, thi thật”, hay “học trung thực” phải là một mục tiêu nền tảng xuyên suốt, không chỉ giúp chống bệnh gian lận trong thi cử, nạn đạo văn, mà còn góp phần quan trọng bảo đảm tính hiệu quả của giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục”. [3]
Cũng tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng:“Văn hóa học đường bao gồm các thành tố, các hoạt động của trường học, cùng các yếu tố có liên quan;… Trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học; quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò”.
Cho đến nay chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh về “Văn hóa học đường”, song nói tới điều này nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo,… đều thống nhất cho rằng đó phải là một hệ thống những giá trị, những chuẩn mực về học thuật, đạo đức, quan hệ giao tiếp,… và phải được luật hóa để mọi tổ chức, cá nhân cùng thực hiện.
Ý kiến của bà Nguyễn Thị Mai Hoa và khuyến nghị (nếu thành hiện thực) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có thực sẽ góp phần tạo nên văn hóa học đường?
Ý kiến về “học thật, thi thật” của ông Trần Ngọc Thêm có thực sẽ “góp phần quan trọng bảo đảm tính hiệu quả của giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục”?
Nói thẳng câu trả lời e là sẽ làm mất lòng một số vị đáng kính nên xin dẫn giải đôi chút.
Xin khẳng định là người viết không bắt bẻ câu chữ theo kiểu “cảnh sát văn chương” mà chỉ căn cứ vào nội hàm của các phát biểu để đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi đã nêu.
Sau hơn 50 năm gắn bó với giáo dục, người viết thực sự ngạc nhiên và lo lắng khi chủ trương lớn về đổi mới giáo dục và đào tạo của Đảng thể hiện trong Nghị quyết 29-NQ/TW nhưng qua hội thảo “Văn hóa học đường” lại có những ý kiến định hướng lệch và thiếu khoa học đến như vậy.
Vì sao lại ngạc nhiên?
Ngạc nhiên vì làm sao có thể xây dựng “văn hóa học đường” khi chỉ chú trọng đến “học thật, thi thật” – tức là chỉ chú ý đến học sinh, sinh viên mà bỏ qua vai trò của nhà giáo?
Dù tất cả học sinh Việt Nam có được sinh ra với chỉ số IQ cao nhất thế giới, dù các kỳ thi có được tổ chức nghiêm túc nhất thế giới thì cũng không thể có “nhân tài thật” nếu từ bé đến lớn đứa trẻ không nhận được sự dạy dỗ của gia đình và các thày cô.
Ngạc nhiên vì một vị giáo sư (tức là một nhà giáo) lại vô tư khẳng định chỉ cần “học thật, thi thật” (Giáo sư Thêm gọi là “học trung thực”) là có thể “góp phần quan trọng bảo đảm tính hiệu quả của giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục”.
Bao nhiêu vị đang đứng trên đỉnh lâu đài khoa học nước nhà đã công bố các công trình nghiên cứu cấp quốc gia (kể cả chưa được nghiệm thu) và đã đủ cơ sở khẳng định, rằng không cần thiết phái gắn kết nhà giáo với việc chống lại “bệnh gian lận trong thi cử, nạn đạo văn”, cũng không cần phải chú ý vai trò của thày cô đến việc “bảo đảm tính hiệu quả của giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục”?
Căn cứ vào những gì giáo sư Thêm đề xuất, chỉ cần “học thật, thi thật” là có thể chữa lành hai căn bệnh kinh niên của giáo dục nước nhà là “bệnh gian lận trong thi cử” và “nạn đạo văn”!
Vậy thì vụ gian lận thi cử năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La khiến hàng loạt quan chức địa phương bị xử lý là do “học không thật” hay do “thi không thật”?
Vì sao lại lo lắng?
Lo lắng vì chuyện “khuyến nghị” nhưng lại kèm theo “giám sát” mà bà Nguyễn Thị Mai Hoa trao đổi với báo chí.
Theo quy định tại khoản 5, điều 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Luật số: 87/2015/QH13) thì: “Giám sát của Quốc hội bao gồm giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội”.
Mục C, khoản 1, điều 4, Luật số 87/2015/QH13 quy định:
“Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;…”.
Nếu chỉ mới là “khuyến nghị” thì người nghe có thể thực hiện hoặc không, tuy nhiên nếu Ủy ban của Quốc hội thực hiện quyền “giám sát việc tổ chức thực hiện” như quy định tại điều 4 Luật số 87/2015/QH13 nêu trên thì có nghĩa là “khuyến nghị” đó đã trở thành một văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan hành pháp bắt buộc phải thực hiện.
Nói cách khác, phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ buộc phải xây dựng “văn hóa học đường” theo định hướng mà bà Hoa đã nêu như trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, không nhắc gì đến vai trò của nhà giáo?
Vậy quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học; quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò”.
Phát biểu của Bộ trưởng Sơn về nội dung không có gì mới bởi đây là cách diễn đạt kiểu “cách mạng 4.0” những quan điểm giáo dục xưa, chẳng hạn:
“Không thay đố mày làm nên”;
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”;…
Điều đáng trân trọng là Bộ trưởng Sơn đã không né tránh, không ngại sự khác biệt quan điểm khi đưa ra ý kiến về dạy và học.
Người viết ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi ông cho rằng trong nhà trường – cũng tức là văn hóa học đường – hai đối tượng không thể tách rời là thày và trò, hai hoạt động dạy và học phải được quan tâm như nhau.
Không có nhà giáo hoặc không có học trò sẽ không tồn tại nhà trường, không tồn tại nền giáo dục và đương nhiên sẽ không có “Văn hóa học đường”.
Từ quan điểm của Bộ trưởng Sơn “hoạt động quan trọng nhất trong nhà trường là dạy và học…” phải chăng sẽ định hình nội hàm của văn hóa học đường là “Dạy thật, học thật, thi thật”?
Cần phải khẳng định “Nhân tài thật” không phải là thành tố tạo nên văn hóa học đường bởi nó là kết quả mà quá trình “Dạy thật, học thật, thi thật” mang lại. Nói cách khác, “nhân tài thật” là sản phẩm sinh ra từ “Văn hóa học đường thật”, “Văn hóa học đường giả cầy” không thể tạo nên “nhân tài thật”.
(Còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-gia-nha-giao-duc-ban-giai-phap-tao-dot-pha-ve-van-hoa-hoc-duong-2tlMxzpnR.html
[2] https://daibieunhandan.vn/tao-chuyen-dong-manh-me-ehycsh3xzb-66522
[3] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/gs-tran-ngoc-them-gia-doi-da-tham-nhap-sau-vao-van-hoa-hoc-duong-795148.html
NGUỒN: Theo Báo Giáo Dục Việt Nam
Link bài:Văn hoá…
https://giaoduc.net.vn/goc-