“Văn minh, hiện đại, nghĩa tình” – sao cứ phải “xóa sạch, giải tỏa trắng”?

Đoàn Khắc Xuyên/ Báo NĐTO
Như một nỗi ám ảnh, nhắc đến Thủ Thiêm là người ta nhớ đến câu “xóa sạch, giải tỏa trắng” đau đớn bật ra từ miệng những người dân bị giải tỏa, mất đất ở đây. Xây dựng đô thị mới, đồng ý. Nhưng sao cứ phải “xóa sạch, giải tỏa trắng” từ nhà dân tới đình, chùa, nhà thờ, tu viện? Tư duy đó ở đâu ra? Đằng sau nó là gì?
Ngày 15.5 vừa qua, nhà thờ Giáo hội Lutheran Trinity ở trung tâm Milwaukee bị cháy. Đó là ngôi nhà thờ cổ nhất Milwaukee (140 tuổi, xây năm 1878) và cổ thứ nhì của bang Wisconsin, do những cư dân di cư gốc Đức xây dựng nên. Nhà thờ không bị cháy rụi hoàn toàn nhưng cũng sẽ mất nhiều triệu đôla để sửa chữa, trùng tu. Nhiều người dân Milwaukee khóc tiếc nuối ngôi nhà thờ cổ, vì nó là một phần lịch sử của họ.
Caravanserai, nơi dừng chân cho các đoàn lạc đà trên con đường tơ lụa.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tôi có chuyến tham quan gần đây, trong tour du lịch có chương trình tham quan một caravanserai – dạng lữ quán lớn thường xây bên ngoài các đô thị, cạnh con đường tơ lụa Á-Âu xưa, dành cho các thương buôn và lạc đà, ngựa nghỉ qua đêm hoặc nghỉ ngơi chữa bệnh vài ba ngày trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Tôi đã đến thăm một caravanserai có tên là Sultanhani xây dựng từ thế kỷ XIII, nằm ở khoảng giữa thành phố Konya và Aksaray.

Đó là một kiến trúc to lớn xây bằng đá, có một sân trong rộng và một nhà nguyện đạo Hồi ở giữa, xung quanh là những căn phòng cho khách lữ hành. Ngoại trừ mặt tiền được trang trí khá đẹp thì kiến trúc bên trong không có gì đặc biệt, bởi chỉ là nơi ngủ qua đêm của người, ngựa, lạc đà. Nhưng di tích từ thế kỷ XIII đó vẫn được giữ gìn cẩn thận, bởi với người thời nay nó chính là lịch sử bằng vật thể, nó nói lên lịch sử giao thương qua vùng đất này từ nhiều thế kỷ trước. Mất nó, người dân Thổ Nhĩ Kỳ khó hình dung được cuộc sống tổ tiên xưa kia ra sao. Ở nhiều quốc gia Trung Đông và Nam Âu khác như Iran, Iraq, Syria, Kyrgystan, Palestine và Israel, Romania, kể cả Ấn Độ… người ta cũng bảo tồn những caravanserai như vậy.

Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia chưa văn minh hiện đại như nhiều nước châu Âu khác, nhưng chính quyền tỏ ra rất biết tôn trọng quá khứ và cố gắng bảo tồn vô số những di tích từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại, từ đế chế Byzantine đến Ottoman. Mà những di tích đó có khi chỉ còn là những đống đá, cột đá không còn nguyên vẹn chồng lên nhau như di tích thành Troy, bệnh viện thời cổ đại Asklepion, thành cổ Ephesus hay cái bể chứa nước mênh mông dưới lòng đất (Basilica Cistern) có nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho thành Istanbul cổ xưa cũng được giữ gìn, bảo quản cẩn thận và đưa vào phục vụ khách tham quan, hái ra tiền.

Một biển tuyên truyền cổ động ở quận 2. Nội dung tuyên truyền là vậy nhưng đối lập là cảnh đông đảo người dân ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như các dự án gần đó gần 20 năm qua phải lặn lội khiếu kiện đất đai ra tận Trung ương mà chưa được giải quyết. Ảnh minh hoạ.

Trong khi đó, ở TP.HCM, một thành phố mới hơn 300 năm lịch sử, không có nhiều di tích cổ xưa, vậy mà một tu viện và ngôi nhà thờ cổ gần 180 tuổi (xây năm 1864) trên bán đảo Thủ Thiêm, còn lâu đời hơn cả lịch sử nước Canada và già hơn nhà thờ Lutheran Trinity của Milwaukee vài chục năm, lại bị đe dọa đập bỏ để nhường chỗ cho cái mà người ta nói là đường và công viên bờ sông, hoặc nghe nói là một siêu thị nước ngoài nào đó. Mặc nhiều tiếng nói phản biện từ các chuyên gia bảo tồn, các nhà văn hóa và cư dân thành phố, người ta vẫn chưa có thông tin chắc chắn là cuối cùng nhà thờ và tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm có được giữ lại hay không.

Ngôi nhà thờ và tu viện thật ra không chỉ có giá trị tự thân mà còn mang giá trị là một cột mốc trong sự khai phá bán đảo bên kia sông Sài Gòn, cũng là một cột mốc trong sự phát triển của cả Sài Gòn. Xóa nó đi hoặc di dời nó qua chỗ khác là xóa bỏ một ký ức của thành phố.

Vậy nhưng có lúc, trong kế hoạch phát triển đô thị mới Thủ Thiêm, có vẻ như những cột mốc ký ức đó chẳng có tí giá trị nào. Nói đến Thủ Thiêm, người ta bị ấn tượng bởi những tuyên bố và hành vi thể hiện ý chí “xóa sạch, giải tỏa trắng” của chính quyền, với lý do để giao “đất sạch” cho nhà đầu tư.

Hoặc như tòa nhà Dinh Thượng Thơ hơn 150 năm tuổi, cũng là một dấu vết lịch sử của thành phố, cũng bị đề xuất đập bỏ với lý do không có tên trong danh mục bảo tồn, để thay vào đó là một khối nhà cao tầng xây mới hoàn toàn. Mất nó, người Sài Gòn cũng mất đi một phần ký ức của mình.

Tòa nhà Dinh Thượng Thơ hơn 150 tuổi cũng bị đề xuất đập bỏ với lý do không có tên trong danh mục bảo tồn. Ảnh: Quý Hòa.

Lại nhớ, mới đây khi những cây xà cừ xanh ngát, rợp bóng mát, từng che nắng cho người Sài Gòn suốt hàng thế kỷ trên đường Tôn Đức Thắng (trước đây là đường Cường Để) bị đốn hạ tận gốc, có ai đó đã tới đặt những bông hoa hồng trên mặt những gốc cây đỏ như máu còn lại, như một lời tưởng niệm đau đớn cho sự biến mất của một dấu vết kỷ niệm đã ăn sâu vào tâm trí người Sài Gòn cố cựu. Để xây cầu Thủ Thiêm 2, có nhất thiết phải đốn hạ những hàng cây cổ thụ đã gắn bó lâu đời với người dân thành phố như vậy không? Có giải pháp nào khác không? Ở nhiều thành phố trên thế giới, khi mở rộng đường sá, chỉnh trang đô thị, người ta vẫn cố hết sức không xóa sạch, không “giải tỏa trắng”những vết tích quá khứ. Người ta cố gắng dung nạp hài hòa cái cũ vào cái mới, tạo nên một chỉnh thể về mặt dấu mốc thời gian, dấu mốc phát triển cho đô thị.

Không biết từ bao giờ, chính quyền TP.HCM đề ra câu khẩu hiệu nghe có vẻ rất hợp lòng dân: xây dựng thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Văn minh, hiện đại có nhất thiết phải đi liền với “xóa sạch, giải tỏa trắng” để xây dựng mới từ con số không, dù rằng đó là ý muốn của nhà đầu tư vì như vậy dễ hơn cho họ, đỡ chi phí hơn cho họ? Và nghĩa tình ở đâu khi hàng ngàn hộ dân, trong đó có nhiều cư dân cố cựu, bỗng dưng mất đất, mất nhà, bị đẩy vào những chung cư “tái định cư, phục vụ giải tỏa” mà không ai muốn ở vì tách rời với môi trường sinh sống của họ, để rồi trên mảnh đất của chính họ mọc lên những biệt thự, những chung cư cao cấp phục vụ cho những người có tiền từ nơi khác đến ở?

Với tiền của nhà đầu tư, thành phố rồi sẽ có những tòa cao ốc hoành tráng, những siêu thị bề thế, nhưng thành phố lúc ấy sẽ không còn dĩ vãng, như một con người mất trí nhớ, như cái xác không hồn nếu những dấu tích quá khứ lần lượt bị xóa sạch.

Công lý, công bằng ở đâu, nói chi đến “nghĩa tình”?

Với tiền của nhà đầu tư, thành phố rồi sẽ có những tòa cao ốc hoành tráng, những siêu thị bề thế, nhưng thành phố lúc ấy sẽ không còn dĩ vãng, như một con người mất trí nhớ, như cái xác không hồn nếu những dấu tích quá khứ lần lượt bị xóa sạch. Lúc ấy, dẫu bao nhiêu tiền của nhà đầu tư cũng không thể “mua” được một dấu tích lịch sử một khi nó bị xóa bỏ.

Vậy nên, trong việc phát triển đô thị, cần thay tư duy “xóa sạch, giải tỏa trắng” bằng tư duy dung nạp cái cũ vào cái mới, cố gắng bảo tồn những gì có thể bảo tồn được, không phải chỉ cho hiện tại mà còn cho mai sau, cho các thế hệ tương lai. 

Nguồn:  Theo Báo Người Đô Thị online
Link bài: “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”…
(http://nguoidothi.net.vn/van-minh-hien-dai-nghia-tinh-sao-cu-phai-xoa-sach-giai-toa-trang-14245.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *