Vì chiến lược kinh tế cả nước, cần đầu tư mạnh mẽ cho Thành phố HCM

Trần Quí Thanh

TP.HCM cần tăng ngân sách giữ lại để bảo đảm triển khai các dự án đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, giải quyết nạn kẹt xe. Ảnh: Hoàng Triều, lời bình Báo Người Đô Thị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, tỉ lệ điều tiết ngân sách 18% là thấp nhất thế giới. Ông đưa ra so sánh, tỉ lệ ngân sách giữ lại thấp nhất là Tokyo của Nhật Bản với 30%, cao nhất là 60% thuộc về một thành phố của Na Uy. Cho nên, TPHCM nghiên cứu đề xuất Trung ương điều chỉnh lên 33%.

TPHCM được gọi là đầu tàu kinh tế của cả nước, đây là thực tế của mấy chục năm qua, chứng minh cụ thể là thành phố này đóng góp ngân sách cao nhất.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu đóng góp cho ngân sách để phụ giúp Trung ương lo cho cả nước thì cũng phải để cho thành phố có nguồn lực lo cho 10 triệu dân của mình. Chưa kể, dân nhập cư ngày càng nhiều, thành phố cũng phải gánh hết.

Cơ sở hạ tầng phải được nâng cấp hoặc xây dựng mới đáp ứng các điều kiện giao thông đô thị hiện dại, chăm lo an sinh xã hội, bảo vệ người dân an ninh, an toàn. Hàng trăm nghìn việc ở một thành phố lớn, không đủ tiền thì không hoàn thành tốt nhiệm vụ.

TPHCM là đầu tàu kinh tế, thì phải đầu tư để nâng cấp đầu tàu, đủ sức kéo cả đoàn tàu chạy nhanh, không để lạc hậu. Các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại thành phố là do môi trường làm ăn tốt, có hiệu quả. Muốn nâng cao chất lượng của bộ máy hành chính, tạo ra môi trường ngày càng lành mạnh, hiện đại, thì phải có nguồn lực vè tài chính. TPHCM càng giàu thì đầu tàu càng mạnh, càng làm đúng chức năng kéo cả đoàn tàu kinh tế quốc gia. Nói khác đi, Vì chiến lược kinh tế cả nước, cần đầu tư mạn mẽ cho Thành phố HCM.

Cho nên, nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất Trung ương điều chỉnh cho TPHCM giữ lại ngân sách từ 18% lên 33% theo lộ trình.

Ở đây, nếu có ý kiến phản biện nâng mức giữ ngân sách của TPHCM, thì cũng chỉ vì lý do phải điều tiết ngân sách vì còn có nhiều địa phương quá nghèo, đa số nhận hỗ trợ từ Trung ương. Nếu không thu từ TPHCM và các địa phương giàu, thì lấy đâu ra tiền để bù cho nơi nghèo.

Ý kiến này là đúng, nhưng đúng hơn là tạo điều kiện, chính sách để các địa phương đang cậy nhờ ngân sách Trung ương phải tự lo được cho mình, đây mới là giải pháp ổn định, bền vững.

Thử hỏi, trong nhà đông con, nhưng chỉ có đôi ba đứa ăn ra làm nên, còn lại chỉ ngửa tay xin tiền ba mẹ, ba mẹ phải lấy tiền của mấy đứa khấm khá cho lại đứa nghèo, vậy thì gia đình ấy biết bao giờ ngóc đầu lên được.

Một quốc gia cũng vậy, nếu như các tỉnh, thành khác đều có khả năng nộp ngân sách, hoặc ít nhất tự nuôi được mình, thì gánh nặng đó không đặt lên Trung ương, và Trung ương cũng không đặt lên vai của các địa phương có nguồn thu lớn như TPHCM.

Sài Gòn ngày 10/12/2019

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *