Hiếm có cuộc hôn nhân nào toàn bích, cũng ít khi nào gặp được người đúng như mơ. Cuộc sống chung đôi khi đảo lộn tất cả, mọi sự không như mong ước ban đầu.
Khi sự mệt mỏi tăng lên và sức chịu đựng kiệt dần, đối phương không còn sức hút nữa thì một trong hai người thế nào cũng có người mơ màng nhìn ra bên ngoài. Địa ngục trần gian hé mở. Những phi lý và câu hỏi tại sao ta phải chịu đựng sự vô lý cứ lớn dần.
“Ô hay, con người hôm qua ta yêu thương, đã có phút tưởng sống chết đến hết cuộc đời, sao hôm nay chịu không nổi, khó chấp nhận đến thế?”.
Chiến tranh lạnh, rồi chiến tranh nóng xảy ra liên miên. Người ta có thể bỏ đi mà không cần quan tâm đến tài sản chung, chỉ mang theo hai chữ: tự do.
Hãy tin đi, người đàn bà ra đi chỉ cần con cái và một khả năng tự lập phi thường, cho dù phải mang hết tuổi xuân còn lại để gánh sự cô độc. Còn người đàn ông trước khi quay lưng, họ đã chuẩn bị sẵn cho mình một bến đậu mới.
Với họ, ai cũng có thể sống chung được, miễn là người đàn bà đó biết nghe lời và chiều chuộng họ, không như phụ nữ đi thêm bước nữa, khi cần tìm chồng cho mình, họ phải tính đến phương án tìm cha cho cả con mình. Ít ra, anh ta phải có nhiều đức tính vượt trội người cũ.
Biết bao người sau khi tái hôn, nhìn ngược lại mái nhà xưa cứ thấy bùi ngùi, luyến tiếc. Đau lắm chứ, liệu ta lại nhầm, bước thụt hố sâu hơn, số phận nào đâu biết được. Tránh sao được mê cung khi người mới đến hiểu thế nào là trái đắng mà kẻ “cũ người mới ta” đã từng vấp phải.
Họ khuấy đường vào cốc tình yêu ngọt ngào hơn, đậm đặc hơn và khi chiếm được, trọn vẹn nhau, cùng một nhà thì những gì thật nhất không cần giữ kẽ nữa.
Đàn bà ai chẳng ghen tuông, giận hờn, trách móc, ai chẳng muốn chồng đi thẳng về nhà khi tan sở, ai chẳng ấm ức ngó nghiêng khi chồng lén nghe điện thoại, nhắn tin… Tất cả bắt đầu từ cái tôi của mỗi người lại nổi lên nhanh chóng. Những cố tật xưa cũ trở lại, sao thay đổi được tính người. Chẳng thế mà có những người đàn ông đã qua ba đời vợ vẫn không yên. Tiếng thở dài và sự bất mãn kéo theo suốt đời họ.
Con cái càng nhiều dòng, cuộc đời càng khốn khó. Thiếu gì người đàn ông cuối đời họ vẫn cô độc, mặc dù nhiều vợ, đông con. Đơn giản khi phụ vợ, họ để con cái sinh ra tự bơi theo kiểu “đời cua, cua máy; đời cáy, cáy mò”. Nhà cửa tan rồi, trong lòng chỉ còn hận thù, cay đắng. Cha hay mẹ không đủ trách nhiệm và tình thương để gói ghém bao dung thì kể như mất cả máu mủ, tình thâm.
Chẳng phải cuộc ra đi nào cũng không tìm được hạnh phúc mới. Có nhiều người sau đổ vỡ, lập gia đình mới vẫn ổn và hạnh phúc. Đó là họ may mắn gặp được người rộng lòng, yêu thương, sống có trách nhiệm.
Tồn tại được gia đình mới phải biết rút ra cả những điều không nên, không phải của mình với người trước, ráng sao ôn hòa với người sau. Điều đó đâu mới mẻ gì. Bao người khi có gia đình khác, gặp lại người cũ chẳng đã thốt lên: “Giá như anh, giá như em lúc đó… thì đã không đến nỗi tan đàn sẻ nghé”.
Sự hối tiếc nghe thật buồn, nhưng cuộc đời đi xa lắm rồi, sao quay lại được nữa. Sự ân hận có khi phải từng trải, trả giá hết cuộc đời mới nhận ra vỏn vẹn chỉ một điều đơn giản: sống chung muốn bền thì phải đặt hai chữ “vì nhau” lên đầu, dẹp cái tôi xuống thật thấp.
Sống với ai cũng thế thôi. Cứ giữ khư khư cái tôi và một mất một còn với người kia thì chuyện nhỏ cũng thành chuyện lớn.
Con người ta đi qua cái ngang trái của chính mình mới khó. Nhà nào mà chẳng có chuyện nọ chuyện kia. Giữ chặt nhau trong nhiều năm tháng có khi buông nhau ra chỉ vì mâu thuẫn không đáng có. Lập lại gia đình mới cũng thế thôi, mọi chuyện cũng bắt đầu từ cha mẹ, con cái. Biết giữ thì còn, không giữ thì mất. Mưu sinh khắp chân trời góc biển cũng cho vợ, cho con, mình cũng hưởng. Vậy tại sao cứ cố đạp nhau mà đi, chỉ vì những chuyện sinh hoạt đời thường? Tính cách riêng là một điều khó sửa, rơi vào đụng độ, mâu thuẫn này thì khó sống nhất.
Hoặc một người phải chịu suốt đời, hoặc bên kia phá cho tan hoang. Xấu nết để tan gia đình thì đừng hy vọng khi mình lập gia đình mới sẽ khá hơn. Nhìn ra ngoài xã hội thấy sự xấu nết của vợ hay chồng đều đẩy vào bi kịch thảm khốc.
Nếu một bên có cùng cực, buộc phải ra đi thì hãy nghĩ rằng sự ra đi của mình là để cứu gia đình, vì các con, có như vậy mới hành xử tử tế.
Trước một án ly hôn, giá như mỗi người nhìn lại mình một chút, thay vì chỉ chăm chăm bươi móc tội lỗi người kia mang ra tòa kéo co và tự hỏi bản thân: nếu có một gia đình khác, liệu mình có lặp lại chính sai lầm của mình không? Hiểu được như vậy chắc hẳn sẽ có nhiều cuộc hòa giải thành công. Bỏ vợ hay chồng để lao vào một cuộc tình khác, nhiều khi cũng chẳng thay đổi gì, có khi còn khốn khổ hơn không biết chừng.
Thiếu gì người đàn ông cuối đời họ vẫn cô độc, mặc dù nhiều vợ, đông con. Đơn giản khi phụ vợ, họ để con cái sinh ra tự bơi theo kiểu “đời cua, cua máy; đời cáy, cáy mò”. Nhà cửa tan rồi, thế nào trong lòng chỉ còn hận thù, cay đắng. Cha hay mẹ không đủ trách nhiệm và tình thương để gói ghém bao dung thì kể như mất cả máu mủ, tình thâm.