Vì sao Hội An quyết thu phí tất cả du khách vào phố cổ?

Đắc Thành / VNExpress


Chỉ hơn 40% du khách vào phố cổ Hội An mua vé, gây thất thoát, trong khi chi phí cho trùng tu, con người lớn nên thành phố làm chặt việc bán vé.

Trước phương án từ ngày 15/5 tất cả du khách phải mua vé vào tham phố cổ, Chủ tịch TP Hội An, Nguyễn Văn Sơn, cho biết sau dịch Covid-19, khách rất đông, đặc biệt là người nước ngoài. Mỗi ngày có khoảng 15.000 người khiến phố cổ quá tải. Hầu hết khách nước ngoài mua vé, nhưng nhiều khách nội địa thì không. Người nước ngoài nói rằng đường phố quá đông, không thể chiêm ngưỡng được cảnh quan khu phố.

View Post

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An. Ảnh: Đắc Thành
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An. Ảnh: Đắc Thành

Theo thống kê từ UBND TP Hội An, năm 2019 thành phố thu 295 tỷ đồng. Ba năm tiếp theo từ 2020 đến 2022 do ảnh hưởng của Covid-19, nguồn thu giảm, chỉ còn lần lượt 44,3 tỷ đồng, 1,45 tỷ đồng và 32,1 tỷ đồng. 90% nguồn thu từ bán vé là của du khách nước ngoài. Tỷ lệ khách mua vé chỉ chiếm khoảng 40% tổng lượng khách vào phố cổ.

Nguồn thu được thành phố sử dụng cho công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị khu phố, đầu tư các sản phẩm văn hóa nghệ thuật và đảm bảo an ninh trật tự, chỉnh trang mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều năm qua, tình trạng thất thoát vé khiến doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiếu kinh phí. Việc áp dụng mua vé bắt buộc sẽ phần nào giải quyết được vấn đề này.

“Năm 2022, doanh thu dành hết cho trùng tu phố cổ, nạo vét sông Hoài, phòng cháy chữa cháy và chi cho lực lượng đảm bảo trật, hướng dẫn tham quan. Thành phố không lấy tiền từ bán vé chi cho việc khác”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, mức giá 80.000 đồng khách trong nước và 120.000 khách nước ngoài là mức thu khiêm tốn so với vịnh Hạ Long (200.000 đến 250.000 đồng), lăng tẩm và Đại nội Huế (150.000 đến 200.000 đồng), Thánh địa Mỹ Sơn (100.000 – khách trong nước và 150.000 đồng – khách nước ngoài.

Hội An là di sản sống nên việc quản lý vất vả hơn các di sản khác. “Vịnh Hạ Long trời cho như vậy rồi, không tốn một công sức đầu tư nhiều. Hay như Thánh địa Mỹ Sơn, các di tích ở Huế chỉ việc đóng cửa là bán vé, trong khi đó Hội An để bán một cái vé thì rất nhiều lực lượng quản lý nên cần tiền để chi”, ông Sơn nói.

Du khách đến Hội An chỉ có 40% mua vé, còn lại tham quan miễn phí. Ảnh: Đắc Thành
Hội An trong lễ hội khinh khí cầu năm 2022. Ảnh: Đắc Thành

Một lý do khác là một số công ty du lịch không đưa việc mua vé tham quan vào chương trình, cắt giảm quyền lợi của du khách, chất lượng chương trình tham quan không đảm bảo, khách không được nghe giới thiệu, tìm hiểu giá trị lịch sử văn hóa. Điều này cũng tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp lữ hành. Hiện đơn vị lữ hành nào làm đúng quy định sẽ thiệt thòi so với những đơn vị chuyên dẫn khách “chui”.

Ông Sơn cho hay thời gian qua, Hội An đang bị một số website và báo chí nước ngoài coi là “điểm đến rẻ tiền”. Điều này “rất nguy hiểm” bởi khi đó, hình ảnh Hội An trở nên xuống cấp. “Mục đích của Hội An là để các đơn vị lữ hành không biến phố cổ thành điểm đến miễn phí, chứ không phải là chuyện tăng cường kiểm soát”, ông nói và cho hay nếu để xô bồ như hiện nay thì một lúc nào đó, Hội An sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Để giữ hình ảnh, Hội An sẽ đầu tư rất nhiều, tập trung cải tạo hạ tầng, tất cả công trình vệ sinh, nạo vét sông Hoài bị bồi lấp, làm cầu gỗ từ Lê Lợi qua An Hội vì cầu An Hội quá tải. Thành phố cũng sẽ tiến hành sắp xếp cảnh quan, trật tự tránh cảnh cò mồi ép giá, tăng giá.

“Chúng tôi làm để giữ hình ảnh Hội An không phải là một di sản thả xô bồ như hiện nay, ai vào cũng được, ai thích mua vé thì mua, không thích thì thôi”, ông Sơn nói.

Trung tâm phố cổ Hội An ken kín người lúc chấp tối đến 21 giờ. Ảnh: Đắc Thành
Trung tâm phố cổ Hội An luôn trong tình trạng ken kín người lúc chập tối đến 21h. Ảnh: Đắc Thành

Nói về phương án, ông Sơn cho hay sẽ bán vé theo luồng. Đây là việc tổ chức lại cho hợp lý để tránh du khách và người vào giao dịch buôn bán đi cùng một lối dẫn tới xô bồ. Từ nay đến ngày 15/5, thành phố sẽ làm từng bước, họp với các đơn vị lữ hành, lắng nghe ý kiến của họ. Sau đó, Hội An sẽ tiếp xúc người dân để lấy ý kiến, nghe họ hiến kế, tư vấn thêm. Người dân hoặc người vào khu phố cổ buôn bán, quan hệ làm ăn, thăm thân thì linh động.

Lãnh đạo TP Hội An cho hay quá trình thực hiện nếu phát sinh vấn đề sẽ điều chỉnh dần, chứ không “thả”. Ông cũng cho biết sẽ áp dụng chuyển đối số để nhận diện người có nhu cầu tham quan và không. “Cách làm của Hội An ban đầu sẽ nhẹ nhàng, không có chuyện dựng barie, đưa công an ra giữ. Hiện dư luận đang hiểu một cách nặng nề là không đúng”, ông Sơn nói thêm.

Nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-hoi-an-quyet-thu-phi-tat-ca-du-khach-vao-pho-co-4590237.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *