Nguyễn Phương/ Kinh Tế & Đô Thị
Kinhtedothi – Theo khảo sát của Oliver Wyman, người dân Trung Quốc nói rằng họ cảm thấy cuộc sống của mình ngày càng bị áp lực do giá cả tăng cao dù mức lạm phát của nước này đang ở mức thấp hơn nhiều so với Mỹ và một số nước khác.
Theo đài CNBC, kết quả khảo sát được Công ty tư vấn Oliver Wyman thực hiện và công bố trong tháng cho thấy, trong tháng 7, khoảng 83% trong số hơn 900 người được phỏng vấn ở Trung Quốc cho biết họ cảm thấy tác động của lạm phát đối với cuộc sống của mình, vốn đã tăng từ 69% vào tháng 11/2021.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 7 ghi nhận mức cao nhất trong 2 năm gần đây khi tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do đà nhảy vọt của giá thịt lợn. CPI của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ giảm nhẹ trong tháng 8 với mức tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với nền kinh tế lớn nhất thế giới khi vừa ghi nhận mức CPI trong tháng 8 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo được Cục thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/9 cho thấy chi phí thực phẩm và chỗ ở tăng mặc dù giá xăng hạ nhiệt.
Để so sánh, cuộc khảo sát của Oliver Wyman với hơn 1.200 người Mỹ vào tháng 7 cho thấy 92% nói rằng họ cảm thấy tác động chứ không bị sức ép của lạm phát đối với cuộc sống hàng ngày như người Trung Quốc, tăng từ mức 79% người được hỏi trong cuộc khảo sát vào tháng 11/2021. Điều đó vẫn cho thấy tác động của lạm phát tại Mỹ lớn hơn ở Trung Quốc.
Điều quan trọng cần lưu ý là các cuộc khảo sát thường đo lường tâm lý và không nhất thiết phải là dựa vào chỉ số giá tiêu dùng, ông Ben Simpfendorfer – đối tác của công ty tư vấn Oliver Wyman có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết.
Ông Simpfendorfer cảnh báo rằng, tâm lý lo ngại của người dân Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng không chỉ bởi sự tăng giá thực tế mà còn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo kết quả khảo sát của Oliver Wyman, hơn 50% số người được hỏi ở Trung Quốc nói rằng do khả năng suy thoái kinh tế có thể xảy ra nên họ đã ít đi ra ngoài để mua sắm và giải trí hơn, cũng như chuyển sang lựa chọn các thương hiệu và dịch vụ rẻ hơn.
Quan ngại về việc làm, tiền thuê nhà
Tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế đã gia tăng trên khắp thế giới. Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 7 tuyên bố họ vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh trên thế giới trong năm nay, nhưng tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này đang trên đà giảm mạnh so với năm ngoái.
Theo khảo sát của Oliver Wyman, gần một phần ba số người được hỏi ở Trung Quốc bày tỏ lo lắng về an ninh việc làm do lạm phát, so với 13% ở Mỹ. Công ty cho biết nghiên cứu chủ yếu bao gồm những người sống ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc.
Khoảng 20% người tham gia cuộc khảo sát nói rằng họ lo ngại về tác động của lạm phát đối với khả năng chi trả tiền thuê nhà hoặc các khoản thế chấp của họ, trong khi khoảng 40% lo lắng về khả năng thanh toán với hàng hóa thiết yếu.
Theo một cuộc khảo sát chính thức hồi tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp ở những người trẻ tuổi từ 16-24 của Trung Quốc đã tăng lên gần 20%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của những người trưởng thành đang đi làm ở các thành phố là khoảng 5,4%.
Người Trung Quốc chi tiêu dè sẻn hơn
Theo khảo sát của Oliver Wyman, người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ cảm thấy giá xăng có mức tăng đáng chú ý nhất kể từ đầu năm, tiếp theo là thiết bị gia dụng và sửa chữa nhà cửa.
Khi được hỏi họ có thể trì hoãn việc mua loại hàng hóa nào do áp lực lạm phát, những người được hỏi đề cập đến ô tô nhiều nhất, tiếp theo là du lịch giải trí, báo cáo cho biết.
Việc “thắt lưng buộc bụng” của người dân khiến triển vọng tăng trưởng của lĩnh vực tiêu dùng Trung Quốc ngày càng trở nên mờ nhạt hơn.
“Chính sách zero-Covid của Trung Quốc là một phần giúp giảm phát, hỗ trợ sản xuất, song nó cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng” – nhà kinh tế trưởng Larry Hu của Macquarie cho biết trong một báo cáo ngày 9/9.
Chuyên gia Hu lưu ý thêm rằng loại trừ thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc chỉ tăng 0,8% trong tháng 8. “Thông điệp khá rõ ràng đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc: Không phải lạm phát, chính giảm phát mới là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế nước này trong thời điểm hiện tại”.
Những người Trung Quốc trả lời cuộc khảo sát của Oliver Wyman tương đối lạc quan rằng nền kinh tế sẽ được cải thiện. Hơn một nửa cho biết họ kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ có thể giải quyết lạm phát trong những tháng tới, trong khi 23% nói rằng họ không nghĩ như vậy.
Điều này trái ngược với gần một nửa số người được hỏi tại Mỹ nói rằng họ không tin rằng chính phủ có thể giải quyết được lạm phát trong 6-8 tháng tới, theo báo cáo của Oliver Wyman.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-nguoi-trung-quoc-cam-nhan-ap-luc-tu-lam-phat-nhieu-hon-nguoi-my.html