Vì sao ta lo lắng thái quá trước dịch bệnh?

Tịnh Anh/ Báo Tuổi Trẻ
Một phụ nữ đeo khẩu trang khi đi mua đồ ở một khu chợ tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 6-2 – Ảnh: CNN/GETTY
—–

Sợ hãi trước một dịch bệnh là chuyện đương nhiên, nhưng nguyên nhân của các phản ứng thái quá – tin vào mọi lời đồn dù là vô lý nhất hay đổ xô đi mua thuốc men, khẩu trang – là gì?

Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), nhiều người có xu hướng phản ứng thái quá trước các nguy cơ dịch bệnh, khủng bố, ngay cả khi bản thân họ không có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong khi lại lơ là trước các mối đe dọa có thể thực sự gây nguy hiểm cho họ hơn. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra những mối đe dọa mới mẻ và xa lạ như Ebola hay cúm gia cầm làm tăng cảm giác bất an nhiều hơn so với các nguy cơ “quen thuộc”. Phản ứng này có thể liên quan đến hạch hạnh nhân (amygdala) bên trong thùy thái dương của não, vốn đóng vai trò thiết yếu trong việc nhận biết cái cũ – mới và phản ứng cảm xúc (sợ hãi, lo lắng hay giận dữ).

Con người cũng có xu hướng đánh giá thấp các nguy cơ quen thuộc. Trong mùa cúm gần nhất (từ tháng 10-2019 đến tháng 1-2020) ở Mỹ, có 19-26 triệu người nhiễm bệnh và 10.000-25.000 ca tử vong, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). 

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ vẫn lơ là trước việc đi chích ngừa cúm, khác với cảm giác cuống lên khi có các dịch “cúm lạ”, do lẽ “đa số ai cũng từng hoặc có biết người bị cúm sau đó khỏi bệnh” nên không có gì phải làm quá lên.

Ngoài ra, theo APA, các chứng bệnh nghe thì quen thuộc nhưng bản thân chúng ta chưa từng kinh qua cũng không gây phản ứng thái quá bằng các nguy cơ hoàn toàn mới. 

“Chúng ta đã trải qua vài thế hệ gần như không còn bệnh ho gà và thủy đậu, vì thế xã hội không thấy được nguy cơ – Barbara Reynolds, giám đốc phụ trách các vấn đề công chúng của CDC, giải thích – Thật khó để bắt phụ huynh hành động để bảo vệ con em trước một mối nguy vô hình với họ”.

Thái độ trước nguy cơ dịch bệnh là thế, vậy khi cần phải thay đổi thói quen, hành vi để ngăn bệnh lây lan, mức độ sẵn lòng của con người ra sao? Theo bài viết “Tâm lý học của dịch bệnh” trên website của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng 8-2018, tính bất định của vấn đề sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định cuối cùng được đưa ra.

Trong giai đoạn đầu mỗi khi có dịch, các cơ quan chức năng thường khuyến khích mỗi cá nhân có các hành động như đi tiêm ngừa hay bỏ kế hoạch du lịch vì lợi ích cộng đồng. Song nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người ta có xu hướng không sẵn lòng hi sinh vì người khác khi lợi ích của việc đó là không chắc chắn. 

Cụ thể, người ta sẽ không sẵn sàng dành thời gian đến bệnh viện kiểm tra (nếu nghi ngờ có triệu chứng) hoặc hủy bỏ chuyến du lịch đã lên kế hoạch vì yếu tố bất định: không có gì bảo đảm làm thế sẽ giúp ngăn dịch bệnh lây lan. Chính điều này lại tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự lây nhiễm của dịch bệnh.

Nghiên cứu của WEF cũng cho thấy khi phải ra quyết định có khả năng gây hại cho người khác, con người có khuynh hướng xử sự như thể mọi thứ rồi cũng ổn. 

Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát, hỏi những người tham gia liệu khi mắc một loại bệnh không có thật là “cúm châu Phi” thì họ có sẵn sàng nghỉ làm ở nhà để tránh lây cho đồng nghiệp hay không. Nhóm nghiên cứu cũng “cài” yếu tố bất định bằng cách lưu ý những người tham gia rằng nếu có đi làm thì chưa chắc họ sẽ lây bệnh cho người khác. Điều này khiến nhiều người cho biết sẽ không sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân của mình mà ngồi nhà khi có bệnh.

“Như kết quả của các nghiên cứu trước đó, những người tham gia cho biết sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà mặc kệ nguy cơ có thể gây hại cho người khác, nếu mối nguy đó không chắc sẽ xảy ra” – nghiên cứu kết luận.

NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ online
Link bài: Vì sao ta lo lắng….
(https://tuoitre.vn/vi-sao-ta-lo-lang-thai-qua-truoc-dich-benh-20200207175019571.htm)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *