Vì sao thanh thiếu niên ngày nay thường thấy cô đơn, họ nên làm gì?

Eugene BeresinGS tâm thần học ĐH Harvard,

Thúy Anh biên dịch/ Báo Tri Thức VN

Trái với suy nghĩ của hầu hết mọi người, ngày càng có nhiều cuộc khảo sát cho thấy lứa tuổi thanh thiếu niên ngày nay cảm thấy cô đơn hơn các nhóm tuổi khác, thậm chí hơn cả người ở tuổi trung niên trở lên. Nghe có vẻ vô lý khi mà trẻ vị thành niên còn ở độ tuổi đến trường, được chơi thể thao, có rất nhiều bạn bè, và được bảo bọc trong tình thương gia đình.

(Ảnh: maxpixel)

BBC đã thực hiện một cuộc khảo sát 55.000 người trên thế giới, và kết quả cho thấy 4 trên 10 bạn trẻ ở độ tuổi từ 16-24 khá cô đơn, các bạn tự miêu tả bản thân mình bằng các từ như: không được cảm thông (điều rất lạ ở tuổi này), hay buồn, nỗi sợ bị bỏ lỡ (hay còn gọi là FOMO), không có người để chia sẻ, cảm thấy bị tách biệt.

Điều đáng lo ngại là các nghiên cứu cho thấy những hậu quả về tâm lý và thể lý mà chứng cô đơn gây ra, gồm:

  • Bất ổn về cảm xúc: căng thẳng và nguy cơ tự tử cao.
  • Giấc ngủ kém chất lượng và những hậu quả của việc thiếu ngủ: nhận thức giảm, thiếu tập trung, chai lì cảm xúc, giảm năng suất.
  • Mất khả năng tự chủ: ăn uống quá độ, uống nhiều rượu bia, hút thuốc, sử dụng chất kích thích độc hại để xoa dịu cảm giác cô độc. Những điều trên gây ra hậu quả về mặt thể chất như béo phì, mỡ máu cao, và những hậu quả từ việc hút thuốc (như: huyết áp cao, nguy cơ mắc bệnh ung thư), và gây nghiện (khi dùng chất kích thích).
  • Rủi ro cao về thể chất: hệ miễn dịch suy giảm, dẫn đến việc dễ bị nhiễm các loại virus, nhiễm trùng, viêm nhiễm.

Vậy nguyên nhân gây ra chứng cô đơn ở các bạn trẻ là gì?

Sự cô đơn đến từ đâu? Theo nghiên cứu y khoa và tâm lý học, có 3 nguyên nhân gây ra sự cô đơn ở tất cả các độ tuổi.

  1. Mất đi người thân yêu hoặc người quan trọng – ai đó qua đời hoặc chia tay, mất việc, hoặc phải xa trường lớp, đồng nghiệp, công việc hoặc đồng đội.
  2. Cảm giác lạc loài, không có mối liên kết với bạn bè, gia đình hoặc cộng đồng. Song hành với nó là cảm giác về lòng tự trọng thấp (low self-esteem), bản thân mất giá trị hoặc cảm thấy không được mọi người thừa nhận.
  3. Nguyên nhân cuối cùng cũng là nguyên nhân quan trọng nhất. Cô đơn không nhất thiết là một mình. Mà là cảm giác cô độc ngay cả khi ở cạnh người khác. Cô đơn là trải nghiệm mang tính nhận thức và cá nhân; là cảm giác tách biệt, xa lánh và cô lập.

Có lẽ thanh thiếu niên dễ có cảm giác này bởi đây là giai đoạn phát triển đặc thù, họ đang trong quá trình hình thành cá tính riêng, tìm kiếm giá trị bản thân và nơi dành cho họ trong thế giới này. Đây là giai đoạn căng thẳng và rối rắm trong cuộc sống, với đầy những kịch tính, mất mát và thay đổi trong các mối quan hệ.

Các bạn trẻ thường chưa có đủ kỹ năng để ứng phó với những tình huống thách thức như vậy, ví dụ như phải chịu đựng cảm giác cô độc. Trí não các bạn trẻ phát triển chưa đủ lớn để có thể kìm hãm cảm xúc của mình, chưa đủ để có thể sử dụng khả năng lý trí để kìm chế cảm xúc, phản ứng cũng như sự bốc đồng của mình. Chính những điều này khiến FOMO (nỗi sợ bị bỏ lỡ sự kiện/trải nghiệm) càng trở nên đáng sợ hơn.

Bên cạnh đó, BBC còn thấy rằng trong số các trẻ vị thành niên mang trong lòng sự cô đơn, sự thấu cảm của họ lại tăng lên. Vì vậy, với tất cả những thử thách được đề cập ở trên, trải nghiệm với nỗi cô đơn có thể khiến một người dễ đồng cảm, đặt mình vào vị trí của người khác hơn.

Các bạn trẻ có thể làm gì để chống lại sự cô đơn?

(Ảnh: Shutterstock)

Việc nhận ra xu hướng lớn mạnh của nỗi cô đơn trong một người là rất quan trọng. Nếu trong số những người bạn quen biết có thanh thiếu niên nào đang phải chống chọi với nỗi cô đơn, sau đây là vài mẹo bạn có thể chia sẻ để giúp họ biết cách bảo vệ bản thân mình, xua đi nỗi cô đơn.

1. Cởi mở hơn với mọi người

Giao tiếp, tạo sự kết nối với người khác là chìa khóa quan trọng. Bạn có thể tạo mối liên kết bằng cách tìm cơ hội giúp đỡ người khác khi họ cần, làm tình nguyện viên trong công tác phục vụ cộng đồng ở khu xóm, hoặc tham gia một tổ chức cộng đồng nào đó.

Niềm vui khi giao kết với những người chung quanh là giải pháp tốt và các hoạt động mang tính xã hội cũng kéo bạn ra khỏi trạng thái đơn độc. Chúng ta cũng biết rằng quá trình sản sinh oxytocin (hóc-môn hạnh phúc) trong não bộ là nhân tố lớn nhất tạo ra cảm giác gắn bó.

2. Tham gia vào nhóm những người cô đơn

Chia sẻ câu chuyện của riêng mình và được lắng nghe những chia sẻ từ người khác sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn hơn. Con người thường có phản hồi đầy cảm thông và xúc cảm trước những câu chuyện của người khác. Bởi vì các bạn thanh thiếu niên đang cảm thấy cô đơn sẽ biết thông cảm hơn, các mối tương tác qua lại này sẽ dễ gia tăng cảm xúc chung như được công nhận, nâng cao lòng tự trọng.

3. Nuôi thú cưng

Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc nuôi thú cưng đối với sức khỏe tinh thần. Tình cảm giữa người và thú cưng giúp giải phóng hóc-môn oxytocin. Đây là chất rất mạnh trong trí não, giúp xoa dịu những tổn thương tinh thần và duy trì mối liên kết với mọi người. Đó chính là lợi ích to lớn của việc nuôi thú cưng. Chăm sóc chúng là một trải nghiệm tuyệt vời.

4. Rèn luyện sự tự nhận thức

Cô đơn là những cảm giác cũng như nhận thức của riêng bạn. Nhiều người nghĩ rằng cuộc đời này vốn dĩ là như vậy. Nếu bạn nghĩ đó là số phận của mình, suy nghĩ này sẽ khiến bạn mất đi động lực để thay đổi – đó là “lời dự đoán trở thành sự thật” mà bạn dành cho chính mình.

Hãy nhớ rằng suy nghĩ không phải là thực tế. Vì vậy, khi hiểu rõ những suy nghĩ tiêu cực về nỗi cô đơn, bạn sẽ nhận ra tất cả là do suy nghĩ của chính bạn phóng đại lên mà thôi. Kiểu suy nghĩ như “Tôi chẳng có giá trị gì, không ai thích tôi cả”, hay “Không có chút hy vọng nào trong việc tạo mối liên kết với mọi người, họ thích giao kết với người khác” là những suy nghĩ được thổi phồng lên và sai lệch.

Trong việc tự nhận thức để thay đổi cảm xúc, điểm mấu chốt của là nhận biết được đâu là suy nghĩ méo mó sai lệch hoặc bị phóng đại, rồi sau đó thay đổi cách suy nghĩ của mình (bạn có thể nhờ tới chuyên gia tư vấn, sau đó tự mình thực hiện hoặc làm cùng người thân, bạn bè).

5. Tìm hiểu nguyên nhân vì sao bạn cảm thấy cố đơn

Sự cô đơn có thể xuất phát từ sự mất mát to lớn, do cảm thấy bị lạc lõng, hoặc do trạng thái tinh thần của bạn, thậm chí ngay cả trong mối quan hệ tình yêu đôi lứa.

Việc hiểu rằng cô đơn chỉ là cảm xúc cá nhân rất quan trọng. Không chỉ những ai chịu nỗi đau mất đi người thương yêu mới có cảm giác này, mà cả những người cảm thấy buồn cũng như vậy.

Nếu bạn thấy đơn độc ngay cả khi đang ở chung với một nhóm người, có lẽ vì trước đây không có nhiều người ở bên bạn, khuyến khích bạn kết giao với người khác, không có ai thông hiểu hoặc đồng cảm với bạn.

Khi tìm ra nguồn gốc của nỗi cô đơn, bạn sẽ có cách tháo gỡ. Đối với những vấn đề tâm lý quan trọng, chúng ta chỉ có thể giải quyết khi biết rõ nguyên nhân gốc rễ của chúng, rồi mới chọn ra được giải pháp phù hợp và tốt nhất.

6. Đắm mình trong nghệ thuật sáng tạo

Khi cảm thấy đơn độc, hoạt động nghệ thuật có thể giúp bạn giải tỏa.

Đọc một cuốn sách hay, xem một bộ phim hấp dẫn, thả mình vào âm nhạc hoặc vẽ đồ họa, đó là cách kéo suy nghĩ của chúng ta ra khỏi sự cô đơn và khiến tâm trạng tốt hơn. Nghệ thuật không chỉ là cách đánh lạc hướng mà còn là phương thức chữa lành hữu hiệu.

7. Tham gia câu lạc bộ, nhóm hoạt động

Con người cần có cộng đồng. Trí não chúng ta yêu thích sự kết nối, tương tác với cộng đồng. Các nhóm cộng đồng có thể được lập dựa trên điểm chung về tín ngưỡng, tâm linh, chính trị hay những yếu tố khác. Các nhóm này sẽ giúp chúng ta cảm nhận được mình là một phần của cái gì đó to lớn hơn.

Hãy chia sẻ những thông tin trên với các bạn trẻ mà bạn biết, đó là những thông tin rất hữu ích với bất kỳ người nào, bất kỳ độ tuổi nào. Cô đơn không phải là một cảm giác dễ chịu, vì thế cần có sự nỗ lực nhất định để vượt qua.

Với nỗ lực cá nhân và sự trợ giúp của những người chung quanh, có rất nhiều cách chúng ta có thể tìm được mối dây liên kết với cộng đồng và có được niềm hạnh phúc cho mình.

NGUỒN:  Theo Báo Tri thức Việt Nam

Link bài: Vì sao thanh thiếu niên…

(https://trithucvn.net/suc-khoe/vi-sao-thanh-thieu-nien-ngay-nay-thuong-thay-co-don-ho-nen-lam-gi.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *