Việt Nam thu hút các tập đoàn công nghệ lớn

VTV

Trong khi đó, các nỗ lực kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ linh hoạt của chính phủ cũng giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Đây là những nhận định trên báo chí quốc tế tuần qua.

“Việt Nam – thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư công nghệ” là tiêu đề bài viết trên tờ Laprensalatina. Tờ báo dẫn chứng hàng loạt các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Apple, Samsung, Google… đã mở rộng, dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Cùng chung nhận định này, tờ Rest of the World cho biết Việt Nam đã nhảy vọt để đón đầu làn sóng đầu tư sản xuất công nghệ, từ giảm thuế, cơ sở hạ tầng mới đến việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, cam kết về chuyển đổi xanh.

Ông Brian Lee Shun Rong – Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Đầu tư Maybank, Singapore nhận xét: “Cải cách đầu tư đã cải thiện đáng kể môi trường pháp lý, giảm thiểu các hạn chế với đầu tư. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành nước có ít hạn chế thứ 2 trong ASEAN, sau Singapore về Chỉ số hạn chế quản lý FDI của OECD. Môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn còn dư địa để cải thiện hơn nữa sự thuận lợi trong kinh doanh để bắt kịp các quốc gia khác trong khu vực nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài”.

Việt Nam thu hút các tập đoàn công nghệ lớn - Ảnh 1.

Việt Nam thu hút các tập đoàn công nghệ lớn. A Việt Nam là điểm đến chuyển dịch chuỗi cung ứng, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài về công nghệ cao. Ảnh minh họa.

“Ở Việt Nam, nhiều kỹ sư trẻ rất giỏi, được đào tạo rất bài bản. Họ là những nhân viên trung thành, những người sẵn sàng làm việc chăm chỉ cho các dự án của doanh nghiệp. Vì vậy tôi cho rằng lực lượng lao động là nguồn lực hàng đầu cho sự phát triển của ngành công nghiệp kỹ thuật số tại Việt Nam”, ông Benoit Tellier – quản lý kỹ thuật, Công ty Linagora, Pháp đánh giá.

Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì kiềm chế lạm phát và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế – nhận định từ tờ Asia Financial. Tờ báo nhấn mạnh, Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay với chính sách linh hoạt, thận trọng.

Ông Raymond Mallon – Nhà nghiên cứu kinh tế, Viện Chính sách Australia – Việt Nam (AVPI) nhận định: “Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã rất nghiêm túc. Và như bạn biết đấy, đến nay, lạm phát cơ bản được kiểm soát. Không thể nói Việt Nam không có áp lực lạm phát. Các lĩnh vực như năng lượng, vận tải có áp lực nhưng lĩnh vực thực phẩm, giáo dục, y tế, lạm phát được kiểm soát. Có những triển vọng tốt để tin rằng Việt Nam có thể kiềm chế lạm phát trong mục tiêu đã đề ra”.

Một số tờ báo khu vực như tờ thaipublica nhận định, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn khá hiệu quả; lạm phát thấp hơn nhiều nước, triển vọng tăng trưởng vẫn tích cực.

Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/viet-nam-thu-hut-cac-tap-doan-cong-nghe-lon-20221113090600616.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *