Vươn ra “biển lớn”: Lời giải nào cho doanh nghiệp Việt?

Gia Miêu/ Báo Lao Động

Toàn cảnh Hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” do Báo Thanh Niên tổ chức – Ảnh Khả Hoà (Báo Thanh niên)

—–

Một trong những điều chúng ta nhấn mạnh “biển lớn” không chỉ ra khỏi biên giới, mà hiện nay chúng ta gặp rất nhiều sự cạnh tranh. Nên không phải ra khỏi VIệt Nam mới là biển lớn mà ngay trong sân nhà cũng là biển lớn. Đó là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 2.4

Thực tế khảo sát của VCCI cho thấy, các lô hàng Việt xuất đi các nước mà VN có ký FTA, quốc gia mà VN được hưởng thuế quan nhiều nhất mức 80% là Hàn Quốc, dựa trên tổng số lô hàng mà DN xuất sang thị trường này. Còn các thị trường còn lại chỉ khoảng 20 – 40%. Như vậy, so với những cam kết trên giấy tờ, tỷ lệ chúng ta thực sự hưởng lợi từ các hiệp định thương mại rất thấp. Một điểm nữa là chính những thay đổi môi trường kinh doanh và thể chế pháp lý tạo cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế thực sự và bền vững chứ không phải những FTA như nói trên.

Trước câu hỏi “cảm nhận thế nào về đội ngũ doanh nghiệp Việt ngày nay, có còn là “đội thuyền thúng ra biển lớn” hay không ? Ông Trần Ngọc Liêm – Phó giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI), chi nhánh TP.HCM nêu quan điểm hội nhập sâu cần nhận diện lại về khái niệm biển lớn bao gồm ngay cả thị trường hơn 90 triệu dân Việt. Việt Nam là nước hội nhập kinh tế mạnh, độ mở của nền kinh tế rất lớn, xuất khẩu cao gấp 2 lần GDP. Thế nên, ngay trong sân nhà, nơi có nhiều doanh nghiệp sừng sỏ trên thị trường thế giới tham gia, doanh nghiệp trong nước vẫn đứng vững và thành công vượt trội là đã “bơi ra biển” rồi. Doanh nghiệp Việt cần khắc phục, hoàn thiện mình để đứng vững trên thị trường.

Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát  cho rằng: “Một trong những điều chúng ta nhấn mạnh “biển lớn” không chỉ ra khỏi biên giới, mà hiện nay chúng ta gặp rất nhiều sự cạnh tranh. Nên không phải ra khỏi Việt Nam mới là biển lớn mà ngay trong sân nhà cũng là biển lớn. Rất nhiều nhà đầu tư, DN có kinh nghiệm sừng sỏ muốn vào VN nên các DN trong nước cần phải cải tiến, hoàn thiện mình để có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường”, bà Phương nhấn mạnh.

Xây dựng niềm tin, hút dòng vốn ngoại

Một trong những vấn đề gây khó cho DN Việt trên con đường vươn ra biển lớn chính là khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Hệ thống ngân hàng của VN hoạt động ngày càng tốt, có nhiều sự đổi mới và duy trì độ ổn định cao nhưng tỷ lệ cấp vốn cho DN vừa và nhỏ chỉ 22%.

Không những vậy, các DN này còn phải cầm cố tài sản, cầm cố đủ thứ mới đủ điều kiện cấp vốn. Nhưng có tới 68% là DN siêu nhỏ thì tài sản đâu mà cầm cố? “DN nhỏ không lớn được là nguyên nhân khiến thị trường dần rơi vào tay các DN ngoại”, nhiều doanh nghiệp chia sẻ.

Câu chuyện tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại được nói đến nhiều trong thời gian qua đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh nguồn tín dụng từ ngân hàng đã không còn hào phóng. 

Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Công ty An Gia Investment chia sẻ, trải qua quá trình dài tích luỹ kinh nghiệm, năm 2014 An Gia trở thành nhà phát triển dự án BĐS và ra đời dự án đầu tay là The Garden.

Đây là dự án đầu tay nhưng được thị trường đón nhận, và cũng là dự án mang dấu ấn, tạo nền tảng cho An Gia phát triển. Từ bệ phóng này, An Gia mở rộng đầu tư và tiếp tục cho ra đời hàng loạt dự án như The Star, Riverside, Skyline, River Panorama và mới nhất là Sk89.

Trong quá trình phát triển, chúng tôi đã chọn được những đối tác và cộng sự tin cậy để cùng đồng hành. Tháng 7.2015, An Gia đã  ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện với Quỹ Đầu tư Creed Group của Nhật Bản. Nói về quá trình kêu gọi vốn với Creed Group đến từ Nhật Bản, nổi tiếng là có những tiêu chuẩn, khắt khe riêng, thì chúng tôi gói gọn trong bốn từ “xây dựng niềm tin”.

Đó là phải khiến đối tác tin tưởng, dựa trên sự hợp tác chân thành. Và một khi đã có được sự tin tưởng lẫn nhau, quá trình gọi vốn của An Gia cũng trở nên dễ dàng hơn. Và có một điểm đặc biệt là An Gia và Creed Group luôn tâm niệm, đó là chúng tôi luôn hướng đến sự hợp tác lâu dài, xây dựng một thương hiệu BĐS uy tín và hướng đến khách hàng làm trọng tâm, chứ không phải hoàn toàn dựa trên lợi nhuận.

Trong quá trình hợp tác với các đối tác nước ngoài, An Gia với một đơn vị BĐS với đội ngũ lãnh đạo tương đối trẻ, cũng gặp những thách thức và khó khăn nhất định. Có thể kể đến một số khác biệt về thông lệ kinh doanh giữa hai quốc gia, sự vận hành bộ máy công ty tương thích với đối tác trong quá trình hợp tác đòi hỏi An Gia phải luôn luôn đào tạo đội ngũ nhân viên theo hướng chuẩn quốc tế, quy trình làm việc chuẩn hoá để tương hỗ với đối tác.

Và kinh nghiệm lớn nhất khi chúng tôi làm việc với đối tác nước ngoài, mà cụ thể là Creed Group đó là luôn minh bạch và công khai thông tin, đây được coi là điều kiện tiên quyết để xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa hai bên. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng: “Bạn có thể thất bại và không thành công ở một vài dự án, tuy nhiên khi bạn chọn đúng đối tác và người đồng hành, chắc chắn trong tương lai, bạn sẽ đạt được thành công”, ông Tín chia sẻ.

Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, cho biết theo ước tính của Bain & Company – một công ty nghiên cứu về quản lý vốn trên thế giới, trong vòng từ 3 – 5 năm tới sẽ có khoảng 70 tỉ USD vốn đầu tư trên thế giới sẽ đổ vào thị trường Đông Nam Á. Có đến 90% nhà đầu tư trên thế giới xác định VN và Indonesia là 2 điểm đến quan trọng nhất. Trong đó, 70% số vốn đầu tư sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ hoặc giải pháp công nghệ sẽ làm thay đổi các hoạt động kinh doanh truyền thống.

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động online

Link bài: Vươn ra “biển lớn”: Lời giải nào…

(https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/vuon-ra-bien-lon-loi-giai-nao-cho-doanh-nghiep-viet-666592.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *