Mỹ Huyền/ Báo DNSG
Các bạn trẻ trao đổi chuyện làm ăn với tui luôn hỏi về chuyện vốn và gọi vốn. Đương nhiên chuyện này là quan trọng, vì đã nói tới làm ăn thì phải nói đến vốn, không có tiền thì làm ăn chi được.
Một bạn trẻ, mới khởi nghiệp, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, thì rất dễ thất bại trong một môi trường kinh doanh có độ sát thương rất cao. Và như các bạn biết, không đủ vốn để tổ chức hoạt đọng sản xuất kinh doanh là một trong những nguyên nhân thất bại khá phổ biến, và đó là lý do tại sao khoảng 90% start up Việt Nam thất bại.
Cho nên, để nuôi dưỡng được một start up, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, cho nên mới sinh ra một tổ chức tạm gọi là Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mỗi địa phương đều chú trọng xây dựng vườn ươm, cả nước cùng bắt tay vào để tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Có điều, chất lượng của vườn ươm thế nào thì mầm cây phát triển như thế đó.
Một start up non trẻ, xử lý nhiều thủ tục pháp lý, các hoạt động liên quan đến hành chính công, vườn ươm có thể giúp đỡ được. Hoặc start up cần kết nối với các cá nhân, tổ chức liên quan để phát triển doanh nghiệp, thì vườn ươm cũng đủ khả năng hỗ trợ. Nhưng khi cần đến nguồn vốn, thì lại là chuyện khó khăn hơn nhiều.
Để huy động được nguồn vốn, phải tiếp cận với các tổ chức tài chính khác nhau, trong đó có các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy thì, với một start up còn non trẻ, khả năng tiếp cận với các kênh đó không dễ dàng, vườn ươm thực sự mạnh là có khả năng hỗ trợ cho start up kết nối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Vườn ươm đúng nghĩa là ươm mầm nhân lực khởi nghiệp dứt khoát phải có năng lực về hỗ trợ vốn và gọi vốn.
Trần Quí Thanh
—–
Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là môi trường ươm mầm nhân lực khởi nghiệp, giúp họ hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh với cách hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí nhất. Tuy nhiên, để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển thành một startup thành công thì vườn ươm theo đó cũng phải nâng cao tiềm lực.
Nhiều startup tốn không ít thời gian để hoàn thiện ý tưởng kinh doanh vì phải tự mày mò từ ngày đầu để có đủ kiến thức phát triển sản phẩm mới. Khi tham gia vào vườn ươm khởi nghiệp, họ sẽ có người đồng hành cùng giải quyết được những vấn đề khó khăn không lường trước. Với tâm thế của một quốc gia khởi nghiệp, từ lâu Chính phủ đã dành cho hệ sinh thái khởi nghiệp nhiều phương tiện để có được nhiều startup dùng đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy. Các tỉnh, thành cũng hình thành nhiều vườn ươm khởi nghiệp do chính quyền, tư nhân và các vườn ươm nước ngoài thành lập nên đã giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trở nên sôi động chỉ trong vài năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Junam Lee – Giám đốc Trung tâm Hợp tác công nghệ thông tin Hàn Quốc tại TP.HCM, nhìn tổng thể, hoạt động của các vườn ươm ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn non trẻ. Thị trường vốn dành cho khởi nghiệp cũng chưa đủ khả năng đẩy mạnh hệ sinh thái này lên cao hơn.
Hạn chế vì thiếu vốn
Hiện nay, vốn ngoại là nguồn dồi dào nhất dành cho khởi nghiệp, nhưng nhiều startup chưa sẵn sàng. Ông Junam Lee nói: “Tôi nhận thấy các startup Việt Nam vẫn còn e ngại với môi trường quốc tế nên họ chưa thể mở rộng quy mô, cũng như số lượng startup có hạn cũng vì nguyên nhân này. Do đó, các vườn ươm nên giúp startup có tâm thế cởi mở và sẵn sàng để có thể đón nhận nguồn vốn quốc tế”.
Theo ông Junam Lee, startup Việt Nam chú trọng nhiều vào ngành nông nghiệp và ăn uống. Nếu muốn công cuộc khởi nghiệp phát triển mạnh và gây được tiếng vang thì Việt Nam rất cần ít nhất một vài trường hợp khởi nghiệp thành công mang tầm cỡ “kỳ lân”. Để đạt được điều đó thì trách nhiệm của các vườn là rất quan trọng.
Tương tự, bà Hoàng Thị Kim Dung – chuyên viên tư vấn đầu tư tại quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn rất non trẻ so với khu vực và thế giới. Do đó, vườn ươm khởi nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển startup. Tuy nhiên, để các startup đi ra từ các vườn ươm đảm bảo cả về chất và lượng thì các vườn ươm cần tăng cường kết nối với các quỹ đầu tư.
Kết nối giữa các vườn ươm và quỹ đầu tư không vững chắc nên startup vẫn phải tự bươn chải tìm vốn. Trong vai trò quỹ đầu tư, bà Dung cho hay, các quỹ đầu tư vẫn chưa tiếp cận được với nhiều startup từ các vườn ươm. “Tuy Genesia Ventures là quỹ đầu tư vào startup ở các giai đoạn sớm, nhưng đa số startup chúng tôi tiếp cận được là do hai bên chủ động liên lạc. Trường hợp khác là do các quỹ đầu tư khác giới thiệu”, bà Dung chia sẻ.
Bà Dung cho biết, hai startup Việt Nam là HomeBase và Nano đã được chọn tham gia chương trình Vườn ươm YC Incubator nổi tiếng thế giới. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng vì họ sẽ có thêm nhiều cơ hội được tiếp cận với các nhà đầu tư cho vòng gọi vốn tiếp theo. Tham gia vào chương trình ươm tạo, startup sẽ có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư tiếp theo để giúp họ phát triển. Do đó, bà Dung hy vọng các vườn ươm khởi nghiệp Việt Nam có thể năng động kết nối với các quỹ đầu tư, từ đó tạo ra nhiều “tiếp điểm” để startup và các quỹ có nhiều cơ hội được tìm hiểu lẫn nhau.
Chức năng chưa rõ ràng
Theo bà Quỳnh Võ – Giám đốc Chương trình Zone Startups Việt Nam, có ba tổ chức phục vụ cho ba quá trình ươm tạo khởi nghiệp. Nhưng ở Việt Nam chưa phân biệt rõ tính chất và chức năng của từng tổ chức. “Vừa rồi tôi đại diện cho Zone Startups cùng Think Zone, SIHUB và SwissEP và một số quỹ đầu tư khác đã gặp nhau tại Tuy Hòa để bàn luận với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp về cách làm cho hệ sinh thái này vững mạnh hơn và phân định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị”, bà Quỳnh Võ cho biết.
Tổ chức đầu tiên là trường đại học, nơi giúp sinh viên nghiên cứu khoa học và cho họ làm quen với tinh thần doanh nhân khởi nghiệp. Kế đó là vườn ươm khởi nghiệp, nơi cùng startup ươm mầm ý tưởng và đào tạo cho người sáng lập cách hình thành một công ty. Đây là nơi dạy cho người sáng lập doanh nghiệp các bước đi đầu tiên của một startup, giúp họ hình thành sản phẩm phù hợp với thị trường. Vườn ươm cũng giúp họ đưa sản phẩm ra thị trường, hay cũng có thể gọi là thương mại hóa sản phẩm và tìm ra khách hàng. Trước khi đến bước gọi vốn, các chương trình tăng tốc khởi nghiệp đào tạo họ cách trình bày khi đi gọi vốn. Họ cần phải biết các quỹ đầu tư mạo hiểm muốn nghe điều gì, cần thể hiện tầm nhìn của mình như thế nào. Họ phải thể hiện được startup của mình trở thành một công ty như thế nào và muốn người khác nhìn về mình ra sao. Khi gọi vốn thì startup phải trình bày cho nhà đầu tư thấy được tương lai của doanh nghiệp. Khi hiểu được nhà đầu tư muốn gì thì startup cũng phải trang bị khả năng làm được điều mình hứa. Ba tổ chức này cần có sự liên kết xuyên suốt cho đến khi startup đủ lực để gọi vốn.
Cần có Nhà nước chung tay
Để tạo ra sự liên kết mang tầm quốc gia của ba tổ chức trên, cần có những chương trình thử nghiệm do Nhà nước chủ trì. Cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 nên đưa ra kế hoạch cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực với những đề bài định hướng phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ y khoa hay công nghệ giáo dục… Bà Quỳnh đưa ra ví dụ, liên kết từ các trường đại học, vườn ươm và chương trình tăng tốc trong quá trình thử nghiệm sẽ được những chuyên gia trong ngành phân tích và đánh giá. Qua đó, hiểu được từng bước từ nghiên cứu đến ra thị trường và kinh doanh. Nhà nước cũng sẽ thấy rõ hiệu quả ươm mầm từ nghiên cứu của các trường đại học đến thực tiễn.
Bên cạnh đó, bà Quỳnh cho biết nguyên nhân các vườn ươm ở các tỉnh chưa hoạt động sôi nổi như ở thành phố lớn vì thị trường vốn chưa nhiều. Dù một số vườn ươm ở Thừa Thiên – Huế, Cần Thơ đã đổ nhiều tâm huyết nhưng chưa đánh bại được tâm thế chưa dám lớn mạnh của các startup ở đây. Theo bà Quỳnh, các tỉnh, thành nên khuyến khích startup như trường hợp GoStream được các ban ngành ở Nghệ An xúc tiến quảng bá khi gọi được vốn. Đây cũng là cách lan tỏa cảm hứng cho các startup khi họ còn rụt rè với khởi nghiệp và mở rộng quy mô kinh doanh.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài gòn
Link bài: Vườn ươm….
https://doanhnhansaigon.vn/