Daniella Pierson mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và trầm cảm.
Cô gái 27 tuổi là nhà sáng lập The Newsette – công ty điều hành chuyên trang tin tức nhắm tới đối tượng độc giả là nữ giới.
Pierson còn là đồng sáng lập kiêm đồng CEO startup chăm sóc sức khỏe tâm thần Wondermind, cùng với ca sĩ kiêm diễn viên Selena Gomez và Mandy Teefey (mẹ của Gomez).
Đỗ Hiền (Theo Forbes)/ NDH
Daniella Pierson đã thành lập The Newsette – công ty điều hành chuyên trang tin tức nhắm tới đối tượng độc giả là nữ giới – khi mới 19 tuổi. Bước sang tuổi 27, cô hiện sở hữu khối tài sản lên tới 9 chữ số, trở thành một trong những nữ doanh nhân da màu giàu nhất tại Mỹ.
Pierson đã gây dựng The Newsette từ con số không thành công ty mang về 40 triệu USD doanh thu và ít nhất là 10 triệu USD lợi nhuận trong năm 2021. The Newsette hiện được định giá khoảng 200 triệu USD. Cách đây 2 tuần, Pierson đã bán bớt một phần cổ phiếu của mình tại The Newsette, song vẫn là cổ đông lớn của công ty này.
Ngoài The Newsette, Pierson còn là nhà đồng sáng lập kiêm đồng giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần Wondermind, cùng với ca sĩ kiêm diễn viên Selena Gomez và Mandy Teefey (mẹ của Gomez). Hôm 11/8, Wondermind thông báo trên Instagram rằng công ty đã huy động được 5 triệu USD với mức định giá 100 triệu USD do quỹ đầu tư của tay vợt Serena Williams dẫn đầu.
Theo ước tính của Forbes, cổ phần của Pierson tại Wondermind cùng với tiền mặt và các khoản đầu tư khác giúp cô sở hữu khối tài sản ròng 220 triệu USD.
Pierson, cô gái vừa bước sang tuổi 27 vào tuần trước, trẻ hơn Lucy Guo – người phụ nữ dưới 30 tuổi giàu nhất trong danh sách “Phụ nữ tự lập giàu nhất nước Mỹ” năm 2022 của Forbes. Guo, người sẽ bước sang tuổi 28 vào tháng 10, đồng sáng lập công ty công nghệ Scale AI và sở hữu khối tài sản trị giá 440 triệu USD. Người phụ nữ tự lập duy nhất trong danh sách của Forbes trẻ hơn Pierson là Kylie Jenner, vừa tròn 25 tuổi vào hôm 10/8.
Hành trình gây dựng The Newsette
Năm 2015, Pierson đang là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Boston. Tại thời điểm đó, Pierson không có nhiều thời gian để truy cập các trang web mình yêu thích, vì vậy cô đã quyết định tạo một bản tin riêng, nơi cô có thể tập hợp mọi nội dung về văn hóa, kinh doanh, sắc đẹp và sức khỏe mà cô cũng như bạn bè của mình muốn đọc. Khi đó, cô thường in các bản tin này và đặt chúng ở các khu vực chung hay hành lang của các tòa nhà xung quanh trường.
Mãi tới khi tốt nghiệp, Pierson mới bắt đầu tính tới chuyện kêu gọi quảng cáo. Nhờ mối quan hệ đối tác và quảng cáo với Bumble, Fidelity, Old Navy, Twitter và Walmart, doanh thu từ The Newsette đã tăng từ 1 triệu USD năm 2019 lên 7 triệu USD vào năm 2020, và tới năm 2021, con số này đã tăng lên thành 40 triệu USD. Cô lọt vào danh sách Under 30 năm 2020 của Forbes ở hạng mục Truyền thông, khi mới 24 tuổi.
Giờ đây, chuyên trang The Newsette hiện có hơn 500.000 người đăng ký, chủ yếu là phụ nữ từ 18 đến 35. Người đăng ký nhận được điểm khi giới thiệu độc giả mới thông qua mã giới thiệu được cá nhân hóa; số điểm có thể được sử dụng để đổi bất kỳ thứ gì từ “bản tin Chủ nhật độc quyền” (3 điểm) cho đến nhiều món đồ khác nhau: một cốc cà phê (15 điểm), một chiếc áo nỉ (55 điểm) hoặc cà phê miễn phí trong một năm (350 điểm).
Bên cạnh Newsette, năm 2020, Pierson còn thành lập công ty sáng tạo Newland – chuyên tạo ra các kênh TikTok cho khách hàng và giúp họ tìm kiếm những người có ảnh hưởng để tiếp thị thương hiệu của mình. Pierson cho biết, hoạt động kinh doanh của Newland chủ yếu phát triển thông qua phương thức truyền miệng. Tuy nhiên, dù chưa chính thức ra mắt và mới chỉ chạy trang web của riêng mình trong thời gian gần đây, nhưng doanh thu từ Newland hiện chiếm tỷ lệ phần trăm cao hơn so với doanh thu mảng kinh doanh bản tin của năm 2021.
Chiến đấu với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Dù sở hữu khối tài sản lớn, Pierson chưa bao giờ coi mình là hình mẫu lý tưởng của một nữ doanh nhân thành đạt. “Tôi mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và bị trầm cảm. Tôi cũng là một sinh viên tồi nữa”, cô thú nhận.
Khi còn nhỏ, Pierson thường xuyên cảm thấy khó ngủ và luôn trong trạng thái lo âu. Khi tham gia lớp học về chăm sóc sức khỏe ở trường trung học, Pierson nhận ra rằng cô mắc chứng OCD.
Pierson đã không tìm cách điều trị OCD cho đến khi học năm cuối đại học. Điểm trung bình của cô đã giảm xuống dưới 2,0 trong học kỳ thứ hai của năm học cơ sở và từng có thời điểm cô sợ sẽ bị đuổi khỏi trường nếu điểm số không được cải thiện.
“Tôi đã khóc rất nhiều trong suốt 3 tháng liền”, cô nhớ lại.
Pierson biết rằng mình cần được giúp đỡ.
Với một khoản tiền kiếm được từ The Newsette, cô đã tìm tới bác sĩ trị liệu tâm lý. Điều đó thực sự mang lại kết quả tích cực. Trạng thái tâm lý được cải thiện đã giúp Pierson lọt vào danh sách học sinh giỏi vào năm cuối cấp và gần như đạt điểm A cho tất cả các môn học.
Mãi tới tháng 7 vừa qua, Pierson mới tự thưởng cho mình một chuyến nghỉ dưỡng sau 4 năm làm việc liên tục. “Tôi không thể thư giãn”, cô thừa nhận. “Không có gì mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc bằng việc xây dựng các công ty”.
Pierson cũng cho biết, chứng OCD của cô hiện đã được cải thiện nhưng không biến mất hoàn toàn. Dù vậy, cô đã học được cách để đối phó với căn bệnh của bản thân, cũng như trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ khác.
“Tôi không muốn bất kỳ ai có vấn đề về sức khỏe tâm thần nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ đạt được thành công”, Pierson nói. “Tôi muốn cho cả thế giới thấy rằng vẫn có rất nhiều cách khác nhau để đạt được thành công”.