Xã hội hóa giáo dục nửa vời

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Báo Vietnamnet.

—–

Mấy bữa nay mê xem bóng đá quá nên xao lãng chuyện viết lách. Nay xin hầu các bạn chuyện thi cử của nước mình.

Quan sát suốt mùa thi qua, từ vào lớp 10 đến kỳ thi THPT quốc gia, tui thấy con em mình quá khổ. Các cháu có tội tình gì, tất cả chỉ do người lớn. Cha mẹ thì hoang tưởng con mình là thiên tài, mong muốn chúng nó trở thành niềm tự hào của mình, nên bắt con học như hành hạ tra tấn. Ngành giáo dục mê thành tích, ôm đồm quản lý, cải cách chậm chạp nên mãi loanh quanh trong những thay đổi nhỏ, không lột được xác.

Tui ghi nhận việc gộp hai kỳ thi thành một, bớt được gánh nặng thi cử cho xã hội, nhưng vẫn chưa phải là cái đích phải đạt đến.

Trước đây, nền giáo dục của chế độ cũ tuy có nhiều khuyết tật, nhưng nếu so sánh sẽ thấy khá tương đồng với nền giáo dục tiên tiến của các nước phát triển hiện nay. Tui là học sinh của môi trường giáo dục đó từ nhỏ cho đến vào Trường Đại học Bách khoa Sài Gòn, nên tui hiểu rõ, không hàm ý khen chê gì hết. Cái gì hay, dù của ai, mình cũng tôn trọng, đánh giá khách quan và học hỏi, như vậy mới tiến bộ.

Đó là, không cần thi cử nặng nề, học sinh cứ học hết lớp này, thi học kỳ đạt thì lên lớp khác. Thi cử nghiêm túc để bảo đảm chất lượng, đơn giản là như vậy nhưng cốt lõi của học hành và thi cử cũng chỉ như vậy.

Ngày xưa có thi Tú Tài 1, Tú Tài 2, nhưng chuyện thi cử không quá quan trọng như hiện nay, chủ yếu là chất lượng. Còn các trường đại học tuyển sinh theo nhu cầu của họ, nhà nước trả việc thi cử về cho dân. Có trường tổ chức thi, có trường ghi danh, không có gì mà ầm ĩ.

Ngày nay, bằng tốt nghiệp cấp 3 không có giá trị gì nữa, bằng đại học, cao học còn chưa ăn thua, cho nên không việc gì phải tổ chức một kỳ thi quá tốn kém và căng thẳng. Chỉ cần thi học kỳ, học sinh nào đạt chất lượng thì được cấp bằng tốt nghiệp. Các trường đại học hoàn toàn tự chủ, tự chủ học thuật, tự chủ tài chính, tự chủ đào tạo… vậy thì họ có quyền tự chủ tuyển sinh. Kỳ thi quốc gia nên cho vào bảo tàng giáo dục là vừa. Tui quả quyết rằng, không sớm thì muộn cũng phải bỏ, cho nên bỏ trước đi cho nó nhanh.

Để giảm gánh nặng của nhà nước thì xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực trong dân cùng tham gia. Nhà nước bỏ độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, để cho dân làm, ai giỏi thì tồn tại theo quy luật thị trường. Các cá nhân, tổ chức đều có quyền mở trường, xóa bỏ mọi điều kiện kinh doanh vô lối, như vậy sẽ giải tỏa được áp lực trường công.

Ví dụ như trước năm 1975, các trường học công giáo đóng góp rất lớn vào giáo dục đào tạo. Tui thấy hiện nay vẫn xã hội hóa giáo dục nửa vời.

Thiển ý như vậy, mong bạn bè góp thêm cho.

Sài Gòn 16/07/2018

TQT

 

Bài đọc thêm, Link: Thi cử thống khổ, sao con em ta vẫn thua xa bạn bè quốc tế?

(http://vietnamnet.vn/vn/blog/thi-cu-thong-kho-sao-con-em-ta-van-thua-ban-be-quoc-te-461392.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *