Xây dựng cảng hàng không phải có tầm nhìn dài rộng

Trần Quí Thanh

Phối cảnh cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: TL ( Ảnh & Chú thich: Báo Người Đô Thị)

 —–

Theo thiển ý của tui, không thể không xây dựng sân bay Long Thành. Cho dù triển khai dự án đúng tiến độ, đến năm 2025 khai thác đường cất hạ cánh đầu tiên, thì cũng đã quá muộn. Đúng ra, sân bay Long Thành phải hoàn thành cách đây ít nhất 5 năm.

Nhưng đáng tiếc, thời hạn đó đã không thể thực hiện, và cũng chưa biết đến năm nào mới có đường băng đầu tiên của sân bay Long Thành.

Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, có hai đường cất hạ cánh nhưng cũng chỉ như một, bởi vì phải chờ một bên hoàn thành hạ cánh, bên kia mới được cất cánh. Sự bất cập này dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng, máy bay xếp hàng dài, có những chuyến, thời gian chờ đợi cất cánh bằng thời gian bay.

Một thực tế khác, có thêm nhiều hãng hàng không tư nhân ra đời, sẽ có thêm nhiều tàu bay được mua và thuê, những đội tàu bay này sẽ đỗ ở đâu. Cho dù chọn ‘base” ở các tỉnh, thì cuối cùng cũng phải đến Tân Sơn Nhất để bắt khách.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho Bamboo Airways tăng quy mô đội bay lên 30 máy bay đến năm 2023, bao gồm loại máy bay thân hẹp Airbus A319, A320, A321 và loại máy bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing B787.

Sẽ còn nhiều hãng tăng số lượng tàu bay, chưa kể hãng mới chuẩn bị tham gia thị trường.

Thế thì sẽ ùn tắc bên trong sân bay Tân Sơn Nhất, bên ngoài sân bay và cả trên trời. Xây dựng sân bay Long Thành là giải cứu Tân Sơn Nhất, là giải quyết một phần vấn nạn giao thông cho TPHCM.

Nếu có sân bay Long Thành, hành khách của các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và một số  tỉnh ĐBSCL sẽ không vào TPHCM mà đến thẳng Long Thành qua hệ thống đường vành đai kết nối. Như vậy, áp lực giao thông khu vực trung tâm TPHCM sẽ giảm đáng kể.

Bây giờ thì không còn chuyện tranh cãi có nên hay không nên xây sân bay Long Thành như trước đây, mà là quy mô của nó.

Theo chuyên gia hàng không – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, với năng suất thiết kế 80 – 100 triệu khách/năm, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ cần diện tích 1.800 ha và 2 đường băng cất hạ cánh, không nên quá lãng phí với 5.000 ha và 4 đường băng cất hạ cánh. Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD) là rất lớn và rất lãng phí khi so sánh với các sân bay tương tự trên thế giới. Tổng vốn đầu tư tương ứng cũng như vốn đầu tư giai đoạn 1 cần phải giảm xuống để tương đương với suất đầu tư của sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok và sân bay Western Sydney ở Úc.

Với năng suất thiết kế 80 – 100 triệu khách/năm, sân bay Long Thành chỉ cần diện tích 1.800 ha với 2 đường băng cất hạ cánh.

Tui không có chuyên môn về hàng không nên không dám lạm bàn, nhưng về nghề đầu tư kinh doanh, tui có kinh nghiệm thế này:

Đừng lãng phí trong đầu tư dù chỉ một đồng. Phải tính hiệu quả trên từng xu, huống chi hàng chục tỉ USD.

Tuy nhiên, đối với đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là cảng hàng không, cần có tầm nhìn dài rộng, đừng để sau này con cháu chê trách tầm nhìn chỉ “8 thước”, mất công mở rộng, rồi phải giải tỏa đền bù lần nữa. Chưa kể thay đổi quy hoạch rất mất thời gian và tốn kém.

Cho nên, cứ quy hoạch đất ở tầm sân bay lớn, thiết kế chung cũng ở quy mô lớn, nhưng thực hiện theo lộ trình, cứ tăng dần lên theo nhu cầu.

 

Sài Gòn ngày 22/08/2019

TQT

Bài đọc thêm, Link: Đầu tư 16 tỷ USD và 5.000 ha đất cho sân bay Long Thành: Có quá lãng phí?

(https://nguoidothi.net.vn/dau-tu-16-ty-usd-va-5-000-ha-dat-cho-san-bay-long-thanh-co-qua-lang-phi-20110.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *