Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác,
Cảm ơn bác đã trả lời cháu trong bài: “Thương hiệu không phải cái logo”. Cháu đã sáng ra rất nhiều. Thư này cháu muốn bác dạy cho rõ, để thương hiệu mình có tiếng nói riêng cần phải làm sao ạ?
Chúc bác vui khoẻ và hạnh phúc
Hoàng Thị Thái Lê (Đồng Nai): lethai_thihoang17@gmail.com
Cháu Hoàng Thị Thái Lê mến!
Câu hỏi cháu đặt ra là một thách thức rất lớn của các doanh nghiệp. Ai cũng cố hết sức để xây dựng thương hiệu, nhưng để cho thị trường biết đến thương hiệu của mình lại là chuyện vạn nan.
Mỗi ngày, một người tiếp nhận rất nhiều thương hiệu khác nhau, qua nhiều kênh của các phương tiện nghe nhìn, các chương trình PR, marketing, và các sự kiện giới thiệu thương hiệu phong phú khác. Vậy thì, để có được sự nhận diện thương hiệu cho riêng mình là điều mà doanh nghiệp phải làm, thế thì bằng cách nào?
Theo kinh nghiệm của bác, một con người phải có cá tính, cá tính càng mạnh thì càng gây sự chú ý trong đám đông. Ví dụ trong lớp học, học sinh nào cũng có tính cách như nhau hoặc khác biệt không nhiều, nhưng có một đứa ồn ào sôi nổi, hoặc đứa chỉ im lặng không bao giờ mở miệng, vậy thì hai bạn đó được nhớ đến nhiều hơn. Tất nhiên, cá tính phải gây “sốc” thì mới ghi dấu ấn mạnh.
Ví dụ một hãng hàng không đưa các em chân dài mặc bikini lên máy bay, chụp ảnh làm lịch. Có nhiều tiếng khen chê khác nhau, nhưng cuối cùng đã gây dấu ấn bằng thương hiệu “Bikini Airlines”, và các hãng tin trên thế giới vẫn sử dụng “biệt danh” này khi nói về họ.
Tân Hiệp Phát chọn cho mình cách xây dựng thương hiệu mang tính cách của một doanh nghiệp gần gũi, thân thiện và chia sẻ. Nhiều chương trình cộng đồng của Tân Hiệp Phát đến với người nghèo, yếm thế, đi đến vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ, hỗ trợ người dân để họ vượt qua được khó khăn, nghịch cảnh. Các chương trình đó được thực hiện thường xuyên, liên tục, xem đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, không phải chú trọng đến quảng cáo, đánh bóng doanh nghiệp.
Tính nhất quán trong xây dựng thương hiệu rất quan trọng. Có không ít doanh nghiệp “đẽo cày giữa đường”, ai nói gì cũng nghe, dễ dàng thay đổi hình ảnh, tính cách, cho nên cộng đồng không nhớ vì có quá nhiều chân dung trong một thương hiệu.
Tính nhất quán của Tân Hiệp Phát mà bác quyết tâm phải làm cho bằng được, đó là hiện đại hóa, công nghệ hóa trong sản xuất để làm ra sản phẩm có chất lượng cao nhất. Trong bất cứ sự kiện nào dù nhỏ lớn, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thông điệp mà Tân Hiệp Phát đưa ra đó là doanh nghiệp đang sở hữu, vận hành hệ thống máy móc, công nghệ sản xuất nước uống hiện đại nhất thế giới, sản phẩm của Tân Hiệp Phát chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu nước giải khát lớn của thế giới. Đó là sự thật không ai có thể phủ nhận được.
Điều cuối cùng bác chia sẻ với cháu, thương hiệu là một “nhân vật” trong thị trường, giữa cộng đồng, cho nên mỗi phát ngôn trên truyền thông đều phải chuẩn mực. Các bản tin, bài diễn văn, slogan, thông cáo báo chí phải có chất lượng về nội dung và hình thức. Một lời nói ra phải lọt tai, tôn trọng mọi người và biểu đạt được tình cảm của mình. Mỗi ngày một chút, hình ảnh, cá tính của thương hiệu sẽ được ghi nhận và có ảnh hưởng sâu sắc trong cộng đồng.
Nếu chỉ gây “sốc” một lần mà không có sự bền vững thì thương hiệu cũng chết.
Chúc cháu thành công. Có gì băn khoăn cứ meo cho bác nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)