Kinh nghiệm hay
Nước tăng lực Number 1 là thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng biết đến trong cả rừng sản phẩm nước giải khát trên thị trường hiện nay. Chia sẻ về thành công này, bà Trần Uyên Phương- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát – cho hay: Cách đây 18 năm, thay vì đi theo trào lưu thị trường làm nhái sản phẩm của các thương hiệu lớn, Tân Hiệp Phát đã lựa chọn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước tăng lực với slogan “Lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam”.
Theo bà Phương, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là việc không hề dễ dàng và trải qua rất nhiều thăng trầm. DN phải đầu tư nguồn lực không hề nhỏ chỉ để người tiêu dùng biết đến sự tồn tại của sản phẩm, chứ chưa nói tới yêu thích và tiêu dùng trung thành. Hơn nữa, bài toán tồn tại và xây dựng thương hiệu với DN không phải lúc nào cũng dễ giải.
Trải qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, TH true milk cũng là thương hiệu sữa đình đám. Theo ông Ngô Minh Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, về lý thuyết, ban đầu phải tạo ra sự nhận biết với sản phẩm, sau đó mới đến tìm khách hàng trung thành và cuối cùng trở thành thói quen tiêu dùng. Thực tế, việc xây dựng được một thương hiệu không suôn sẻ như lý thuyết mà sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, không chỉ cần tới nguồn lực mà rất cần lòng kiên trì của DN.
Ông Hải khẳng định, nội hàm cũng như giá trị cốt lõi của một thương hiệu phải là chất lượng sản phẩm. Tiếp đến là sáng tạo không ngừng nghỉ, thổi hồn vào thương hiệu bằng sự đổi mới và bắt kịp xu hướng thị trường. “Đã đến lúc DN cần có sự thay đổi về cách tiếp cận truyền thống và công chúng hóa thương hiệu của sản phẩm. Thương hiệu của DN thành thương hiệu quốc gia và trở thành niềm tự hào dân tộc, khi đó thương hiệu sản phẩm không chỉ được DN mà được cả Chính phủ bảo vệ” – ông Ngô Minh Hải nói.
Cộng hưởng sức mạnh
Xây dựng thương hiệu không dễ dàng và đòi hỏi nhiều nguồn lực, vì vậy, DN mong mỏi sự đồng hành của các cơ quanchức năng không chỉ trong quá trình xây dựng mà còn bảo vệ thương hiệu. “Các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng triển khai những hành động cụ thể xúc tiến quảng bá thương hiệu quốc gia, đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho DN và quốc gia” – bà Trần Uyên Phương chia sẻ.
Ở góc độ chuyên gia, PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh – Trưởng Bộ môn Quản trị thương hiệu (Đại học Thương mại) – cho rằng, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo là một trong những yếu tố chính giúp DN có thể thành công trong quá trình xây dựng thương hiệu. Hơn nữa, xây dựng thương hiệu quốc gia từ thương hiệu của sản phẩm không chỉ dành cho DN lớn. Những DN có quy mô nhỏ, đặc biệt là DN khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoàn toàn có thể tham gia.“Thương hiệu không phải chỉ được đo lường bằng sự tăng trưởng về doanh số, mà quan trọng nhất là đo lường bằng sự nhận thức, đánh giá của người tiêu dùng đối với sản phẩm cung ứng ra thị trường” – ông Nguyễn Quốc Thịnh nhấn mạnh.
PGS -TS. Nguyễn Quốc Thịnh – Trưởng Bộ môn Quản trị thương hiệu (Đại học Thương mại): Muốn xây dựng thương hiệu, sản phẩm của DN phải có chất lượng tốt, có tính cạnh tranh cũng như uy tín trên thị trường. |