Trần Quí Thanh
Nguồn: Internet
Anh Thanh quí mến,
Hồi tháng 6/2017 anh em mình đã bàn đến các loại “ điều kiện kinh doanh” trong bài: “Giấy phép con như thiên la địa võng”. Bây giờ nghe tin Bộ kế hoạch và đầu tư đang đề nghị bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh, quả là một tin đáng mừng phải không anh?
Xin anh cho ý kiến trước thông tin đáng phấn khởi này. Theo anh chính phủ cần phải làm gì nữa cho doanh nghiệp Việt cất cánh?
Nguyễn Lê Pháp ( Bình Dương): nlp_binhduong2014@gmail.com
Anh Nguyễn Lê Pháp thân mến
Trước hết, anh em mình phải thấy được dấu hiệu tích cực là chỗ này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ, quán triệt tinh thần tạo thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khẩn trương rà soát, kiến nghị bãi bỏ, cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Sự chủ động và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ bắt buộc các bộ, ngành phải vào cuộc, cho nên tui nghĩ chuyện này chắc chắn sẽ sớm có kết quả.
Chính phủ kiến tạo chính là thực hiện những việc cụ thể như thế này, không phải chuyện sách vở trên trời phải không anh Pháp?
Điều kiện kinh doanh là công cụ để nhà nước quản lý, nhưng phải thực sự cần thiết, còn nếu quy định như một sự ràng buộc doanh nghiệp thì nó không phục vụ cho mục đích quản lý mà vì mục đích khác. Mục đích gì thì anh em làm ăn kinh doanh biết rõ, tui không nói ra đây.
Nguồn lực trong dân rất lớn, nhưng để giải phóng được nguồn lực đó không gì hơn là kiến thiết một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, ít ràng buộc nhất. Các chính sách đó còn phải đảm bảo tính ổn định và hạn chế tối đa rủi ro do những thay đổi hoặc những xung đột giữa các quy định của các cơ quan quản lý. Có những điều kiện kinh doanh được đưa ra đã trở thành những rào cản khiến cho người dân và doanh nghiệp không dám dầu tư, hoặc tham gia kinh doanh thì hiệu quả rất thấp, rủi ro cao, vậy thì không thể giải phóng được nguồn lực để tăng trưởng kinh tế như mong muốn.
Hãy thử hình dung, nếu xóa bỏ được gần 2.000 điều kiện kinh doanh mà Bộ KHĐT đề xuất, thì giống như tháo chừng đó cái vòng kim cô trên đầu doanh nghiệp. Tui nghĩ chắc cộng đồng doanh nghiệp được chắp cánh, họ làm ăn tung trời cho mà coi.
Bỏ điều kiện kinh doanh là bỏ đi các chi phí “ không tên” làm kiệt sức doanh nghiệp, là thêm thời gian và cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn, tích lũy đầu tư phát triển sản xuất.
Xóa bỏ được những quy định tồn tại bao nhiêu năm đã khó, xóa bỏ thói quen quan lại sinh ra từ những quy định này còn khó hơn, nhưng tui thấy rõ Chính phủ rất quyết tâm để thực hiện thành công đợt cải cách quan trọng này.
Trần Quí Thanh
( Hãy gửi thư cho tôi:tranquithanh1953@gmail.com)