Mai Quỳnh Anh / Dân Trí
Không ít bạn trẻ hiện nay đã mua phải hàng giá rẻ nhưng kém chất lượng, không sử dụng được dẫn đến lãng phí.
Những tình huống “dở khóc dở cười”
Săn hàng giá rẻ, đặc biệt là săn hàng giá rẻ trực tuyến là sở thích của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, vì không được đến thử trực tiếp nên nhiều người đã mắc phải những tình huống “dở khóc dở cười” khi hàng trên mạng và ngoài đời quá khác nhau.
Chia sẻ về một lần mua hàng trên mạng “nhớ đời”, bạn Đặng Thu Hoài (19 tuổi, Nghệ An) cho biết: “Mình đã mua một chiếc áo trên sàn giao dịch điện tử, thấy ảnh chụp là áo hai lớp dày dặn, nhiều đánh giá 5 sao, đọc bình luận thấy nhiều người khen nên rất tin tưởng.
Cho đến khi nhận được hàng, mình đã rất ngạc nhiên khi áo mỏng dính và chỉ có một lớp thôi. Vì mỏng quá, mặc ra ngoài sẽ rất ngại nên mình vẫn chưa biết xử lý thế nào với chiếc áo này”.
Bạn Nguyễn Ngọc Thùy Linh (19 tuổi, Quảng Bình) cũng đã từng có trải nghiệm không tốt khi mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, may mắn hơn Thu Hoài, chiếc áo của Thùy Linh vẫn có thể sử dụng được.
“Mình từng một lần ham rẻ mua một set đồ giá bảy mươi ngàn đồng. Đến khi hàng về thì nó nhỏ xíu, trông như dành cho em bé vậy. May mắn là nhà mình có nhiều em nên là mình cho các em mình mang”.
Vì sao người trẻ thường có xu hướng mua hàng không kiểm soát?
Có rất nhiều lý do để giải thích cho xu hướng này của người trẻ. Phần lớn mọi người đều có tâm lý “không mua thì thiệt, mất món hời” nên dù không thật sự cần thiết thì họ vẫn mua món đồ đó, chỉ vì đang được giảm giá.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các reviewers (người đánh giá sản phẩm) trên hàng loạt các nền tảng mạng xã hội cũng tác động rất lớn đến việc chi tiêu của người trẻ. Họ sẽ mô tả về công dụng, tính năng và thể hiện những ưu điểm của sản phẩm để kích thích người xem mua hàng. Nếu người xem cảm thấy thích thú, họ chỉ cần nhấp vào đường link và thực hiện vài thao tác đơn giản là đã mua được sản phẩm mình vừa xem.
Đó cũng là những chia sẻ của bạn Thu Hoài: “Mỗi khi có giảm giá, mình và các bạn đều cố gắng mua sản phẩm với giá tốt nhất. Có nhiều món đồ mình không cần quá gấp, nhưng sau khi áp các mã giảm giá cộng với việc được miễn phí vận chuyển thì giá thành rất rẻ so với ban đầu. Vì vậy, mình có suy nghĩ nếu không mua bây giờ thì sẽ rất tiếc, vì không phải lúc nào cũng được giá hấp dẫn như vậy.
Mỗi khi lướt mạng xã hội, mình lại thấy rất nhiều bài viết, clip quảng cáo. Nếu mình cảm thấy hứng thú với sản phẩm thì sẽ mua luôn”.
Cùng giải thích về lý do vì sao người trẻ hiện nay thường có xu hướng mua sắm không kiểm soát, Thùy Linh chia sẻ: ” Là con gái, chắc chắn sẽ có những món đồ mua chỉ mang một lần. Ví dụ điển hình là váy đi tiệc hoặc áo dài Tết. Váy đi tiệc thì thường có quan điểm tiệc này không trùng đồ với tiệc kia, nên là mình phải mua lại liên tục và nhiều khi chỉ mang đúng một lần là không dùng nữa. Áo dài Tết cũng thế, chỉ mang đúng một dịp trong năm và ngày hôm sau liền trở nên cũ.
Cũng có nhiều lúc mình thấy một món đồ nào đó mang vào nhìn thật thích mắt, giá rẻ bất ngờ, thế là mua. Nhưng tính ứng dụng của nó rất thấp, hoặc vốn kiểu đồ đó mình có ở nhà rồi hoặc mình có quá nhiều đồ. Thế là vô tình mình quên mất mình đã mua món đồ đó. Điển hình là nhiều lúc mình mua rất nhiều váy giảm giá nhưng khi mua về không có dịp mang. Thế là tất cả đến giờ vẫn còn nguyên mác”.
Hậu quả của mua sắm vô tội vạ
Từ những câu chuyện trên, có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng mua sắm vô độ đang dần trở thành một “căn bệnh” của nhiều người, đặc biệt với giới trẻ. Phần lớn bạn trẻ đều có xu hướng ham rẻ và muốn có cho mình thật nhiều quần áo, đồ dùng mà ít nghĩ đến việc sử dụng lâu dài.
Điều này gây ra không ít ảnh hưởng đến môi trường và kinh tế. Không chỉ gây lãng phí cho chính người mua, điều này còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Những món đồ giá rẻ với chất lượng thấp thường rất khó để sử dụng lâu dài hoặc tái chế, càng không thể để người khác sử dụng lại. Từ đó, một lượng lớn rác không cần thiết bị thải ra ngoài môi trường, gây ra tình trạng ô nhiễm. Vì vậy, thói quen mua sắm vô độ cần phải hạn chế ngay, không chỉ với người trẻ mà với toàn xã hội.