Xử lý khủng hoảng không bằng giọt nước mắt và sự tuyệt vọng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Chào anh Thanh,

Rất vui gặp lại anh sau tết. Em là người được anh trả lời trong bài: “Gốc rễ Marketing” mới đăng số 9/2/2018 trước tết đây thôi. Được anh trả lời nên mừng, xin được đặt hỏi anh thêm một câu nữa: Làm thế nào để các doanh nghiệp biến khủng hoảng thành cơ hội?

Em hỏi vậy vì Tân Hiêp Phát đã biến khủng hoảng vụ con ruồi năm 2014 thành cơ hội làm ăn phát đạt khiến mọi người ngạc nhiên và khâm phục.

Kính chúc anh mạnh giỏi

Phạm Khánh Ngọc Lan (Qui Nhơn): khanhlan_quinhon2011@gmail.com

—–

Phạm Khánh Ngọc Lan mến!

Có một bài viết anh đã nêu quan điểm của chuyên gia về khủng hoảng, ý nói là khủng hoảng thường trực trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào và chắc chắn nó sẽ xảy ra, vấn đề còn lại là bản lĩnh của từng người được thể hiện trước khủng hoảng.

Trong bài viết “Bí quyết biến khủng hoảng thành cơ hội từ các doanh nhân nổi tiếng” của tác giả Trịnh Thơm trên doanhnhansaigononlines ngày 27.2 có một ý mà anh rất tâm đắc: “Chúng ta sẽ không được hưởng bất kỳ một thứ lợi ích gì từ những giọt nước mắt, từ sự tức giận hay sự tuyệt vọng. Chúng ta sẽ chỉ nhận được khi chúng ta có đủ năng lượng và đam mê”.

Trong cuộc đời doanh nhân của anh, gặp quá nhiều khủng hoảng và cách ứng xử của anh là đối mặt với nó, khóc lóc hay tuyệt vọng lúc đó cũng chẳng giải quyết được gì, cùng lắm là bạn bè chia sẻ đôi câu, nhưng chẳng ai có thể giải quyết được khủng hoảng ngoài bản thân mình.

Em nhắc lại chuyện con ruồi, đúng là một vụ khủng hoảng quá nặng nề, cả thiên hạ quay lưng, không cần biết đúng sai, không cần nghe giải thích. Em biết nỗi tuyệt vọng như thế nào khi cả thế giới tấn công mình không, lúc đó chỉ còn gia đình anh, vợ chồng, cha con với nhau. Nhưng tuyệt vọng để làm gì, mà phải bình tĩnh, tự tin để giải quyết. Và anh có niềm tin, rồi đây, mọi người sẽ hiểu được rằng, với dây chuyền sản xuất  số 1 thế giới Aseptic, thì không bao giờ có chuyện con ruồi lọt được vào chai nước. Họ sẽ hiểu đây là một cái bẫy mà những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh sử dụng để gài Tân Hiệp Phát.

Vì thế, Tân Hiệp Phát phải vượt qua, phải tồn tại, nếu như mình gục ngã thì mình trúng kế đối thủ và sẽ không còn điều kiện để giải thích sau này. Và khi bị đẩy đến đường cùng, thì sẽ không còn lựa chọn nào khác là tập trung hết sức lực, trí tuệ để chiến thắng, và đó là cơ hội của chính Tân Hiệp Phát.

Đọc lịch sử phát triển của các tập đoàn lớn trên thế giới, không có tập đoàn nào không gặp những khủng hoảng lớn, gặp nhiều lần, nhưng những người đứng đầu rất có bản lĩnh, dẫn dắt doanh nghiệp đi qua từng chặng đường cam go đó để đi đến thành công, Honda của Nhật Bản là một ví dụ.

Anh không thể đưa ra một giải pháp xử lý khủng hoảng cụ thể bởi vì mỗi khủng hoảng có một giải pháp khác nhau, nhưng anh muốn chia sẻ  với Ngọc Lan rằng, phải có ý chí thép, có niềm tin vững chắc vào bản thân và cộng sự, đoàn kết, hy sinh, làm hết sức mình, gấp nhiều lần, gấp ngàn lần thì sẽ vượt qua khủng hoảng.

Có khi, biến khủng hoảng thành cơ hội, ví dụ như, có nhiều thứ đã lỗi thời, lạc hậu nhưng chúng ta không dám thay đổi, nhân khủng hoảng xảy ra, chúng ta dẹp bỏ cái cũ để thay bằng sáng tạo mới.

Chúc em thành công.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi:   tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *