Xử phạt thiếu dân chủ

Gia Minh/ Báo TBKTSG

Thời gian qua, truyền thông chính thống và cả trên các trang mạng xã hội đã phản ứng gay gắt trước phát biểu tắc trách của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong phiên giải trình tại Ủy ban Tư pháp Quốc hội hôm 6-3, về việc mất bằng lái xe phải thi lại.

Ắt hẳn ông bộ trưởng cũng đã rút kinh nghiệm về phát ngôn đi ngược lại với những nguyên tắc về quản lý hành chính đơn giản nhất và những quy định của chính ngành mà ông đứng đầu.

Chuyện đã qua, cũng không có gì phải nói thêm nữa. Nhưng rồi, sau đó báo chí lại trích lời phát biểu của một quan chức khác, ông Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, cũng trong phiên họp vừa nói, theo đó ông đề xuất xử phạt người vi phạm (giao thông) không cần phải chứng minh.

Ông Hùng tỏ ra thiếu bình tĩnh khi nói rằng: “Bảo vệ luật pháp mà cãi nhau với ông say rượu thì làm sao cãi được”. Đáng tiếc cho một sự so sánh khập khiễng bởi không phải người dân nào vi phạm luật pháp cũng là người say rượu, bởi suy nghĩ như thế là thiếu sự tôn trọng người khác, và bởi trong thực tế việc vi phạm pháp luật – nói chung là kỷ cương phép nước chưa nghiêm – do nhiều nguyên nhân cần đào sâu như luật pháp chưa hoàn thiện, thiếu sót trong việc thực thi và ý thức chấp hành của người dân còn lắm vấn đề.

Trở lại với đề xuất của quan chức Ủy ban An toàn giao thông quốc gia “xử phạt người vi phạm không cần phải chứng minh”, đó là điều khó hiểu. Giá trị đích thực của hệ thống nhà nước chính là phục vụ người dân, điều này không cho phép anh có quyền áp đặt điều kiện thi hành luật lệ lên người dân (không cần chứng minh, có gì khiếu kiện sau).

Dân là chủ, phục vụ người chủ là trước khi làm điều gì thì phải chứng minh điều này có mang lại lợi ích chính đáng cho ông chủ hay không, bảo người dân cứ nhắm mắt làm theo anh là không dân chủ rồi. Đó là cách ứng xử “cả vú lấp miệng em”, xuất phát từ tư duy áp đặt, sợ đối thoại công khai, vốn thường xảy ra trong những tranh luận do luật lệ không rõ ràng.

Ở nhiều nước phương Tây, như bên Mỹ chẳng hạn, cảnh sát không được thu tiền phạt về giao thông mà chỉ được quyền lập biên bản vi phạm. Biên bản này được gửi đến tòa án xét xử với sự có mặt bắt buộc của người lập biên bản và người vi phạm, và nơi nhận tiền phạt phải là tòa án. Đến ngày xử, nếu anh cảnh sát lập biên bản vi phạm không đến hầu tòa thì sẽ bị xử thua. Luật pháp xử lý rạch ròi là như vậy.

Nay nếu như phạt mà không cần chứng minh thì tình hình thi hành luật pháp sẽ xấu biết chừng nào? Trong bao nhiêu luật lệ thì Luật Giao thông đường bộ là rõ ràng nhất, dễ áp dụng nhất bởi gắn bó với lợi ích từng người dân, vậy mà nghĩ đến chuyện phải đi khiếu kiện vì bị xử sai thì quả đáng buồn. Kiểu hạ hồi phân giải không phù hợp cho các tranh chấp liên quan đến luật pháp và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện tràn ngập khó giải quyết, mà hơn 60% thuộc lĩnh vực đất đai vốn rất phức tạp.

Chúng ta không thiếu luật lệ nhưng phép nước vẫn chưa nghiêm. Để bảo vệ quyền lợi của người dân và tổ chức, chúng ta có Luật Khiếu nại ban hành hồi năm 2011 và Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2012, trong đó vẫn mang nội dung chấp hành xử phạt trước, khiếu nại sau. Liệu điều này có còn phù hợp với xu thế nhà nước do dân và vì dân hay không?

NGUỒN:  Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Link bài: Xử phạt thiếu dân chủ
(https://www.thesaigontimes.vn/td/286208/xu-phat-thieu-dan-chu.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *