Mỗi bức họa đều có câu chuyện phía sau. Chỉ là chúng ta phân tích thế nào cho đúng thôi.
Bạn biết đấy, đằng sau mỗi bức họa đều có một câu chuyện, đặc biệt là với những bức kiệt tác hội họa có thể bán đấu giá đến hàng triệu đô. Nhưng giống như văn học, hội họa cũng là một lĩnh vực hết sức trừu tượng. Đôi khi chúng ta ngắm một bức họa, cảm nhận và phân tích rất nhiều ý tưởng, nhưng ý đồ thực sự của tác giả lại không giống như vậy.
Vậy hãy thử xem những bức tranh nổi tiếng dưới đây, ý đồ thực sự của họa sĩ là gì nhé.
1. “Cam, Đỏ, Vàng” – Mark Rothko, 1961
Cam, Đỏ, Vàng (Orange, Red, Yellow) là tác phẩm của họa sĩ người Mỹ Mark Rothko. Năm 2012, tác phẩm này được đưa ra đấu giá và thu về khoản tiền khổng lồ lên tới 86 triệu USD.
Nhưng bức họa này có ý nghĩa gì? Thực ra theo các chuyên gia đánh giá, chúng ta không nhất thiết phải tìm ra bất kỳ thông điệp nào trong đó. Thứ người xem cần để ý chính là cảm xúc khi ngắm nhìn bức họa. Mục đích của Rothko là muốn người xem được trải nghiệm mọi cảm xúc khi nhìn vào chiều sâu màu sắc trong đó.
Khó hiểu đúng không? Không sao, vì dù gì hội họa cũng là bộ môn nặng tính trừu tượng mà.
2. “Hai Frida” – Frida Kahlo, 1939
Hai Frida (Two Fridas) là một tác phẩm chân dung tự họa của Frida Kahlo – họa sĩ chân dung nổi tiếng nhất tại Mexico trong thế kỷ 20. Chỉ là bức họa này hơi… lạ, khi cô vẽ đến 2 bản thể của mình trong đó.
Các chuyên gia đã đặt ra nhiều giả thuyết về ý tưởng của tác giả, nhưng phổ biến nhất vẫn là Kahlo muốn tả lại sự kiện cô chia tay với chồng là Diego Rivera. Bức họa được hoàn thiện vào năm 1939, không lâu sau cuộc ly hôn.
Trong tranh là 2 Frida với 2 hình tượng khác nhau. Bên phải là một Frida Diego đã từng dành hết tất cả cho tình yêu, còn bên trái là một Frida bị phản bội. Kahlo muốn thể hiện sự khác biệt giữa 2 bản thể của mình, và cho thấy sự cô đơn, cũng như trái tim đã tan nát mà không cách nào hàn gắn.
3. “Người đàn ông và đàn bà trước một đống phân” – Joan Miró, 1935
Đây là một trong 12 bức họa nổi tiếng nhất sự nghiệp của họa sĩ xứ Catalan – Joan Miró, được thực hiện trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Một bức tranh thể hiện sự ma mị, với nét tương phản giữa người đang nhảy múa và nền đen chết chóc phía sau.
Ý đồ của vị họa sĩ cũng không quá khó hiểu: Ông muốn mô tả lại sự kinh sợ về cuộc Nội chiến Tây ban Nha (1936 – 1939). Các mảng màu cam sẫm tượng trưng cho nạn nhân cuộc chiến, còn đôi tay màu đỏ thể hiện nét nhuốm máu.
4. “Walk” – Marc Chagall, 1917–1918
“Walk” – “Bước đi” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Chagall. Các bản phân tích cho thấy đây là một bức tự họa, nên 2 người trong tranh chính là Chagall và vợ mình là Bella.
Trong bức tranh, Chagall đứng trên nền đất, còn Bella lơ lửng trên trời, nhưng họ vẫn nắm chặt tay nhau. Đó là tình yêu họ dành cho nhau, vượt qua khoảng cách và quy luật vật lý thông thường.
5. 3 thời kỳ của người phụ nữ – Gustav Klimt, 1905
“3 thời kỳ của người phụ nữ” (Three Ages of Woman) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ người Áo, được hoàn thành vào năm 1911 và giành được huy chương vàng trong cuộc triển lãm quốc tế tại Rome.
Bức họa là một ví dụ điển hình nhất cho phong cách trừu tượng của Klimt. Bên phải là một bé gái nằm trong tay người phụ nữ đang đứng giữa, và bên trái là một lão bà đang cố giấu gương mặt của mình.
Càng ngắm nhìn bức tranh này, người ta sẽ càng hiểu rằng nó không vẽ 3 thế hệ của một gia đình, mà là cùng một người phụ nữ trong 3 giai đoạn khác nhau của một đời người.
6. “Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là gì? Chúng ta đang đi đâu?” – Paul Gauguin, 1897–1898
Từ khi bắt đầu sự nghiệp, Paul Gauguin đã luôn muốn thể hiện tư duy về sự sống và cái chết thông qua các tác phẩm của mình. Năm 1897, ông vẽ tác phẩm “Chúng ta từ đâu tới? Chúng ta là gì? Chúng ta đang đi đâu?” (Where Do We Come From? What Are We? Where Are We Going?), và phải mất tròn 1 năm mới hoàn thành được.
Để hiểu được ý nghĩa bức tranh này, chúng ta cần theo dõi từ phải qua trái, vì nó được thể hiện theo các cuộn giấy cổ thời xưa. Trong tranh là 3 nhóm người: người phụ nữ trẻ cùng em bé sơ sinh đang ngủ tượng trưng cho khởi nguồn của sự sống; nhóm tiếp theo thể hiện cho sự tồn tại của loài người khi tuổi trẻ; và cuối cùng là người phụ nữ lớn tuổi đang nằm, thể hiện cho thời khắc cuối cùng của đời người.
7. “Café ngoài trời trong đêm” – Vincent van Gogh, 1888
Khi mới quan sát, có lẽ chẳng ai để ý bức họa này có gì bất thường. Nhưng với Jared Baxter – nhà nghiên cứu hội họa, thì bức tranh này có thể là một phiên bản khác của “Bữa ăn cuối cùng” – tác giả Leonardo da Vinci.
Nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy người bồi bàn trong trang phục trắng đứng ở giữa. Anh ta được vây quanh bởi 12 người, và thánh giá đang bừng sáng trên nền phía sau.