A.D/ Báo Tri Thức Trẻ
Không chỉ là những sóng gió, khủng hoảng dồn dập đến với tập đoàn, mà đó còn là những câu chuyện riêng về gia đình, về doanh nhân Trần Quí Thanh chưa bao giờ được kể. Với “Chuyện nhà Dr.Thanh”, con gái trưởng của người sáng lập Tân Hiệp Phát đã dành 10 năm để viết nên món quà ý nghĩa này tặng cho ba mẹ mình.
Gia đình mãi mãi là cái nôi, là điều tốt đẹp và quý giá nhất chúng ta có trong đời dù sang hay hèn, giàu hay nghèo, dù đang đứng trên đỉnh cao hay trắng tay, thất bại. Càng lớn lên, ta lại càng thấm thía hơn giá trị của tình thân vì lẽ đó. Gia đình, là không thể thay thế. Gia đình, là càng khó khăn, càng vất vả, lại càng cùng nhau nắm tay đi qua bão giông.
Ra mắt vào đúng dịp Ngày gia đình Việt Nam 28/6, cuốn tự truyện “Chuyện nhà Dr.Thanh” dành tặng ba mẹ mình của Trần Uyên Phương lại càng thêm ý nghĩa. “Trên đời ai cũng có cha mẹ, và tôi muốn viết quyển sách này khi còn có thể làm được điều đó” – con gái trưởng người sáng lập tập đoàn chia sẻ đầy xúc động về cuốn tự truyện của mình.
10 năm ròng lục tung quá khứ và nhìn lại lần nữa những biến cố gia đình
Trần Uyên Phương đã ròng rã gần 10 năm thu thập tư liệu bằng cách trò chuyện với cha, với những người thân thiết xung quanh ông để nghe được những câu chuyện từ thời mình chưa sinh ra hay từ bé chưa biết gì; rồi có những lúc phải lục tung quá khứ để viết lại những biến cố của gia đình từ sóng gió, đổ vỡ, nguy cơ thất bại, những vụ kiện “long trời lở đất” để có được những ngày tạm gọi là “bình an” như ngày hôm nay.
Cuốn sách này như thay lời cảm ơn ba má của con gái Trần Uyên Phương. Quá trình viết sách tốn thời gian nhiều nhất là để sưu tầm dữ liệu, nói chuyện với nhiều nhân vật khác nhau và kiểm chứng ở những người khác cho cùng một câu chuyện. Dù nhắc đến rất nhiều những chuyện “thâm cung bí sử” trong gia đình, nhưng Uyên Phương không gặp phải sự phản đối nào.
Cảm giác của Trần Uyên Phương như thế nào khi lại một lần nữa nhìn lại những khủng hoảng, sóng gió mà gia đình đã cùng nhau đi qua? Không hề khó với Uyên Phương khi thực hiện cuốn sách này – chị chia sẻ trong họp báo ra mắt sách: “Trước mắt đó là nhờ bố mẹ đã dạy cho tôi sự chính trực (integrity), authentic (thật với bản thân), viết với những gì mình đã sống và đã trải qua, sống thật với chính mình nên không hoàn toàn khó trong việc thực hiện quyển sách. Khó chỉ là quá trình phải ráp nối lại với nhau, lúc đó cũng nhờ em gái tôi là Trần Ngọc Bích đã góp ý rất nhiều. Bích và tôi đều đồng ý là cứ sống thật, nói thật, kể cả những đoạn hai chị em mâu thuẫn với nhau cũng cần phải nói đến”.
Sẽ có người cho rằng đây là cuốn sách biện minh cho những ồn ào, sóng gió một thời khi những từ khoá “Tân Hiệp Phát”, “Dr Thanh”, kỳ án “con ruồi” tạo nên những “cơn sóng” thông tin bão tố quá nóng bỏng với dư luận. Nhưng không, không một lời biện hộ nào cả. Trên tất cả, đó là những dòng cảm xúc, những suy nghĩ, ghi chép được gom góp bằng mọi sự kính nể, trân trọng và yêu thương của Trần Uyên Phương khi viết về gia đình mình.
Đã từng ghét ba, nhưng rồi tự giận chính mình vì nhận ra tình thân là tất cả
Với “Chuyện nhà Dr.Thanh”, người đọc sẽ được biết đến một doanh nhân Trần Quí Thanh đầy chân xác và trần trụi dưới góc nhìn của cô con gái. Ông Trần Quí Thanh của cuốn tư truyện là một người cha nghiêm khắc và cứng rắn, đôi khi đến mức nghiệt ngã khiến có lúc chính con gái mình cũng cảm thấy bị tổn thương.
Như tác giả cũng viết trong sách: “Trong quá khứ nhiều lúc tôi sợ ba, nhưng cũng ghét ba vì tôi chỉ quan tâm đến tính huyết thống và đinh ninh thế mới gọi là gia đình. Tôi thấy ba dành quá ít thời gian và tình thương cho chính gia đình thân yêu của mình”. Thế nhưng “Sống với ba, điều làm tôi luôn cảm thấy mình nhỏ bé, không phải vì ba là cha nên luôn lớn hơn, cũng không phải vì ba là doanh nhân thành đạt, người thầy tận tâm chỉ dạy cho tôi, mà vì chưa bao giờ tôi nghe ba kể lể hay trách cứ bất cứ ai đã đi qua trong cuộc đời ông. Đối với ba, mọi thứ đều là bài học tốt cho cuộc sống và công việc, gian khó đối với ba là thứ rất quen thuộc, ông luôn nói một câu ngắn gọn: “Không gì là không thể”!”.
Để hiểu rõ hơn về 2 chữ “tình thân”, về những tình cảm dành cho gia đình của người đàn ông lạnh lùng và cương quyết này, hãy đọc trích đoạn trong Chương 9: Sự cố bất ngờ của Chuyện nhà Dr.Thanh. Đó là thời điểm sóng gió liên tiếp tìm đến gia đình.
Tôi nhìn sang bờ vai trĩu nặng của ba, thấy thêm phần giận chính mình vì hoá ra bây giờ mới hiểu những tình cảm thật sự mà ba dành cho má. Chỉ đến lúc này, tôi mới hiểu suốt từ bao nhiêu năm nay, mình đã thật nông cạn khi tưởng rằng ngày nào đó má có mệnh hệ gì chắc chắn ba sẽ rất hối hận. Hoá ra, vì bản tính lạnh lùng, cương trực mà ba đã không hề thốt lên những lời từ sâu thẳm trái tim mà thật tình ba rất muốn nói với má.
“Thấm thoát thế mà đã tròn ba mươi lăm năm. Cảm ơn em đã vun vén, hy sinh để gia đình chúng ta có nhiều kỷ niệm và luôn hạnh phúc. Cảm ơn em đã rộng lượng và luôn vượt qua phong ba bão táp cùng anh. Cảm ơn em đã hỗ trợ và là một nửa trọn vẹn cho những khiếm khuyết của anh để đi suốt chặng đường. Anh ít khi nói về tình cảm dành cho em nhưng từ sâu thẳm anh muốn nói lời cảm ơn chân thành tới em, người bạn đời của anh.
Anh là một con người lớn lên từ tình yêu phải được thể hiện bằng kỷ luật, bằng sự phấn đấu, bằng chính đôi tay và bằng sự mạnh mẽ của bản thân. Em là một con người lớn lên từ tình yêu của gia đình, sự lo lắng và trách nhiệm với các anh chị em, sự chăm sóc và trách nhiệm với bố mẹ. Chính vì sự khác biệt này, anh biết em sẽ là một nửa của cuộc đời anh.
Nhưng cũng chính vì sự khác biệt này, anh đã không dành cho em sự ngọt ngào âu yếm như mong đợi của tất cả những người phụ nữ, và như sự xứng đáng mà cô hoa khôi của trường thánh mẫu đương nhiên phải có.
Em đã không sống với anh bằng sự thất vọng, cũng không dành cho anh sự so sánh và ghen tị mà em đã dành chính trách nhiệm và tình yêu để trở thành người bạn, người yêu, người tình, người chị trong ba mươi lăm năm sóng gió của cuộc đời anh.
Sẽ còn những bước đường phía trước, không chỉ là sự gia tăng về tuổi tác, thách thức về sức khoẻ mà còn là sự tăng trưởng và phát triển cho Tân Hiệp Phát và nền tảng gia đình cho thế hệ này tiếp nối nhiều thế hệ tương lai.
Chúng ta sẽ tiếp tục đi qua những ngày mới, cùng nắm tay nhau tạo nên những nền tảng cho thế hệ mai sau. Cùng nắm tay nhau đi về phía trước, dẫu có thêm phong ba, cuộc đời này vẫn còn ta với ta…”
(Bức thư tình của một người đàn ông gửi đến cho người phụ nữ mà mình yêu quý nhất)
Thực ra, bức thư không phải do ba tự tay viết mà là tôi viết ra giùm ba, được ba gửi tặng má vào đúng ngày sinh nhật, tôi cũng nghẹn lời khi thấy mắt ba rưng rưng xúc động.
Nguồn: Theo Báo Tri thức Trẻ
(http://ttvn.vn/doi-song/10-nam-rong-luc-tung-qua-khu-va-nhin-lai-bien-co-gia-dinh-de-viet-sach-cua-ai-nu-tan-hiep-phat-222017296125225889.htm)