Hà Thu (theo CNBC)/ VnExpress
Steve Adcock tích lũy được 1 triệu USD để nghỉ hưu sớm, dù không sinh ra trong gia đình giàu có, không khởi nghiệp và cũng chẳng được thừa kế.
Steve Adcock là một cựu nhân viên phát triển phần mềm, hiện là chuyên gia tư vấn với các bài viết về cách đạt tự do tài chính. Năm 2016, sau khi tích lũy gần đủ 1 triệu USD trong tài khoản tiết kiệm, anh bỏ công việc phát triển phần mềm với thu nhập hàng trăm nghìn USD một năm và nghỉ hưu ở tuổi 35. Vài tháng sau, vợ anh – Courtney cũng làm điều tương tự.
Trên CNBC, anh chia sẻ 10 thói quen tiền bạc “đơn giản đến bất ngờ” đã giúp anh tiết kiệm được số tiền lớn và nghỉ hưu sớm. Cả hai vợ chồng đều không sinh ra trong gia đình giàu có, không khởi nghiệp và cũng không được thừa kế nhiều tiền. Adcock cho biết họ chỉ tích lũy tài sản theo cách cổ điển – làm việc chăm chỉ và có các chiến lược đầu tư tài chính.
1. Bỏ qua lời khuyên “theo đuổi đam mê”
Không phải lúc nào đam mê cũng giúp chúng ta kiếm đủ tiền để trả các hóa đơn. Ví dụ, tôi thích chụp ảnh. Nhưng thế mạnh của tôi là khoa học máy tính.
Năm 2004, lương khởi điểm của tôi khi làm kỹ sư phần mềm là 55.000 USD một năm. Đến năm 2016, tôi đã kiếm được hơn 100.000 USD. Tôi không chắc mình có thể kiếm được chừng đó nếu theo đuổi đam mê hay không.
Dù bạn hoàn toàn có thể kiếm được nhiều tiền nhờ đam mê, lời khuyên của tôi là hãy xây dựng sự nghiệp theo thế mạnh của bản thân.
2. Học từ các triệu phú
Trong thời gian làm việc, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người giàu. Thay vì ghen tị, tôi ghi lại những gì mình quan sát được.
Người tôi nhớ nhất là Brian. Anh ấy làm việc cùng tôi sau khi tốt nghiệp, hơn tôi vài tuổi và lái một chiếc Honda Accord 6 năm tuổi. Dù là triệu phú, Brian vẫn dùng chiếc đồng hồ Casio rẻ tiền và chẳng bao giờ mặc quần áo thiết kế.
Brian luôn là người đầu tiên có mặt tại văn phòng, không tham gia các rắc rối công sở và thường tình nguyện làm thêm việc. Brian thành triệu phú nhờ đầu tư và kiểm soát chi tiêu.
3. Đổi việc 5 lần trong 14 năm
Chuyển sang công việc mới là cách dễ dàng nhất để tăng thu nhập, do bạn có thể đàm phán mức lương cao hơn. Mỗi lần chuyển việc, tôi nhận mức lương cao hơn 15-20%.
Nhưng đừng nhảy việc quá thường xuyên. Hãy cố làm ở vị trí đó ít nhất một năm, vì nhà tuyển dụng không thích các ứng viên đổi việc quá thường xuyên đâu.
4. Tự động hóa mọi thứ
Tôi đặt chế độ tự động chuyển tiền vào tài khoản đầu tư, tài khoản về hưu, từ đó đảm bảo luôn tiết kiệm được tiền. Tôi cũng để thanh toán tự động hóa đơn điện, nước và cả thẻ tín dụng. Nhờ đó, tôi chưa lỡ đợt thanh toán nào và không phải trả các loại tiền phạt, phí trả chậm.
5. Bỏ qua những người không ưa mình
Sẽ có người chỉ trích bạn khi bạn tiêu tiền khác họ. Bạn có thể mất vài người bạn nếu từ chối lời mời đi chơi. Điều này không dễ dàng đâu, nhưng bỏ qua những người không ưa mình cũng là một cách để gây dựng tài sản.
6. Đừng chạy theo lối sống của người khác
Khi hàng xóm của bạn mua xe hơi mới, mua du thuyền hay nhà, điều đó không có nghĩa bạn cũng phải làm vậy.
Hãy tập trung vào mục tiêu của mình. Vợ chồng tôi luôn nói về tương lai khi đi dạo mỗi buổi tối. Việc này giúp chúng tôi luôn nhớ mình cần làm gì và không để thói quen mua sắm của người khác ảnh hưởng đến mình.
7. Ưu tiên sức khỏe
Cuộc sống không chỉ có tiền bạc. Sức khỏe tốt giúp bạn hạnh phúc hơn và làm việc năng suất hơn. Nó cũng làm giảm khả năng bạn tốn tiền chữa bệnh.
Năm 2007, tôi bị béo phì và cảm thấy không khỏe mạnh. Khi đó, tôi quyết định thay đổi thói quen sống bằng cách ăn uống lành mạnh hơn và tập thể dục thường xuyên. 2 năm sau đó, tôi giảm được hơn 30 kg. Hiện tại, tôi đã 41 tuổi và vẫn tập luyện hàng ngày.
Năm nay, hai vợ chồng tôi đã chi 10.000 USD xây phòng tập tại nhà. Đây là khoản chi tốt nhất mà chúng tôi từng làm.
8. Tránh nợ thẻ tín dụng
Người Mỹ đang ngập trong khối nợ thẻ tín dụng hơn 840 tỷ USD. Lãi suất của thẻ tín dụng thì rất cao.
Tôi chưa bao giờ tốn một đồng để trả lãi thẻ tín dụng. Từ khi còn bé, tôi đã được cha mình dạy rằng nợ thẻ tín dụng, dù là một tháng, cũng là điều không thể chấp nhận được. Với rất nhiều người, thẻ tín dụng giúp họ chi tiêu thoải mái. Đó là thói quen nguy hiểm, có thể nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bạn.
9. Luôn nói “có”
Dù không biết sẽ làm công việc được giao thế nào, tôi luôn chấp nhận thử thách và tìm ra cách giải quyết chúng.
Tôi vẫn nhớ một ngày thứ Sáu ở văn phòng, tôi được gọi tham gia một cuộc họp cùng giám đốc. Khi đó, tôi đã rất hồi hộp. Nhưng hóa ra, đó lại là cơ hội nghề nghiệp tốt nhất tôi từng có.
Công ty đã sa thải một loạt cấp trên của tôi và muốn tôi làm Giám đốc Công nghệ Thông tin. Là một nhân viên phần mềm, tôi biết đó chính là bước ngoặt lớn. Tôi chưa từng làm quản lý và cảm thấy chưa có sự chuẩn bị nào cho sự thăng chức nhanh như vậy.
Tôi từng nghĩ sẽ trả lời “Không, cảm ơn”, nhưng cuối cùng lại đồng ý. Tôi đã hỏi rất nhiều câu hỏi, tìm cho mình các cố vấn và gặt hái nhiều kinh nghiệm cần thiết để thăng tiến.
10. Giao lưu với những người thành công
Nếu bạn chỉ ra ngoài với những người thích đi bar và tiêu tiền, nhiều khả năng bạn cũng sẽ có các thói quen chi tiêu giống họ.
Tôi chọn cách nâng cấp cuộc sống của mình bằng việc giao lưu với những nhân viên xuất sắc nhất công ty. Tôi dành nhiều thời gian cho những người thành công hơn mình. Mục tiêu của tôi là xây dựng mối quan hệ với họ, để các thói quen của họ ảnh hưởng đến mình.
Sau đó, tôi bắt đầu có các quyết định tiền bạc tốt hơn và giảm chi cho đồ uống có cồn. Ở công ty, tôi tăng ca thường xuyên hơn và khi đề xuất tăng lương, thăng chức, tôi đã được đáp ứng.
Nguồn: https://vnexpress.net/10-thoi-quen-tien-bac-de-nghi-huu-som-4491900.html