11 bài học kinh doanh để doanh nghiệp nhỏ tránh đi vào vết xe đổ của tiền bối

Bích Trâm/ Báo DNSG

——

Có nhiều bạn trẻ gửi thư hỏi tui, bác Dr Thanh có thất bại lần nào chưa? Các bạn đúng là trong veo, nhìn các doanh nhân thế hệ đi trước thành đạt thì cứ tưởng là đường đi của họ trải bằng hoa hồng.

Không phải chỉ mình tui, mà chắc chắn tất cả những doanh nhân thành đạt đều từng nếm trải thất bại, đúng là “ai nên khôn không khốn một lần”.

Ông Soichiro Honda – người sáng lập Honda từng nhiều lần gặp thất bại, vợ phải đi cầm cố những đồ vật có giá trị để nuôi con, nhưng Honda không gục ngã. Ông nói: “Đối với tôi, thành công chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại”.

Tài sản mà ông để lại là vô giá, thương hiệu Honda làm sang trọng nước Nhật của ông.

Henry Ford – ông vua ngành xe hơi của Mỹ đã gây dựng 3 công ty nhưng có tận 2 trong số 3 công ty đó đã phá sản hoặc ông buộc phải rời đi. Ông không phải thất bại một vài lần mà vô số lần thất bại. Nhưng cuối đời, tổng giá trị tài sản của Henry Ford lên tới 199 tỉ USD.

Steve Jobs, thất bại cay đắng nhất là bị sa thải khỏi chính công ty của mình. Ông cũng từng ra mắt nhiều sản phẩm và tất cả đều thất bại như Apple Lisa, TV Macintosh, Powermac G4.

Thế nhưng, cuối đời, Steve Jobs là tượng đài doanh nhân của thế giới.

Thất bại của những người đi trước là bài học vô cùng quý giá cho thế hệ sau, vấn đề là học có được hay không mà thôi.

Tui xin giới thiệu bài viết sau, thay cho câu trả lời học thất bại như thế nào?

Trần Quí Thanh

—–

Nhà lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ cần phải rất cân nhắc khi đưa ra những quyết định kinh doanh nhằm tránh phạm sai lầm như các doanh nhân đi trước.

Tất cả mọi người đều phạm sai lầm, đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong thế giới kinh doanh, những bước đi sai lầm có thể mang đến rủi ro lớn cho doanh nhân. Theo một báo cáo trên website Small Business Administration, những doanh nghiệp nhỏ chỉ có khoảng 48% cơ hội sống sót trong 5 năm. Nghĩa là nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ buộc phải rất cân nhắc khi thực hiện những quyết định nhằm tránh phạm những sai lầm có thể đẩy công ty vào cảnh thua lỗ.

Không phải mọi bước đi sai lầm đều hiển hiện rõ ràng ngay lập tức, một số bài học kinh doanh cần có thời gian để trở nên hữu hình. Vì vậy ngay từ đầu, điều quan trọng là các doanh nhân cần chú ý đến những thách thức mà các “bậc tiền bối” đã và đang phải đối mặt, cũng như những bước đi sai lầm khiến họ đã phải nuối tiếc.

Đó là lý do 11 thành viên trong tổ chức Young Entrepreneur Council (YEC) – nơi quy tụ những doanh nhân trẻ (từ 40 tuổi trở xuống) thành công trên thế giới – đã chia sẻ về một số sai lầm họ từng mắc phải hoặc từng chứng kiến từ khi mới bắt đầu kinh doanh. Và cho đến hiện tại, họ vẫn thường cảnh báo người khác nên tránh xa những “vết xe đổ” này.

1. Đảm bảo sự minh bạch giữa các nhà đồng sáng lập

Nếu bạn có các nhà đồng lập, hãy chắc chắn rằng tất cả đều minh bạch và cởi mở với nhau về những rủi ro sẽ gặp phải cũng như lợi ích sẽ nhận được. Quyền lợi nên được phân chia công bằng theo lượng thời gian tham gia của mỗi người, đồng thời sự rủi ro mỗi nhà sáng lập phải đối diện khi theo đuổi dự án cũng vậy.

Thỉnh thoảng lúc đầu, một số nhà sáng lập cảm thấy ổn với việc hy sinh nhiều hơn người khác, nhưng sau đó thường sẽ dẫn đến mâu thuẫn nếu họ cảm thấy mình không được hưởng xứng đáng.

Erik Skjodt (Công ty dịch vụ tài chính Medean)

2. Thuê người quản lý tài chính từ sớm

Chúng tôi phát triển rất nhanh nhưng lại chờ đợi đạt đến một mức doanh thu lớn mới thuê người quản lý tài chính. Điều này đặt chúng tôi vào một trạng thái căng thẳng, áp lực, và do đó không thể tập trung cho việc đầu tư vào một chất lượng dịch vụ khách hàng tuyệt vời.

Dù việc thuê người quản lý tài chính từ sớm sẽ khiến chi phí đội lên, nhưng chúng ta có thể bù đắp lại bằng cách tập trung đầu tư, cải thiện lòng trung thành của khách hàng, văn hóa công ty và giữ chân nhân tài.

Saloni Doshi (Công ty bao bì phân hủy sinh học EcoEnclose)

3. Thuê đúng người đúng việc

Doanh nhân khởi nghiệp thường mắc một sai lầm phổ biến là thuê người quá sớm cho một vị trí còn chưa được định hình rõ ràng. Hậu quả sẽ trở nên trầm trọng hơn khi công ty không tìm được người có đủ sự linh hoạt để thay đổi vai trò công việc và tiếp tục học hỏi ở vai trò mới.

Điều này sẽ gây bất hòa trong tập thể và lãng phí thời gian của công ty.

Eng Tan (Công ty cung cấp dịch vụ khách hàng Simplr)

4. Thuê những người tin tưởng khả năng lãnh đạo của bạn

Hãy thuê những người tin tưởng vào tầm nhìn của bạn. Đội ngũ bạn xây dựng sẽ trở thành một gia đình thứ hai của bạn. Vì vậy hãy để mình “bị bao vây” bởi những cá nhân cùng chia sẻ tầm nhìn và có một ảnh hưởng tích cực lên văn hóa công ty.

Bạn phải có khả năng xác định những điểm mạnh của từng thành viên trong đội ngũ, nhờ đó họ sẽ góp phần đưa công ty bạn đạt đến thành công lớn.

Angela Pan (Thương hiệu thiết bị công nghệ Ashley Chloe)

5. Biết cách đi đường dài

Sai lầm lớn nhất là nhận thức sai về việc “tiến hành mọi thứ thật nhanh”. Tôi đã phải rất vất vả để chuyển đổi từ tư duy ngắn hạn sang học cách tham gia một “cuộc chơi” dài hạn.

Will Robins (Công ty sản phẩm tiêu dùng cho nam giới Manscaped)

6. Thuê ngoài khi cần thiết và biết được nơi sinh lợi nhiều nhất

Những sai lầm lớn nhất tôi đã phạm phải khi bắt đầu con đường kinh doanh:

Một là, tôi không biết tiền của mình đang ở đâu, và đâu là nơi tạo ra nhiều tiền nhất cho công ty.

Hai là, tôi không sớm quyết định thuê ngoài những mảng cần thiết, và cố gắng tự mình làm hết tất cả mọi thứ.

Ba là, tôi không biết cách vận hành một doanh nghiệp hiệu quả.

Alec Friel (Công ty dịch vụ tự động hóa Prosperity Flow)

7. Vạch ra một con đường rõ ràng để đạt được mục tiêu

Những sai lầm “đặc sắc” nhất của tôi ở vai trò một doanh nhân là để bản thân mình cảm thấy hài lòng, tự mãn, và cứ để cho mọi thứ vận hành theo “chế độ tự động” mà không chịu ngồi xuống và suy nghĩ về định hướng mình thực sự muốn để lèo lái “con thuyền doanh nghiệp”.

Việc thiết lập các mục tiêu và vạch ra một con đường cụ thể để đạt được chúng có thể thay đổi doanh nghiệp bạn theo một hướng hoàn toàn khác biệt.

Cole South (Công ty dịch vụ thương mại điện tử SDDC Goods)

8. Đừng để một vấn đề tồn tại quá lâu

Tôi có cả một danh sách dài những sai lầm nhưng sai lầm lớn nhất tôi phạm phải là những lúc phải đối diện với một vấn đề cần giải quyết, tôi lại chần chừ trong nhiều tháng trời do sợ hãi, hoặc do quá bận rộn. Những vấn đề khó chịu cứ thế trôi vào quên lãng, nhưng nó không hề biến mất.

Còn giờ đây, khi có vấn đề phát sinh, tôi luôn quan tâm đến nó đúng mức. Tôi làm việc với các cố vấn, thúc đẩy bản thân phải trao đổi với mọi người và tìm ra các giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề thật sớm.

Natalya Bailey (Công ty hệ thống động cơ du hành không gian Accion Systems)

9. Hiểu về các vấn đề tài chính của công ty

Một trong những lỗi lầm lớn nhất tôi phạm phải lúc đầu là không hiểu sâu về các vấn đề tài chính của công ty.

Trong khi đó, nếu hiểu được bao nhiêu phần trăm của tổng doanh thu được dùng vào việc gì, tôi thực sự đã có thể tinh chỉnh một số thứ để công ty tăng trưởng lành mạnh và bền vững hơn.

Jared Weitz (Công ty cung cấp dịch vụ vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ United Capital Source)

10. Chấp nhận thất bại để thúc đẩy quá trình ra quyết định

Không quả quyết là một trong những sai lầm lớn nhất tôi phạm phải ở vai trò một doanh nhân. Lúc còn đi học ở trường, bạn được tưởng thưởng vì sự hoàn hảo. Bạn viết một bài luận thật hay để đạt được điểm số cao. Nhưng trong thế giới kinh doanh, thất bại lại thường là con đường tốt nhất để đạt đến thành công.

Khi đã nhận ra điều đó, bạn sẽ rất thoải mái khi đưa ra những quyết định một cách nhanh chóng mà không cảm thấy sợ hãi kết quả.

Eric Saleh (Công ty cung cấp dịch vụ tìm đối tác cùng thuê nhà Circle for Roommates)

11. Không tập trung dàn trải

Nếu không có sự tập trung cao độ, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể thất bại. Con số tỷ lệ thất bại cao của các doanh nghiệp mới cho thấy các doanh nhân cần phải cực kỳ tập trung vào mục tiêu, tránh bị xao lãng bởi những yếu tố bên ngoài.

Trong khi đó trên thực tế, họ lại thường cố gắng làm quá nhiều thứ cùng lúc nhưng lại không sở hữu đủ nguồn lực để đạt được kết quả như mong đợi.

Bryan Shetsky (Công ty quảng cáo và tiếp thị Lamark Media)

 

NGUỒN:  Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: 11 bài học…

(https://doanhnhansaigon.vn/goc-nha-quan-tri/11-bai-hoc-kinh-doanh-de-doanh-nghiep-nho-tranh-di-vao-vet-xe-do-cua-tien-boi-1086367.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *