Thuý Nga/ Báo Vietnamnet
Mượn xe và trả lại với bình xăng đầy hơn ban đầu, đứng dậy trước khi bắt tay ai đó, nhớ tên những người mới quen,… là hành động chứng tỏ bạn biết cách ứng xử và tôn trọng người khác.
Nếu làm được như trong 13 tình huống dưới đây chứng tỏ bạn là người có lối cư xử khéo léo và tinh tế.
1. Nếu có một vị khách tới chơi và người này đi cả giày vào trong nhà, thay vì yêu cầu người đó cởi giày để bên ngoài, bạn mang cho họ một đôi dép đi trong nhà. Điều này chứng tỏ bạn là người biết cách ứng xử và tôn trọng người khác.
2. Khi bạn mượn xe của bạn bè, bạn nên trả lại với một lượng xăng lớn hơn lúc nhận xe. Nội thất xe hơi cũng được dọn sạch sẽ hoặc xe được rửa, lau chùi cẩn thận.
3. Nơi an toàn nhất trong xe là chỗ ngồi phía sau người lái. Còn chỗ ngồi thoải mái nhất là ghế bên phải ở hàng sau. Đó là lý do tại sao những chỗ ngồi đó nên được dành cho người lớn tuổi nhất hoặc phụ nữ, trong khi đó những người trẻ nhất nên ngồi ở giữa. Hiểu được “quy tắc ngầm” này, bạn sẽ biết cách chọn chỗ cho phù hợp từng hoàn cảnh.
4. Rất bất lịch sự và thậm chí nguy hiểm khi người ngồi gần tài xế luôn sử dụng điện thoại hoặc ngủ. Cách cư xử tinh tế là trò chuyện với người lái xe một cách nhẹ nhàng, ít cử chỉ kích động. Bạn cũng chú ý quan sát phía trước, nếu nhận ra tình huống bất ngờ trên đường cần tạm dừng nói chuyện để người lái có thể tập trung.
5. Nếu bạn hủy cuộc họp vì một số lý do, cần nhanh chóng sắp xếp một cuộc họp mới. Bằng cách này, bạn sẽ thể hiện sự tôn trọng với những người tham dự khác.
6. Sẽ không lịch sự nếu bắt tay ai đó khi đang đeo găng tay hoặc đang ngồi nhưng lại giơ tay ra phía trước. Nếu bạn đứng lên khi bắt tay chứng tỏ bạn biết cách ứng xử, tôn trọng người khác.
7. Nếu đã quên tên một người, đơn giản chỉ cần thừa nhận nó. “Tôi xin lỗi, tôi lại quên mất tên bạn”, nghe sẽ đơn giản, lịch sự và trung thực. Nếu bạn muốn cố nhớ tên của mọi người trong một sự kiện, khi gặp hãy lặp lại tên của họ như: “Rất vui được gặp bạn, Anna”.
8. Nếu bạn không thể liên lạc với một người qua điện thoại trong lần gọi đầu tiên, không cần phải lặp lại nỗ lực ấy trong vô vọng. Nếu câu hỏi của bạn không khẩn cấp, hãy lịch sự gọi lại cho người ấy sau 2 giờ để họ thấy đã có cuộc gọi lỡ và gọi lại cho bạn.
9. Bạn nên trả lời cuộc gọi sau 2-3 hồi chuông để người gọi có thời gian chuẩn bị. Nếu là người đang gọi, bạn nên dập điện thoại sau khoảng 5 hồi chuông nếu người đó không nhận.
10. Trong thời đại ngày nay, các cuộc gọi có thể khá căng thẳng. Nếu câu hỏi không khẩn cấp, bạn có thể chọn cách gửi tin nhắn hay email. Trong trường hợp này, bạn sẽ không lãng phí thời gian và có câu trả lời chính xác hơn. Người nhận tin nhắn của bạn sẽ trả lời nó khi họ có thời gian hoặc tìm câu trả lời phù hợp nhất gửi cho bạn.
11. Khi một người đeo tai nghe chứng tỏ họ không muốn nói chuyện vào lúc này. Bạn không nên cố gắng làm gián đoạn họ bằng một cuộc trò chuyện, trừ khi có câu hỏi khẩn cấp. Nếu bạn đang đeo tai nghe, một trong những quy tắc chính là tắt âm lượng và lấy nó ra khỏi tai trước khi bạn nói chuyện với ai đó. Đây là cách thể hiện sự tôn trọng với người khác.
12. Bàn làm việc của một người là không gian cá nhân của họ. Vì vậy, thật bất lịch sự khi ngồi vào bàn của đồng nghiệp mà họ không mời, nhìn vào màn hình, sử dụng máy tính hoặc lấy đi bất cứ thứ gì từ bàn của họ, ngay cả khi đó chỉ là cái kẹp giấy.
13. Cả phụ nữ và đàn ông đều có thể là người mời bạn đồng hành của họ đến nhà hát. Nhưng nếu là đàn ông chắc chắn nên là người xuất trình vé ở lối vào, mở cửa hoặc kéo ghế cho người phụ nữ.
NGUỒN: Báo Khám Phá dẫn theo Báo VietNamNet
Link bài: 13 tình huống…
(http://khampha.vn/giao-duc/13-