20 năm sưu tầm 300 ấm trà xưa của người đàn ông Sài Gòn

Phương Kim / Người Đồng Hành


Anh Nguyễn Hữu Hồng Kỳ (TP HCM) biết đến thú vui uống trà từ năm 2002 nhưng phải đến 5 năm sau, anh mới nghiên cứu trà như bộ môn nghệ thuật. Năm 2013, anh Kỳ mở một “trung tâm văn hóa trà” với mục đích có thể chia sẻ kiến thức và nhân rộng niềm đam mê tới nhiều người. Ngay từ những ngày đầu ấy, anh Kỳ đã bắt đầu sưu tầm ấm trà tử sa, đến hiện tại, anh có khoảng 300 chiếc ấm với nhiều hình dáng và tuổi đời khác nhau.

Ấm tử sa là loại ấm phổ biến nhất với dân chơi trà, được làm từ loại đất tử sa ở vùng Nghi Hưng (Trung Quốc). Sau khi trải qua quá trình nhào nặn, tạo hình, ấm được nung ở nhiệt độ cao, tạo nên chất ấm chắc như sứ. Ấm không được tráng men, để giúp giữ lại sự thẩm thấu tự nhiên giữa nước pha trà và chất đất, là điều mà người thưởng trà rất trân quý. Trong ảnh là những ấm trà có từ thập niên 70-80.

Bộ sưu tập ấm trà của anh Kỳ không phải loại ấm cổ, mà chỉ là những tác phẩm quý. Một số do người nghệ nhân chế tác ra chúng đã mất nên trở thành thứ quý hiếm và được săn đón trên thị trường. Trong giới trà cụ, có chiếc ấm của anh Kỳ được định giá lên tới 300 triệu, một số ấm khác có thể là 50-60 triệu.

Anh Kỳ chia sẻ người chơi trà có rất nhiều thứ để sưu tầm. Có người thích tích trữ trà (trà lên men, trà xanh…), có người thích chơi tống trà (chiếc chén lớn dùng để đựng nước trà rót ra từ ấm, sau đó mới chia đều ra chén nhỏ để nước được đều vị), chén trà (sưu tầm chủ yếu là chén chủ, loại chén dành riêng cho chủ nhà chứ không dùng để mời khách), khay trà (có thể bằng đá, tre, gốm…) nhưng phổ biến nhất vẫn là ấm trà. Trong ảnh là chiếc ấm Cung Xuân, được làm bởi nghệ nhân Lý Thái Phó, người giành được giải thưởng về sản xuất ấm trà tại Giang Tô, Trung Quốc. 

Ấm trà nói chung có thể chia thành 3 loại, ấm đất nung không tráng men, ấm tráng men và ấm kim loại. Về ấm nung không tráng men, cái tên phổ biến nhất là ấm tử sa. Cũng như bất cứ loại hình sưu tầm nào khác, giá của những chiếc ấm thường khó để đưa một mặt bằng chung. Những con số có thể cao, thấp tùy thuộc vào từng mẫu. Trong ảnh là bộ ấm Thủy Bình, nghĩa là có thể nổi cân bằng dù lênh đênh trên mặt nước. 

Đối với người “nghiện trà”, chiếc ấm được ví như tri kỷ. Họ chỉ dùng một loại ấm để pha mỗi loại trà khác nhau, tránh dùng chung. Anh Kỳ chia sẻ, có người cả đời chỉ mê một loại trà nên họ không cần quá nhiều ấm nhưng cũng có người thích sự đa dạng thì sẽ không ngại sưu tầm nhiều trong nhà để tăng thêm trải nghiệm. 

Một chiếc ấm đất nung được dùng lâu năm rất dễ xuất hiện cao trà. Đó là khi nhiệt độ của nước sôi làm tinh chất trà tỏa ra, thấm vào từng thớ đất giúp lưu lại tất cả những gì tinh túy nhất của thức uống này. Nếu là ấm tráng men, những cao trà này nhìn khá mất thẩm mỹ nhưng khi là ấm đất nung, nó giống như một loại “bảo chứng” cho mức độ đam mê của người thưởng trà. Bởi vậy, một chiếc ấm nếu đã được dùng trong khoảng 10 năm, 20 năm thì người uống chỉ cần rót nước nóng vào thôi cũng đã đủ dậy hương trà ngào ngạt.

Để đánh giá một ngụm trà ngon, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có hương, có vị, có sắc nhưng mỗi người sẽ có một thang đo khác nhau. Là một người đam mê văn hóa phương Đông, anh Kỳ  rất trân trọng nét đẹp của trà cụ. Với anh Kỳ, một khi được dùng chiếc ấm quý, thì dù nước trà có ở bậc trung thì anh vẫn thấy phần nào vị ngon đặc biệt trong nó và coi đó là trải nghiệm vô cùng đáng quý.

Nguồn: https://ndh.vn/photo/loi-song/20-nam-suu-tam-300-am-tra-xua-cua-nguoi-dan-ong-sai-gon-1325158.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *