3 điều cốt lõi để phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: baoquocte.vn

 


Cho đến hôm qua ngày 19.4, có thể nói tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát. Trong vòng 3 ngày không có thể ca nhiễm mới, số người được điều trị khỏi bệnh tăng nhanh và số người hết thời hạn cách ly gần như hoàn toàn, chỉ còn nhóm ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.

Thêm một tuần thực hiện cách ly xã hội nghiêm túc, không bùng phát ổ dịch mới, Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia vượt qua được đại dịch COVId-19 với tổn thất thấp nhất.

Ngay từ đầu dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định rằng, chống dịch đồng thời với chống suy giảm kinh tế. Đây là một mệnh lệnh chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt. Các chính sách kịp thời và các gói tài chính bơm ra nhằm mục đích hỗ trợ cho nền kinh tế, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển ngay sau dịch bệnh.

Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều bơm tiền giải cứu nền kinh tế, vấn đề là ở chỗ, ai sử dụng đồng tiền hiệu quả hơn ai. Tiền dù nhiều, nhưng không đến đúng chỗ, sử dụng đúng mục đích, thiếu minh bạch, công bằng, thì còn nguy hiểm hơn.

Sau 15 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, Thủ tướng đưa ra giải pháp thực hiện phòng chống dịch giai đoạn mới theo kế sách phân ra 3 nhóm nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp là trên cơ sở phân tích các nguồn dữ liệu liên quan đến dịch bệnh của từng địa phương. Phân từng nhóm để khống chế dịch bệnh đúng, cũng giống như chẩn bệnh chính xác và cho thuốc đúng liều.

Vậy thì, phục hồi nền kinh tế hậu dịch bệnh cũng vậy.

Trước tiên, các nhà hoạch định chính sách phải căn cứ trên các dữ liệu liên quan đến tình hình tài chính, năng lực doanh nghiệp, thị trường trong nước và quốc tế, tình hình xuất nhập khẩu, nguồn nguyên liệu, thị trường lao động, ưu thế của từng ngành nghề, để cho ra một kế sách đúng đắn, đầu tư ưu tiên theo từng nhóm ngành nghề, lĩnh vực.

Nguồn lực tài chính quốc gia có hạn, cho nên việc phân bổ theo từng nhóm ưu tiên để vực dậy nền kinh tế nhanh nhất là rất cần thiết, nếu dàn trải thì sẽ phục hồi rất chậm, chưa kể có thể bị lãnh phí nguồn lực.

Tiếp theo là phải khởi động nhanh để bắt kịp với thị trường khu vực và thế giới. Trung Quốc đã trở lại với nhịp sống kinh tế cũ, các nước trong khu vực dù vẫn đang vất vả chống dịch nhưng vẫn có chính sách nới lỏng để cứu nền kinh tế, thì Việt Nam không thể bỏ lỡ các cơ hội để khai thác thị trường. Chậm đưa ra các chính sách phục hồi kinh tế lúc này là mất đi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Thứ ba là cải cách hành chính triệt để, đây là cơ hội để bãi bỏ hoàn toàn các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành vô lối. Nếu như nói “biến nguy thành cơ” thì đây chính là cơ hội để thanh toán hoàn toàn tệ nạn giấy phép con hành hạ doanh nghiệp và phá hoại nguồn lực quốc gia bao nhiêu năm nay. Sau dịch bệnh, doanh nghiệp không còn phải bỏ ra chi phí cho các khoản tiêu cực, thì sẽ tạo ra một nguồn lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trên đây là 3 điều cốt lõi để phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, xin được nêu ra và mong bạn bè bổ sung thêm.

Sài Gòn ngày 19/04/2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *